Vụ DongAbank: UBND TPHCM lên tiếng về khu “đất vàng” Ba Son
Công ty cổ phần M&C dùng khu “đất vàng” Ba Son làm tài sản thế chấp để vay tiền tại DongAbank, tuy nhiên UBND TPHCM xác định công ty cổ phần M&C không có quyền tài sản đối với khu đất trên.
Theo kết luận điều tra vụ sai phạm xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đông Á (DongAbank), trong quá trình điều hành ngân hàng, Trần Phương Bình (nguyên Chủ tịch hội đồng tín dụng, Tổng giám đốc) đã chỉ đạo cấp dưới cho vay nhiều khoản vay lên đến hàng ngàn tỉ đồng với nhiều tài sản đảm bảo là những dự án “khủng” do ông Bình cùng cấp dưới, đối tác thông đồng duyệt hồ sơ trái quy định.
Cụ thể, năm 2011, công ty TNHH một thành viên Ba Son và công ty cổ phần M&C ký hợp đồng đầu tư xây dựng dự án khu trung tâm phức hợp Sài Gòn - Ba Son (số 2 Tôn Đức Thắng, quận 1, TPHCM). Hai bên thỏa thuận phía công ty cổ phần M&C đặt cọc 500 tỉ đồng.
Bị can Phùng Ngọc Khánh (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty cổ phần M&C) đề nghị DongAbank rót vốn. Khi đó, Trần Phương Bình có đề nghị về việc ngân hàng sẽ tham gia khai thác dự án sau này. Trần Phương Bình đồng ý nhận tài sản thế chấp là dự án hình thành trong tương lai nêu trên.
Từ hồ sơ thế chấp này, ông Bình và cấp dưới duyệt vay 1.520 tỉ đồng. Đáng nói, thỏa thuận thế chấp tài sản trên tại DongAbank không có Công ty Ba Son. Trong khi đây mới là đơn vị có quyền đối với quyền sử dụng đất tại số 2 Tôn Đức Thắng và là chủ đầu tư dự án Trung tâm phức hợp Sài Gòn - Ba Son.
Cơ quan điều tra khẳng định việc ngân hàng nhận thế chấp tài sản đảm bảo như vậy là chưa đáp ứng điều kiện pháp lý để làm tài sản đảm bảo, chưa công chứng thế chấp, chưa đăng ký giao dịch đảm bảo. Ngân hàng chưa thực hiện đúng điều kiện về đảm bảo tiền vay.
Không chỉ dự án trên, Phùng Ngọc Khánh và ông Bình còn bàn bạc, thống nhất thủ thuật vay đảo nợ; phù phép nhiều hồ sơ vay vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư khống với nhiều tài sản là dự án bất động sản ở TPHCM.
Liên quan tới dự án trung tâm phức hợp Sài Gòn – Ba Son UBND TPHCM đã có công văn số 134/UBND – NCPC gửi tới cơ quan điều tra, tại công văn này, UBND TPHCM xác định:“Tại thời điểm năm 2011, khu đất tại số 2 Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, quận 1 vẫn là đất quốc phòng do xí nghiệp liên hiệp Ba Son quản lý, sử dụng. Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận cho Bộ Quốc phòng được bán chỉ định tài sản trên đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất để triển khai xây dựng khu trung tâm phức hợp Sài Gòn phù hợp với quy hoạch của TPHCM. Theo đó, công ty cổ phần M&C là đơn vị được Bộ Quốc phòng chọn bán chỉ định, ký hợp đồng chuyển nhượng và bàn giao đất để triển khai thực hiện dự án”.
Cũng theo UBND TPHCM, từ năm 2011 đến nay, các Sở - ngành trực thuộc TPHCM không nhận được hồ sơ của công ty cổ phần M&C xin thuê, giao đất để thực hiện dự án khu trung tâm phức hợp Sài Gòn – Ba Son.
Công ty TNHH một thành viên Ba Son cũng có công văn trả lời theo yêu cầu của cơ quan điều tra. Theo đó, công ty TNHH một thành viên Ba Son là doanh nghiệp thuộc Tổng cục Công nghiệp với chức năng là đóng mới, sữa chữa tàu phục vụ Quân chủng Hải quân. Về việc, hợp tác với công ty cổ phần M&C là theo chủ trương của Quân ủy Trung ương, trong quá trình hợp tác thì công ty cổ phần M&C vi phạm nghĩa vụ về tài chính, vi phạm cam kết hợp đồng nên chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Vì vậy, khu đất trên vẫn thuộc về công ty TNHH một thành viên Ba Son.
Với kết quả xác minh tại UBND TPHCM và công ty TNHH một thành viên Ba Son, cơ quan điều tra xác định công ty cổ phần M&C không có quyền tài sản đối với dự án trên. Việc công ty cổ phần M&C sử dụng khu “đất vàng” Ba Son để làm hồ sơvay làbất hợp pháp, không có căn cứ, việc DongAbank nhận dự án trên làm tài sản thế chấp để cho vay là vi phạm quy định pháp luật.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận