Vốn FDI vào Việt Nam giảm mạnh 38%
Việc thu hút vốn FDI trong 2 tháng đầu năm 2023 giảm mạnh 38% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài từ đầu năm đến nay đạt gần 3,1 tỷ USD, giảm 38% so với cùng kỳ năm trước, theo Bộ Kế hoạch và đầu tư tính đến ngày 20/2/2023.
Sự sụt giảm này đến từ phần vốn điều chỉnh. Trong khi đó, vốn đầu tư mới và góp vốn mua cổ phần vẫn tăng so với cùng kỳ.
Cụ thể, có 133 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, giảm 6,3% so với cùng kỳ. Tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 535,4 triệu USD, giảm 85%.
Đăng ký cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có 261 dự án mới, tăng 42,6% so với cùng kỳ. Tổng vốn đăng ký mới đạt hơn 1,76 tỷ USD, tăng gần 2,8 lần.
Góp vốn mua cổ phần có 440 lượt, tăng 10% so với cùng kỳ. Tổng giá trị vốn góp đạt gần 797,9 triệu USD, tăng 3,7%.
Trong 2 tháng đầu năm, theo lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư ngoại đã đầu tư vào 17/21 ngành lĩnh vực, trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu. Kinh doanh bất động sản đứng thứ hai. Tiếp theo lần lượt là bán buôn, bán lẻ.
Xét về số lượng dự án mới, công nghiệp chế biến chế tạo cũng là ngành dẫn đầu về số dự án mới (chiếm gần 30%) và điều chỉnh vốn (chiếm 63,9%).
Theo đối tác đầu tư, 51 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư tại Việt Nam, với Singapore dẫn đầu. Theo sau là Đài Loan và Hà Lan.
Theo số lượng dự án, Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới (chiếm gần 17,2%); Hàn Quốc dẫn đầu về số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 21,1%) và góp vốn mua cổ phần (chiếm 30,5%).
Theo địa bàn đầu tư, các nhà đầu tư ngoại đã rót vốn vào 39 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó Bắc Giang vươn lên vị trí dẫn đầu (tăng hơn 8,4 lần so với cùng kỳ năm trước). Tiếp theo là TP.HCM, Bình Dương.
Nếu xét về số dự án, TP.HCM dẫn đầu cả nước cả về số dự án mới (39,5%), số lượt dự án điều chỉnh (21,8%) và góp vốn mua cổ phần (69,3%).
Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt 2,55 tỷ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tính lũy kế đến nay, cả nước có 36.278 dự án FDIcòn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên gần 438,7 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt gần 274 tỷ USD, bằng 62,5% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Xuất khẩu (kể cả dầu thô) ước đạt hơn 38,4 tỷ USD, giảm 5,3% so với cùng kỳ, chiếm 77% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô ước đạt gàn 38,1 tỷ USD, giảm 5,5% so với cùng kỳ, chiếm 76% kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Kim ngạch nhập khẩu của khu vực này ước đạt hơn 33 tỷ USD, giảm 10,9% so cùng kỳ và chiếm 67% kim ngạch nhập khẩu cả nước.
Do đó, khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu gần 5,4 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu hơn 5 tỷ USD không kể dầu thô. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu hơn 4,3 tỷ USD.
Trước đó, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã dự báo, thu hút FDI năm 2023 có thể đạt 36-38 tỷ USD, còn vốn giải ngân đạt khoảng 22-23 tỷ USD. Theo đó, các yếu tố quan trọng để vốn FDI tiếp tục khởi sắc trong năm 2023 gồm kết quả tăng trưởng kinh tế trong năm 2022; nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo lập niềm tin với nhà đầu tư; khai thác có hiệu quả lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do.
Ngoài ra, một yếu tố quan trọng là chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài đã được Bộ Kế hoạch và đầu tư trình Chính phủ.
Theo kế hoạch, giai đoạn 2021-2030 thu hút FDI sẽ hướng đến dự án công nghệ cao, quản trị hiện đại, giá trị gia tăng cao và có tác động lan tỏa tích cực, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Ngay từ đầu năm 2023, nhiều địa phương đã nêu rõ mục tiêu thu hút vốn FDI với những con số khá ấn tượng và triển khai giải pháp để thúc đẩy thu hút vốn FDI.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận