VSEA kiến nghị giải phóng vốn đầu tư tư nhân vào phát triển năng lượng bền vững
Vừa qua, Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) đã gửi Thư kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ đề nghị chỉ đạo Quy hoạch điện VIII ưu tiên thực hiện các giải pháp cải cách ngành điện để giải phóng vốn đầu tư tư nhân vào phát triển năng lượng bền vững.
Phát triển điện than là đi ngược xu thế
Theo nội dung Thư kiến nghị của VSEA, việc hạn chế phát triển điện mặt trời là hoàn toàn đi ngược với xu thế của thế giới, bỏ lỡ cơ hội thu hút dòng đầu tư mới. Các dự báo và khuyến nghị mới nhất của các Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) đều chỉ ra rằng điện mặt trời sẽ tiếp tục được đầu tư phát triển mạnh trong thập kỷ tới.
Theo VSEA, Việt Nam có tiềm năng điện mặt trời phân tán và kết hợp rất lớn, là loại hình năng lượng huy động được rất tốt nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp tư nhân và người dân.
Quy hoạch điện VIII cần đưa ra chính sách để phát triển mạnh điện mặt trời này thay vì kìm hãm chỉ phát triển 2GW trong 10 năm tới. Quy hoạch cần ưu tiên tháo gỡ khó khăn về lưới điện và tăng tính linh hoạt của hệ thống điện đi kèm đẩy nhanh thực hiện thị trường điện cạnh tranh.
Tại buổi tọa đàm trực tuyến “Quy hoạch điện VIII: Những đột phá kì vọng” do VSEA tổ chức ngày 31/5 vừa qua, bà Ngụy Thị Khanh - Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID), kiêm Chủ tịch VSEA cho rằng, nếu tiếp tục phát triển các dự án điện than mới là đi ngược xu thế và rất khó khả thi.
Theo bà Khanh, nhiệt điện than ngày càng đắt đỏ với các chính sách tăng cường bảo vệ môi trường đang được xây dựng và sắp được ban hành. Mặt khác, tiếp cận tài chính quốc tế của các dự án điện than đã khó nay càng khó hơn.
Cần giải phóng vốn đầu tư tư nhân vào phát triển năng lượng bền vững
Theo đó, ông Phạm Xuân Hòe - nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, hiện có tới 17 Dự án nhiệt điện than quy hoạch tại 11 tỉnh với tổng công suất là 20.700 MW xác định đưa vận hành sau 2025, thế nhưng chậm tiến độ đã nhiều năm do không thu xếp được nguồn vốn.
Theo các chuyên gia, tiếp tục phát triển các dự án điện than mới đến 2045 là trái với xu thế mới của khu vực và toàn cầu, rất khó khả khi vì nguồn tài chính quốc tế cho điện than ngày càng khó hơn, nhiệt điện than ngày càng đắt đỏ hơn, các địa phương và người dân không ủng hộ. Tiếp tục phát triển điện than có thể gây ra hàng loạt hệ lụy với xã hội và nền kinh tế, tăng gánh nặng cho hệ thống y tế và tác động xấu đến sức khỏe của người dân, bất lợi cho hàng hóa của Việt Nam khi xuất khẩu sang các nước bị đánh thuế các bon, gây áp lực và rủi ro cho hệ thống ngân hàng trong nước.
Theo đó, cùng với việc kêu gọi cải cách ngành điện để giải phóng vốn đầu tư tư nhân vào năng lượng bền vững, VSEA kiến nghị cần kiên quyết loại bỏ ra khỏi Quy hoạch điện VIII các dự án điện than không được địa phương ủng hộ, tính khả thi thấp và rủi ro cao.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận