Vốn ngoại mua cổ phần tăng, nên mừng hay lo?
4 tháng đầu năm nay, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký chỉ bằng 82,1% cùng kỳ năm ngoái (dù năm ngoái có dịch Covid-19). Số vốn đăng ký giảm, tuy nhiên, số giao dịch góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp lại tăng (1.044 giao dịch), tổng giá trị vốn góp đạt hơn 3,1 tỷ USD, tăng tới 70,4% so với cùng kỳ.
Về vấn đề này, có lo ngại rằng, liệu các giao dịch như vậy tăng lên sẽ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp Việt dần rơi vào tay nước ngoài, đặc biệt là những doanh nghiệp lớn hay không?
Lo ngại trên có cơ sở, tuy vậy, cũng cần nhớ rằng, việc tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại đã được luật pháp quy định và hạn chế tại những lĩnh vực nhạy cảm.
Ý kiến khác nhau về một vấn đề kinh tế là có thể hiểu được. Nhưng trước hết cần khẳng định rằng Việt Nam đã và đang nhất quán chủ trương thu hút đầu tư nước ngoài; mọi doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đều phải hoạt động theo cơ chế thị trường, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật.
Thực tế khu vực FDI đang có những đóng góp quan trọng với kinh tế Việt Nam và không chỉ các nhà quản lý, chuyên gia mà mỗi người dân đều có thể cảm nhận điều này.
Ở quê tôi, một huyện miền núi nghèo của tỉnh Nghệ An, trong suốt nhiều năm nay, khi muốn "đổi đời", ngoài việc cật lực học hành thì người ta sẽ có hai cách: hoặc vay mượn để đi xuất khẩu lao động, hoặc vào Nam ra Bắc làm công nhân trong các khu công nghiệp. Có lẽ đây cũng là "công thức" khá chung chứ không riêng một địa phương nào.
Một bộ phận lớn người dân nông thôn ra thành phố lựa chọn "làm thuê" cho các công ty nước ngoài (FDI) và không ít người ổn định được cuộc sống, lập gia đình, xây nhà dựng cửa. Họ cũng có thể dành dụm được một số vốn liếng, gửi về cho người thân cải thiện đời sống.
Kể từ ngày 7/4/1988, khi tờ giấy phép cho dự án FDI đầu tiên chính thức được cấp cho một liên doanh giữa Công ty Hochimex của Hong Kong và Công ty Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu, đến nay đã 35 năm, khu vực FDI trở thành một trụ cột của nền kinh tế - vai trò không kém cạnh so với khu vực doanh nghiệp Nhà nước hay khu vực kinh tế tư nhân.
Từ 2 triệu USD đầu tiên của Hochimex, cho đến nay, Việt Nam có 37.065 dự án còn hiệu lực tiếp nhận từ 143 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đăng ký gần 445,9 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt hơn 279,8 tỷ USD, bằng gần 62,8% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Dòng vốn FDI chảy mạnh nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, chiếm 58% tổng số vốn đầu tư vào Việt Nam, tạo ra các ngành sản xuất công nghệ cao như điện, điện tử - bán dẫn, quang học…
Đến nay, FDI đã chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư xã hội, 55% tổng giá trị sản xuất công nghiệp và hơn 70% kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu, từ mức tỷ trọng 37% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước vào năm 2005, đến năm 2010, khối FDI đã đạt mức 54%. Từ năm 2015, tương quan giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp nội trong xuất khẩu là 70:30. Năm 2022, tỷ trọng xuất khẩu của FDI trong tổng kim ngạch xuất khẩu là 74,4%. Trong suốt 7 năm liền từ năm 2016 đến năm 2022, khối FDI liên tục xuất siêu từ đó đóng vai trò chủ lực tạo thặng dư thương mại cao cho cả nước.
Rõ ràng, vai trò của các doanh nghiệp nước ngoài khi hoạt động ở Việt Nam là không thể phủ nhận.
Tuy nhiên, khu vực FDI cùng loạt ưu đãi trong thu hút đầu tư cũng khiến dấy lên nhiều tranh cãi về quan điểm. Theo đó, một số ý kiến cho rằng, cái giá của những ưu đãi (thuế suất, đất đai…) là rất đắt đỏ và một khi đã ban hành sẽ khó rút lại. Trong khi đó, có những doanh nghiệp FDI khi tận dụng hết ưu đãi thì bỏ đi; chưa kể nhiều đơn vị dính nghi án chuyển giá, trốn thuế, gian lận thương mại; giá trị gia tăng mà các doanh nghiệp FDI mang lại không nhiều, không chuyển giao được công nghệ…
Như vậy, liệu Nhà nước có đang hy sinh nguồn thu một cách vô ích với khu vực này trong khi nhẽ ra đã có thể dùng đầu tư cho những khu vực công ích như y tế, giáo dục? Hơn nữa, sự ưu ái với khu vực FDI tạo nên tình trạng bất bình đẳng trong nền kinh tế, bóp méo tính công bằng giữa các thành phần kinh tế.
Không chỉ Việt Nam và nhiều quốc gia cũng trải qua những tranh cãi tương tự và xuất hiện băn khoăn như ở trên. Trong cùng môi trường, điều kiện kinh doanh, đã có ưu đãi cho đối tượng doanh nghiệp này tức là sẽ có "va chạm" lợi ích với những đối tượng doanh nghiệp khác - đó là tất yếu.
Tuy nhiên, nói như GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), trong cuộc đua thu hút FDI, Việt Nam không phải "một mình một chợ". Sự cạnh tranh giữa các quốc gia trong vấn đề thu hút đầu tư rất khốc liệt.
Trước khi thu hút FDI trở thành xu hướng thì bất cứ quốc gia nào cũng đã trải qua quá trình hoài nghi, từ từ mở cửa, thu hút FDI theo hướng thăm dò, thử nghiệm. Ví dụ, Trung Quốc ban đầu cũng chỉ thu hút FDI vào một số vùng đặc biệt (Khu kinh tế đặc biệt - SEZ) như một cuộc thử nghiệm về áp dụng Luật Liên doanh giai đoạn 1979-1985. Sau thành công của SEZ, Trung Quốc mới mở cửa mạnh mẽ hơn, hiện là công xưởng lớn nhất thế giới và cũng là cường quốc về sản xuất.
Quan điểm về thu hút đầu tư nước ngoài đã được lãnh đạo Chính phủ nêu rõ. Cuối tháng 4, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt nhà đầu tư nước ngoài đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức. Tại sự kiện này, Thủ tướng nhấn mạnh: "Thành công của các nhà đầu tư cũng là thành công của Việt Nam. Việt Nam luôn chào đón và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư cùng thắng, cùng Việt Nam phát triển".
Việt Nam chủ trương thu hút, hợp tác đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Trong đó, ưu tiên thu hút các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị; thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững.
Nói cách khác, vốn không phải là yếu tố tiên quyết mà còn phải có những lợi ích kèm theo. Chính phủ khẳng định không thu hút vốn FDI bằng mọi giá, không đánh đổi môi trường lấy dự án.
Việc thu hút FDI chất lượng cao là một thách thức chứ không hề dễ, phải cạnh tranh với các nước xung quanh. Trong trường hợp Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024 thì ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến việc thu hút vốn FDI. Tuy nhiên, người viết cho rằng, ưu đãi thuế chỉ là một phần, điều quan trọng là phải cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn hơn.
Thiết nghĩ mọi doanh nghiệp (dù ở bất cứ khu vực nào) nếu đóng góp tích cực nền kinh tế, tạo công ăn việc làm, và mang lại lợi ích cho xã hội thì đều phải khuyến khích. Ngược lại, nếu vi phạm pháp luật phải bị xử phạt bình đẳng. Trong khi cộng đồng doanh nghiệp khó khăn, ngoài ưu đãi cho FDI, Chính phủ cũng cần có những giải pháp để hỗ trợ khu vực doanh nghiệp nội thông qua giảm, giãn thuế, giúp các doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh và sức đề kháng.
Theo đó, việc tiếp tục quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ"; tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư làm ăn, kinh doanh có hiệu quả, lâu dài, bền vững không chỉ là cam kết với nhà đầu tư nước ngoài mà với cả cộng đồng doanh nghiệp. Tương tự, tinh thần cầu thị, "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm" cũng cần được các nhà chức trách, các cơ quan bộ ngành và chính quyền địa phương phát huy hơn nữa.
Một nền kinh tế khỏe là một nền kinh tế mà mọi doanh nghiệp chân chính đều được tôn trọng và được ủng hộ, được tạo điều kiện để sản xuất kinh doanh và đóng thuế, thực hiện trách nhiệm xã hội.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận