Vốn rót vào startup Việt Nam giảm hơn một nửa
Sau khi phục hồi mạnh mẽ vào 2021, vốn đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam năm 2022 lại giảm 56% do ảnh hưởng của biến động kinh tế toàn cầu.
Báo cáo Đổi mới sáng tạo và Đầu tư Công nghệ Việt Nam 2023 do Quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures và Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) công bố chiều 30/3 cho biết, tổng số vốn đầu tư rót vào startup năm qua đạt 634 triệu USD, thông qua 134 thương vụ. Việt Nam đứng thứ ba về số thương vụ và thứ tư về quy mô vốn vào startup năm 2022 tại Đông Nam Á.
Các thương vụ trị giá hơn 50 triệu USD giảm mạnh. Dòng vốn thu hẹp rõ rệt vào nửa cuối năm 2022 với giá trị đầu tư giảm 65% do khủng hoảng trong ngành công nghệ ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, số thương vụ lại tăng cùng giai đoạn này.
"Quy mô dòng vốn sụt giảm vì thiếu vắng của các thương vụ lớn nhưng số thương vụ cả năm chỉ giảm nhẹ, cho thấy các nhà đầu tư vẫn rót đều đặn vào Việt Nam", bà Lê Hoàng Uyên Vy, Giám đốc điều hành Do Ventures, nhận định.
Xét theo lĩnh vực, dịch vụ tài chính là điểm sáng hiếm hoi, gọi được số vốn nhiều nhất, tăng 248% so với 2021. Vốn vào bán lẻ giảm 57% nhưng vẫn là lĩnh vực nhận được nhiều vốn thứ hai, tiếp đến là y tế, giáo dục.
Dù vậy, tình hình đầu tư vào startup Việt Nam năm qua vẫn có một số điểm sáng. Giá trị đầu tư trong các vòng gọi vốn từ 10-50 triệu USD tăng nhẹ. Tín hiệu này cho thấy các công ty đã huy động được vòng Pre-A và Series A năm trước đã bước sang giai đoạn tăng trưởng tiếp theo.
Năm qua, các quỹ Việt Nam lần đầu tiên dẫn đầu quy mô rót vốn, với tổng cộng 287 triệu USD, theo sau là nhà đầu tư Singapore, Bắc Mỹ và Hàn Quốc. "Trong bối cảnh khó khăn, nhà đầu tư nội địa đang tiếp động lực cho startup", bà Vy nói.
Về triển vọng năm 2023, báo cáo cho biết gần 100% các nhà đầu tư được hỏi khẳng định ít nhất sẽ giữ mức độ rót vốn như hiện tại. Trong trung hạn, sức hẫn dẫn của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam còn rất lớn.
Tại "Diễn đàn Đổi mới sáng tạo Việt Nam" chiều 30/3, ông Nguyễn Anh Quang, Giám đốc đầu tư cấp cao SK - một quỹ Hàn Quốc đã rót 2 tỷ USD vào Việt Nam, quan tâm các dự án ngành tiêu dùng, y tế và các nền tảng có tiềm năng hưởng lợi từ nền kinh tế số nói chung. "5-10 năm tới là giai đoạn phát triển rất thú vị với hệ sinh thái startup Việt Nam và khu vực", ông nói.
STIC Investment (Hàn Quốc) - đơn vị đã rót 300 triệu USD vào Việt Nam tiếp tục tìm kiếm các startup mang đến những hạ tầng công nghệ mới trong logistics, thương mại điện tử, chăm sóc sức khỏe. Ông Vinnie Lauria, Giám đốc Golden Gate Ventures cho rằng Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển các startup ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI).
Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông phát biểu tại "Diễn đàn Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023". Ảnh: Forbes Việt Nam
Để vượt qua "mùa đông", các chuyên gia tại diễn đàn khuyến nghị startup tập trung vào các khía cạnh cơ bản của doanh nghiệp, sử dụng vốn khôn ngoan, liên tục điều chỉnh chiến lược hoạt động theo những thay đổi của môi trường kinh tế.
Năm 2022, Việt Nam đứng thứ 54, tăng năm bậc so với 2021, về hệ sinh thái startup các quốc gia, theo xếp hạng do StartupBlink thực hiện. Ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Kế hoạch & Đầu tư, nhận định hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam còn một số điểm cần cải thiện như ít "kỳ lân" (startup định giá từ một tỷ USD) và ít quỹ đầu tư mạo hiểm thiếu các thương vụ lớn.
Để thủ tục thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm thuận lợi hơn, bộ này sẽ soạn thảo sửa đổi Nghị định 38 hướng dẫn đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo theo hướng đơn giản hóa, tiệm cận hơn với thông lệ quốc tế.
Viễn Thông
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận