Vụ án liên quan cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương: Đề nghị triệu tập đại diện Kiểm toán Nhà nước
Các luật sư đề nghị triệu tập một số người, trong đó có đại diện Kiểm toán Nhà nước đến phiên tòa xét xử các bị cáo trong vụ án liên quan sai phạm tại 2 khu đất vàng tại TP Thủ Dầu Một (Bình Dương).
Sáng 15/8, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử ông Trần Văn Nam, cựu Bí thư Tỉnh ủy và ông Trần Thanh Liêm, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cùng 26 bị can khác về 2 nhóm tội do liên quan đến những sai phạm tại 2 khu "đất vàng" ở TP Thủ Dầu Một.
Trong phần thủ tục, chủ tọa phiên tòa Vũ Quang Huy cho biết, trong 28 bị cáo của vụ án, có 2 người gửi đơn xin xét xử vắng mặt, họ gồm: ông Phạm Văn Cành (64 tuổi, cựu Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương) và Đỗ Thị Thanh Thúy (cựu Kế toán trưởng Tổng công ty 3/2).
Còn luật sư Đinh Anh Tuấn (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đại Dương) cho hay, trước phiên tòa này, ông đã có văn bản gửi HĐXX, kiến nghị triệu tập 3 người tham gia tố tụng. Tuy nhiên, luật sư nhận thấy chỉ một người có mặt là giám định viên của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Theo luật sư Tuấn, ngoài giám định viên của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông đề nghị triệu tập thêm ông Bùi Phạm Hải, Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương và ông Vũ Minh Sang, nguyên Phó bí thư Tỉnh Bình Dương nhằm làm rõ nhiều tài liệu, chứng cứ được cho là chưa được sáng tỏ.
Trong khi, luật sư Phan Trung Hoài (bào chữa cho bị cáo Trần Nguyên Vũ) nêu quan điểm trong vụ án này, nhiều bị cáo bị tạm giam. Để họ có điều kiện tiếp xúc với luật sư, ông Hoài kiến nghị HĐXX cho những người bào chữa được tiếp xúc với thân chủ khi có thời gian giải lao.
Ngoài những ý kiến trên, các luật sư khác đề nghị triệu tập bị cáo Đỗ Thị Thanh Thúy và đại diện Kiểm toán Nhà nước đến tòa.
Sau khoảng 30 phút thảo luận, HĐXX xét thấy hai bị cáo có đơn xin vắng mặt bị cáo Phạm Văn Cành vừa mổ sọ não nên sức khỏe chưa đảm bảo sức khỏe, còn bà Đỗ Thị Thanh Thúy mới sinh con. Quá trình điều tra, họ đã có lời khai nên khi cần thiết, đại diện Viện kiểm sát sẽ công bố.
Đối với những người vắng mặt khác hoặc người được kiến nghị triệu tập, chủ tọa cho hay phiên tòa diễn ra dài ngày, nên HĐXX sẽ triệu tập khi cần thiết. Với những quan điểm trên, HĐXX tuyên bố tiếp tục làm việc. Sau đó, đại diện đại diện Viện KSND TP Hà Nội bắt đầu công bố bản cáo trạng dài gần 100 trang.
Theo cáo trạng, bị cáo Nguyễn Văn Minh làm Chủ tịch HĐQT Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương (Công ty Xuất nhập khẩu Bình Dương) là doanh nghiệp trực thuộc UBND tỉnh nhưng ông Minh và người thân còn lập các công ty “sân sau” gồm: Tân Thành; Công ty TNHH Phát Triển; Công ty Đầu tư - Xây dựng Tân Phú.
Năm 2011, Công ty Xuất nhập khẩu Bình Dương được giao 2 mảnh đất tại Khu liên hợp tỉnh gồm 43ha đất xây khu dân cư Tân Phú và 145ha để xây sân golf, khu nghỉ dưỡng.
Năm 2015, khi bắt đầu phải cổ phần hóa, Tỉnh ủy ra văn bản yêu cầu chuyển khu đất 43ha về Công ty Impco (ban đầu là công ty con của Công ty Xuất nhập khẩu Bình Dương nhưng từ năm 2016 trực thuộc Tỉnh ủy); còn khu đất 145ha dự kiến xây sân golf được yêu cầu phải giữ lại. Tuy nhiên, các bị cáo trong vụ án làm ngược lại, với động cơ chiếm đoạt, hưởng lợi từ các khu đất.
Ngoài ra, khi cổ phần hóa Công ty Xuất nhập khẩu Bình Dương, Minh cùng con gái Nguyễn Thục Anh và đồng phạm tham ô số tiền hơn 815 tỷ đồng.
Đối với việc áp dụng tính đơn giá đất để thu tiền sử dụng đất, cơ quan truy tố cho rằng, ông Trần Văn Nam cùng nhóm bị cáo là cán bộ thuộc các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương đã duyệt, tính sai giá hai khu đất 43ha và 145ha, gây thất thoát cho Nhà nước hơn 761 tỷ đồng.
Viện kiểm sát cáo buộc, sai phạm của ông Trần Văn Nam và dàn lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã tạo điều kiện cho ông Minh gây thiệt hại tài sản Nhà nước hơn 5.700 tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận