Vốn hóa chứng khoán Việt Nam lần đầu đi lùi sau 11 năm
Vốn hóa chứng khoán niêm yết trên sàn TP HCM tính đến cuối năm 2022 xấp xỉ 4,02 triệu tỷ đồng, giảm 1,82 triệu tỷ (tương đương 77 tỷ USD) so với đầu năm.
Vốn hóa thị trường chứng khoán năm qua có thời điểm chạm mốc 6 triệu tỷ đồng, trùng thời điểm VN-Index tăng mạnh đầu tháng 4. Tuy nhiên, những đợt điều chỉnh mạnh sau đó, đặc biệt ở các mã vốn hoá lớn, khiến vốn hoá chưa phiên nào trở lại mốc 5 triệu tỷ đồng kể từ tháng 9. Khi VN-Index xuống mức thấp nhất trong năm qua (vào giữa tháng 11), vốn hoá cũng giảm sâu về 3,63 triệu tỷ đồng.
Vốn hóa của 10 mã lớn nhất đang chiếm 45,61% giá trị vốn hóa toàn thị trường, tương đương 1,83 triệu tỷ đồng. Bảng xếp hạng có sự xáo trộn mạnh khi chỉ Vietcombank (VCB) giữ nguyên vị trí đứng đầu với 378.601 tỷ đồng, tương 16 tỷ USD.
Bốn doanh nghiệp có sự tăng hạng trong danh sách này là Vinhomes (VHM), BIDV (BID), PV Gas (GAS) và Vinamilk (VNM). Trong đó, Vinhomes chiếm vị trí thứ hai từ công ty mẹ Vingroup (VIC) do giá trị vốn hóa của công ty này giảm hơn 43% so với đầu năm, tức khoảng 156.000 tỷ đồng.
Hòa Phát (HPG) hồi đầu năm đứng thứ tư trên bảng xếp hạng nhưng chuỗi điều chỉnh kéo dài và có giai đoạn xuống gần mệnh giá khiến cổ phiếu này phải rời nhóm đứng đầu, hiện xếp thứ 11 với vốn hóa 104.666 tỷ đồng. Tương tự, Novaland (NVL) và Techcombank (TCB) cũng ra khỏi bảng xếp hạng này khi vốn hóa lần lượt giảm khoảng 148.000 tỷ đồng và 83.000 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, bảng xếp hạng mới có sự xuất hiện của Vietinbank (CTG), VPBank (VPB) và Sabeco (SAB) dù vốn hóa của những doanh nghiệp này chỉ tăng nhẹ, thậm chí giảm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận