24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Trịnh Vũ Tường
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Vốn FDI vào TP.HCM giảm 20,4% sau 10 tháng

Sau 10 tháng năm 2021, TP.HCM chỉ có 469 dự án FDI được cấp mới, với vốn đăng ký là 415,9 triệu USD, giảm 39,6% về số giấy phép và giảm 6,8% về vốn so với cùng kỳ năm 2020. Tổng vốn FDI vào thành phố là 2,73 tỷ USD, giảm 20,4%.

Chỉ có 469 dự án FDI được cấp mới

Số liệu từ Cục Thống kê TP.HCM cho thấy, tính từ đầu năm đến ngày 20/10/2021, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào thành phố là 2,73 tỷ USD bao gồm vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, giảm 20,4% so với cùng kỳ năm trước.

Trước ảnh hưởng của dịch bệnh, sau 10 tháng, TP.HCM chỉ có 469 dự án FDI được cấp mới, với vốn đăng ký là 415,9 triệu USD, giảm 39,6% về số giấy phép và giảm 6,8% về vốn so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, vốn đăng ký tập trung tại một số ngành như kinh doanh bất động sản có 17 dự án với đăng ký cấp mới là 214,1 triệu USD (chiếm 51,5% tổng vốn cấp mới), kế đến là thương nghiệp có 189 dự án, vốn đăng ký là 65 triệu USD (chiếm 15,6%) và vận tải kho bãi 20 dự án với vốn đăng ký là 55,1 triệu USD.

Cục Thống kế TP.HCM cho biết, ba quốc gia có tỷ trọng vốn cao là Singapore 75 dự án, vốn 217,3 triệu USD (chiếm 52,2%); Hà Lan 15 dự án, vốn đăng ký 87,3 triệu USD (chiếm 21%) và Nhật Bản 39 dự án, vốn đăng ký 40,4 triệu USD (chiếm 9,7%).

Trong khi đó, điều chỉnh vốn đầu tư lại có tính hiệu lạc quan, khi có 137 lượt dự án với số vốn tăng thêm là 867,3 triệu USD, giảm 27,5% về số giấy phép, vốn đăng ký tăng 2,2 lần so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, vốn tăng từ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 47,4%; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghiệp chiếm 23,8% và thương nghiệp chiếm 15,6%.

Đặc biệt, hai quốc gia có vốn tăng chiếm tỷ trọng cao nhất là Nhật Bản (chiếm 32,3%) và Singapore (chiếm 28,8%). Dù vậy, góp vốn, mua cổ phần của các doanh nghiệp FDI giảm 44,2% so với năm 2020 về vốn, chỉ có 1.820 trường hợp với tổng vốn đạt 1,45 tỷ USD.

Ngoài ra, dự án chấm dứt hoặc tạm ngưng hoạt động từ đầu năm đến ngày 20/10/2021 là 106 dự án, với tổng vốn đầu tư là 128,8 triệu USD. Dự án còn hiệu lực hoạt động trên địa bàn thành phố đến ngày 20/10/2021 là 10.327 dự án, với vốn đăng ký là 48,97 tỷ USD (bao gồm vốn cấp mới và điều chỉnh vốn).

Thu ngân sách địa phương tăng 29,7%

Theo Cục Thống kê TP.HCM, đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố, dù vậy, tổng thu cân đối ngân sách 10 tháng năm 2021, ước thực hiện 311.895 tỷ đồng, đạt 85,5% dự toán và tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2020 (không kể nguồn thu từ quỹ dự trữ tài chính thì tổng thu ngân sách ước tăng 4,6% so với cùng kỳ).

Trong đó, thu nội địa ước thực hiện 205.079 tỷ đồng, đạt 82,6% dự toán, chiếm 65,8% tổng thu cân đối và tăng 3,6% so với cùng kỳ (không kể thu từ quỹ dự trữ tài chính thì thu nội địa giảm 0,3%). Cụ thể, thu từ doanh nghiệp nhà nước ước thực hiện 21.994 tỷ đồng, đạt 81,4% dự toán, chiếm 7,1% tổng thu và tăng 4% so với cùng kỳ; thu từ khu vực ngoài nhà nước ước thực hiện 54.981 tỷ đồng, đạt 81,2% dự toán, chiếm 17,6% tổng thu và tăng 2,7%; thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước thực hiện 52.705 tỷ đồng, đạt 81,2% dự toán, chiếm 16,9% tổng thu và tăng 3%.

Cũng sau 10 tháng năm 2021, TP.HCM thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước thực hiện 95.100 tỷ đồng, đạt 88,1% dự toán, chiếm 30,5% tổng thu cân đối và tăng 13,8% so với cùng kỳ. Thu dầu thô ước thực hiện 11.696 tỷ đồng, vượt 36,8% so dự toán, chiếm 3,8% tổng thu cân đối và tăng 26,3%.

Đặc biệt, thu cân đối ngân sách địa phương lũy kế 10 tháng đầu năm 2021, ước thực hiện 78.741 tỷ đồng, đạt 95,9% dự toán, chiếm 25,2% tổng thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa bàn và tăng 29,7% so với cùng kỳ năm 2020 (không kể thu từ quỹ dự trữ tài chính thì thu cân đối ngân sách địa phương tăng 17,1% so với cùng kỳ).

Trong khi đó, về tổng chỉ ngân sách địa phương, Cục Thống kê TP.HCM cho biết, lũy kế 10 tháng năm 2021 ước thực hiện 58.312 tỷ đồng, đạt 60,1% dự toán và tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng chi cân đối ngân sách địa phương ước thực hiện 56.409 tỷ đồng, đạt 60,8% dự toán, chiếm 96,7% tổng chi ngân sách địa phương và tăng 10,8%.

Trong đó, chi cho đầu tư phát triển ước thực hiện 13.420 tỷ đồng, đạt 35,1% dự toán, chiếm 23% tổng chi ngân sách địa phương và giảm 35,7% so với cùng kỳ.

Đối với khoản chi thường xuyên, trong 10 tháng TP.HCM ước thực hiện 42.181 tỷ đồng, đạt 88% dự toán, chiếm 72,3% tổng chi ngân sách địa phương và tăng 45,2% so với cùng kỳ. Cụ thể, chi cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo và dạy nghề ước thực hiện là 10.093 tỷ đồng, chiếm 58,8% dự toán và tăng 6,5%; chi cho sự nghiệp y tế ước thực hiện 3.712 tỷ đồng, vượt 20% dự toán và tăng 96,3% so với cùng kỳ; chi khoa học và công nghệ ước thực hiện 717 tỷ đồng, chiếm 69,8% dự toán và giảm 22% so với cùng kỳ.

Số liệu từ Cục Thống kê TP.HCM cũng cho thấy, từ đầu năm đến ngày 15/10/2021, thành phố đã cấp phép 23.847 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 392.624 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước, số giấy phép giảm 28,1% và vốn giảm 47%.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả