menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Sơn Đức

Vốn ngoại, cánh én giữa mùa đông thanh khoản

Việc khối ngoại mua ròng liên tiếp trong 8 phiên giao dịch vừa qua như cánh én giữa mùa đông thanh khoản của thị trường chứng khoán Việt Nam, giúp điểm số thị trường không giảm sâu dưới tác động bất ổn của thị trường tài chính thế giới.

Mua ròng sẽ còn tiếp diễn

Tính đến cuối tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài đã có 8 phiên mua ròng liên tiếp, sau chuỗi bán ròng kể từ đầu tháng 2/2023. Những ngày đầu tháng 3, khi thanh khoản của thị trường giảm mạnh, chỉ còn khoảng hơn 5.000 tỷ đồng giá trị giao dịch trên sàn HOSE một phiên, khối ngoại vẫn bán ròng. Qua tuần đầu tiên của tháng, họ đã trở lại mua ròng. Những tên tuổi giao dịch tích cực được nhắc đến là Dragon Capital, Tian Hong, Van Eck…

Thời điểm khối ngoại chuyển sang mua ròng trùng với thời điểm chỉ số USD Index giảm vào ngày 8/3. Đến ngày 15/3, chỉ số này tăng lại so với ngày trước đó, nhưng cũng đã xuất hiện mô hình nến Three Inside Down (bộ mô hình ba nến cảnh báo đảo chiều từ tăng sang giảm, có độ tin cậy khá cao trong phân tích kỹ thuật) và USD Index bắt đầu giảm.

Cũng trong thời gian này, thông tin về Quỹ Fubon tại Đài Loan (Trung Quốc) huy động khoảng 160 triệu USD để giải ngân vào thị trường chứng khoán Việt Nam đã hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư, giúp thị trường không bị giảm sâu theo thị trường Mỹ do ảnh hưởng bởi các vụ phá sản ngân hàng quy mô vừa và nhỏ liên tiếp xảy ra, đe dọa các định chế tài chính lớn.

Ngày 15/3, Fubon đã giải ngân khoảng 8 triệu USD, mở đầu đợt giải ngân, dự kiến trong khoảng 20 ngày vào thị trường Việt Nam, thời gian đặt ra dựa trên yếu tố thanh khoản của thị trường.

Ước tính, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ đón nhận dòng vốn nước ngoài từ các quỹ ETF là Fubon và VanEck Việt Nam với tổng giá trị khoảng 6.100 tỷ đồng.

Trong 2 tháng qua, kể từ sau đợt huy động vốn lần thứ 4, số lượng chứng chỉ quỹ ETF của Fubon luôn duy trì ở mức tối đa và nhà đầu tư cá nhân mua vào đẩy giá lên cao, có thời điểm cao hơn 6% so với NAV/chứng chỉ quỹ, giúp Fubon lên kế hoạch huy động vốn thuận lợi.

Nhà đầu tư cá nhân tại Đài Loan, nơi có thị trường chứng khoán phát triển mạnh mẽ, có xu hướng quan tâm đặc biệt đến thị trường chứng khoán Việt Nam từ 2 năm qua và sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới do họ hiểu rõ đặc tính của thị trường chứng khoán Việt Nam và tin rằng câu chuyện tăng trưởng của Việt Nam giống như các thị trường Thái Lan, Đài Loan 5, 10 năm trước. Vì vậy, khi thị trường giảm, họ cho là cơ hội để giải ngân và tích lũy.

Cho đến thời điểm này, bên lạc quan cho rằng, tuy giá trị mua ròng của nhà đầu tư ngoại trong mỗi phiên chỉ tương đương 2 - 3% giá trị giao dịch toàn thị trường nhưng với danh mục mua có khả năng cải thiện chỉ số, cũng như lan tỏa tâm lý lạc quan trên thị trường, động thái mua ròng của khối ngoại góp phần quan trọng vào việc giữ chỉ số VN-Index không bị giảm sâu khi thị trường tài chính Mỹ và thế giới liên tiếp đón nhận tin xấu.

Dự kiến, chuỗi mua vào kéo dài gần 3 tuần của Fubon sẽ tiếp tục tạo xu thế tích cực cho thị trường chứng khoán trong nước, khi tích lũy với diễn biến đi ngang trong biên độ hẹp. Không chỉ Fubon mà tổ chức đầu tư trong nước, bao gồm cả tự doanh của công ty chứng khoán cũng mua ròng trong tuần trước.

Uớc tính, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ đón nhận dòng vốn nước ngoài từ các quỹ ETF là Fubon và VanEck Việt Nam với tổng giá trị khoảng 6.100 tỷ đồng.

Bên kém lạc quan thì lại cho rằng “Fubon rất nhỏ bé, làm sao có thể cân cả thị trường Mỹ đang bất ổn khó lường” và phiên giao dịch thứ Năm tuần qua (16/3) đã thể hiện một phần nhận định này. Khối ngoại mua ròng chỉ 70 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Người sáng lập FinPeace cho rằng, thông tin các quỹ ETF giải ngân vào thị trường có thể đẩy thị trường bật tăng vài phiên nhưng để đi xa hơn, vẫn cần sự đồng thuận của khối nội và khối ngoại, đồng thuận dòng tiền. Mà sự đồng thuận đó đòi hỏi những thay đổi tích cực về vĩ mô, nhất là yếu tố lãi suất, dòng tiền. Còn hiện nay, ngoại mua thì nội lại bán và không có hiệu ứng tăng giá lên chỉ số chung. Nhà đầu tư trong nước vẫn yêu thích lướt sóng ngắn hạn hơn. Vì vậy, dòng vốn của khối ngoại mới đóng vai trò củng cố nền tảng thị trường, là điều kiện cần chứ không đủ để thị trường tăng.

Cụ thể, ông Tuấn Anh phân tích, Fubon đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam theo chỉ số tham chiếu là FTSE Vietnam 30 Index, gồm 30 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất sàn HOSE còn room ngoại. Quỹ này rất hay “bắt đáy”, nghĩa là giải ngân trong những đợt giảm sâu của VN-Index. Quãng thời gian từ năm 2021 - 2022, có thể thấy Fubon vẫn chưa thành công. Tuy nhiên, Quỹ luôn có góc nhìn dài hạn nên không thể nói thắng, thua ở thời điểm này. Việc quỹ ETF này huy động vốn thành công và bất ngờ giải ngân lại cho thấy góc nhìn của nhà đầu tư ngoại vào thị trường Việt Nam tích cực hơn nhiều nhà đầu tư trong nước.

“Nhưng điều quan trọng là Fubon rất thích giải ngân ở vùng đáy, vì thế, chúng ta có thể kỳ vọng VN-Index đang ở đáy hoặc rất gần đáy rồi”, ông Tuấn Anh nhận định.

Các tín hiệu tạo đáy nhìn từ vĩ mô

Trong chuỗi 8 phiên nhà đầu tư ngoại mua ròng vừa qua, cũng là thời điểm ghi nhận tín hiệu vĩ mô tác động tích cực đến thị trường chứng khoán. Chính phủ đã ban hành chính sách tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu và bất động sản, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất điều hành. Trong các loại lãi suất điều hành giảm đợt này, đáng chú ý là lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,5%/năm xuống 3,5%/năm.

Trong bối cảnh các ngân hàng đang dư nguồn cho vay vì lãi suất cao nên phân bổ nhiều vào trái phiếu chính phủ và các giấy tờ có giá, thì lãi suất tái chiết khấu giảm giúp ngân hàng linh động trong việc luân chuyển vốn từ nắm giữ giấy tờ có giá sang giải ngân cho vay khách hàng khi có nhu cầu. Đồng thời, lãi suất tái chiết khấu giảm cũng giúp mặt bằng lãi suất trên thị trường giảm.

Khảo sát trên thị trường ngày 15/3, sau khi có quyết định hạ lãi suất điều hành, một số ngân hàng thương mại cổ phần đã điều chỉnh biểu lãi suất tiền gửi tiền tiết kiệm xuống dưới 10%/năm cho kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Kỳ hạn 12 tháng chỉ áp dụng lãi suất nhỉnh hơn 10%/năm với giá trị tiền gửi lớn. Còn kỳ hạn trên 13 tháng giảm mạnh về quanh mốc 8%/năm, thay vì trên 11%/năm. Điều này phản ánh xu thế lãi suất tiền gửi sẽ giảm.

Giám đốc một quỹ đầu tư nước ngoài nhận định: “VN-Index đã tạo đáy ở 1.000 điểm, nền kinh tế Việt Nam phát triển tốt và thị trường chứng khoán tương đối rẻ, xét trên các chỉ số định giá theo PE, P/B hay EV/EBITDA. Năm nay, doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết tăng trưởng yếu nhưng giá cổ phiếu sẽ tăng vì định giá đang ở mức thấp”. Tuy nhiên, ông cũng khuyến nghị nhà đầu tư cần lưu ý các ngân hàng có nắm giữ danh mục trái phiếu doanh nghiệp lớn, vì sẽ có những câu chuyện cần quan tâm giống như đã xảy ra bên Mỹ.

Ngay cả khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vẫn tăng lãi suất thêm 0,5%/năm thì diễn biến này dường như đã phản ánh vào mặt bằng lãi suất và thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua. Lãi suất tại Việt Nam tuy đã giảm nhẹ nhưng vẫn còn ở mức cao so với khả năng chấp nhận của doanh nghiệp cho hoạt động kinh doanh, đầu tư cơ bản. Vì vậy, mặt bằng lãi suất vẫn cần tiếp tục giảm nữa để tiệm cận hơn trạng thái bình thường.

Trong thời gian này, giới đầu tư cho rằng, đầu tư công phải được đẩy mạnh thực chất để tạo động lực tăng trưởng khi mặt bằng lãi suất còn cao và thị trường trong và ngoài nước đều suy giảm do chính sách thắt chặt tiền tệ.

“Đây là thời điểm nhạy cảm của thị trường, nhưng bất ổn là lúc để mua những cổ phiếu tốt với giá rẻ”, giám đốc một quỹ đầu tư ngoại nói với Đầu tư Chứng khoán.

Bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT

So với năm ngoái thì quy mô dòng vốn ETF đợt này nhỏ hơn, song cũng vẫn là những điểm sáng của thị trường, trong bối cảnh thanh khoản thấp và còn nhiều rủi ro bên ngoài khó dự báo.

ETF đang là một sản phẩm đầu tư thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài. Nguyên nhân vẫn là dòng tiền khối ngoại thời gian tới vẫn chủ yếu đến từ các thị trường trong khu vực như Đài Loan, Thái Lan…, nơi các nhà đầu tư cá nhân chiếm chủ đạo về giao dịch. Trong khi ETF là một sản phẩm đơn giản và là cách nhanh nhất để nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thị trường chứng khoán Việt Nam. Bên cạnh đó, trong bối cảnh nhiều cổ phiếu đầu ngành đã đạt tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa thì sở hữu ETF cũng sẽ là một lựa chọn hợp lý.

Tôi khá lạc quan về việc dòng vốn nước ngoài sẽ đều đặn quay lại thị trường chứng khoán Việt Nam trong 2 năm tới. Thứ nhất là do nhiều tín hiệu Cục Dự trữ liên bang Mỹ sẽ ngừng tăng lãi suất từ giữa năm 2023 và có thể bắt đầu nới lỏng tiền tệ vào đầu năm 2024. Điều này sẽ kích thích khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm câu chuyện tăng trưởng cao từ những thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam. Thứ hai là sự thất thế của các cổ phiếu công nghệ gần đây đã dẫn đến sự chuyển hướng đầu tư sang các hoạt động kinh doanh truyền thống. Đây cũng là bản chất của thị trường chứng khoán Việt Nam, nơi ngân hàng, bất động sản, điện lực, tiêu dùng chiếm ưu thế về vốn hóa.

Công ty cổ phần Chứng khoán SSI

Thực tế, chưa thể nói Fubon FTSE Vietnam ETF huy động được vốn ở thời điểm này. Cập nhật gần đây cho thấy Sở Giao dịch chứng khoán Đài Loan đã chấp thuận việc tăng hạn mức đầu tư cho quỹ này. Giá trị dòng vốn tăng thêm tối đa tính theo NAV của chứng chỉ quỹ chỉ vào khoảng 2.800 tỷ đồng (120 triệu USD). Mức độ giải ngân đến đâu sẽ còn tùy thuộc vào nhu cầu của chứng chỉ quỹ trên thị trường sơ cấp.

Ở các đợt trước, Fubon thu hút mạnh được dòng vốn do nhà đầu tư Đài Loan tin tưởng vào câu chuyện tăng trưởng dài hạn của kinh tế Việt Nam, cùng với đó là khả năng hưởng lợi trước xu hướng các nhà sản xuất lớn chọn Việt Nam nhằm phân tán rủi ro ra khỏi Trung Quốc.

Ngoài dòng vốn ETF, diễn biến của thị trường còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Thêm nữa, dòng vốn ngoại tổng thể vào thị trường chứng khoán vẫn đang khả quan, đến từ cả quỹ ETF lẫn quỹ chủ động. Dòng tiền từ nhóm quỹ chủ động mới là yếu tố hỗ trợ chính cho giao dịch mua ròng của khối ngoại trong giai đoạn vừa qua.

Ông Nguyễn Duy Anh, Trưởng phòng Quản lý danh mục đầu tư, Công ty Quản lý quỹ Vietcombank

Với việc thanh khoản của thị trường sụt giảm mạnh, tâm lý nhà đầu tư nội yếu, dòng vốn ngoại hiện tại đóng vai trò tương đối quan trọng nhằm giúp thị trường tìm lại điểm cân bằng.

So với các thị trường lân cận trong năm 2022, thị trường chứng khoán Việt Nam giảm mạnh nhất và hiện tại cũng có mức định giá hấp dẫn nhất, nên việc vốn ngoại tìm đến chỉ là vấn đề thời gian. Định giá hiện tại (P/E 13 lần) là rẻ so với các nước khác trong khu vực.

Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện tại đang ở mức tương tự như thị trường chứng khoán Đài Loan những năm 1990 khi số lượng tài khoản chứng khoán chỉ ở mức dưới 5% dân số, trong khi đó tỷ lệ dân số có tài khoản chứng khoán ở Đài Loan đã tăng liên tục lên đến gần 90% thời điểm hiện tại. Vì vậy, có thể thấy tiềm năng tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam còn rất lớn trong tương lai. Fubon cũng nhận thấy điều này, nên họ liên tục huy động thêm tiền để giải ngân vào thị trường mỗi khi thị trường giảm mạnh. Rất khó để dự báo thị trường sẽ tăng hay giảm sau khi Quỹ Fubon giải ngân xong, vì dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân vẫn là dòng tiền chủ chốt đối với thị trường. Tâm lý nhà đầu tư cũng như lãi suất là các yếu tố quan trọng để có thể nhận biết diễn biến thị trường sắp tới.

Đây là giai đoạn tương đối khó khăn về mặt thanh khoản cho cả thị trường Việt Nam lẫn thị trường thế giới. Việc Tập đoàn Masan gần đây vẫn có thể huy động được tiền từ các khoản vay hợp vốn của các tổ chức tài chính quốc tế hay VPBank phát hành 15% vốn cho SMFG thể hiện rằng nhà đầu tư nước ngoài vẫn rất quan tâm và tin tưởng vào tiềm năng của thị trường Việt Nam. Việt Nam hiện tại vẫn là thị trường cận biên với dân số trẻ và thu nhập đang gia tăng, vì vậy, vẫn hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư ngoại, nhất là những doanh nghiệp liên quan đến sản xuất, bán lẻ, tiêu dùng.

Ông Phạm Văn Tuấn, Phó phòng Nghiên cứu và Phân tích, Công ty Chứng khoán Phú Hưng

Chúng tôi cho rằng, không chỉ Fubon mà các nhà đầu tư tổ chức, cá nhân đều đặc biệt quan tâm tới thị trường Việt Nam trong dài hạn. Trong ngắn hạn, việc thị trường giảm điểm đã đưa định giá về mức hấp dẫn với P/E ở mức trên dưới 10 lần, so với trung bình 10 năm ở mức khoảng 14,5 lần là động lực thúc đẩy nguồn vốn ngoại tìm đến thị trường Việt Nam. Trong dài hạn, tiềm năng của thị trường chứng khoán Việt Nam còn tương đối hấp dẫn nhờ nền tảng vĩ mô ổn định, với tăng trưởng kinh tế và thu nhập bình quân đầu người liên tục được cải thiện và được thúc đẩy bởi việc cải cách chính sách, thu hút dòng vốn FDI và lực lượng lao động trẻ.

Nền kinh tế Việt Nam hiện đang có những điểm tương đồng như Đài Loan ở năm 1985 với GDP bình quân đầu người vào khoảng 3.000 USD/năm và tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân mỗi năm từ 6 - 6,5%. Trong giai đoạn từ 1985 tới nay, chỉ số TAIEX đã tăng vọt 17 lần, từ vùng 800 điểm lên đến 14.000 điểm trong năm 2022. Do đó, nhà đầu tư Đài Loan hiện đang rất quan tâm tới tiềm năng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong dài hạn.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Mã liên quan
Giá
Biểu đồ

1,193.01

-22.67 (-1.86%)

Biểu đồ mã VN-INDEX
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại