24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Vũ Như Hoa
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Vốn cho thực hiện Quy hoạch Điện VIII: Khó khả thi?

Trong dự thảo Quy hoạch Điện VIII, giai đoạn 2031 - 2045, trung bình mỗi năm cần đầu tư khoảng 12,8 tỉ USD. Tuy nhiên, với gần 1.000 trang bản dự thảo chỉ có 10 trang về huy động nguồn vốn đầu tư để thực hiện được Quy hoạch...

Nhiều câu hỏi đặt ra còn đang bỏ ngỏ, cần có câu trả lời rõ ràng từ cơ quan soạn thảo, như: Nguồn vốn huy động từ đâu? Thành phần kinh tế nào? Trong nước, ngoài nước? Các chính sách quan trọng như tài khóa xanh, tín dụng xanh được sử dụng ra sao thúc đẩy phát triển nguồn năng lượng tái tạo được sử dụng thế nào?

Chưa có phương án huy động vốn cụ thể

Theo dự thảo Quy hoạch Điện VIII, tổng vốn đầu tư phát triển điện lực giai đoạn 2021-2030 khoảng 128,3 tỉ USD. Trong đó, cho nguồn điện là 95,4 tỉ USD, cho lưới điện khoảng 32,9 tỉ USD. Cơ cấu trung bình vốn đầu tư nguồn và lưới là 74% và 26% đối với hai hạng mục này.

Tổng vốn đầu tư phát triển điện lực giai đoạn 2031-2045 khoảng 192,3 tỉ USD; trong đó, nguồn điện 140,2 tỉ USD, lưới điện khoảng 52,1 tỉ USD. Cơ cấu trung bình vốn đầu tư nguồn và lưới là 73% và 27%.

Giai đoạn 2031 - 2045, trung bình mỗi năm cần đầu tư khoảng 12,8 tỉ USD (9,3 tỉ USD cho nguồn và 3,4 tỉ USD cho lưới).

Trong bản góp ý về dự thảo Quy hoạch Điện VIII, Liên minh năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) cho biết, để thu xếp được khoảng 13 tỉ USD/năm, theo tính toán, khả năng thu xếp của tập đoàn nhà nước vào khoảng 3 tỉ USD/năm; 77% còn lại phải huy động từ đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp và hộ dân trong nước.

Dự thảo Quy hoạch Điện VIII cho thấy - xu hướng giảm dần tốc độ phát triển điện than và tăng dần tốc độ phát triển năng lượng tái tạo theo các giai đoạn. Tuy nhiên trong vòng 10 năm tới (2021-2030) nhiệt điện than vẫn được ưu tiên tăng mạnh - bổ sung khoảng 17 GW điện than mới vào hệ thống như hình này.

Theo VSEA, trong bối cảnh Chính phủ, chủ đầu tư, tổ chức tài chính và phi tài chính đang thoái vốn khỏi điện than, doanh nghiệp tư nhân trong nước không đủ tiềm lực đầu tư cho các dự án lớn, tính khả thi huy động vốn cho phát triển điện than là rất thấp, hoặc rủi ro cao khi phụ thuộc vào một nguồn cấp vốn duy nhất là Trung Quốc. Điều này chưa phù hợp với tinh thần của Nghị quyết số 50-NQ/TW năm 2019 của Bộ Chính trị.

Trong khi đó, theo VSEA, điện mặt trời là loại hình phân tán, có thể phát triển ở quy mô nhỏ dễ dàng hơn trong huy động nguồn lực xã hội. Ngoài ra chuyển dịch đầu tư vào năng lượng tái tạo là xu hướng chung trên toàn cầu, cho nên Việt Nam cần nắm bắt cơ hội này.

Trong khi đó, trao đổi với Báo Lao Động, GS.TSKH Trần Đình Long - Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cho biết, để có nguồn vốn phát triển các dự án điện lực, điều quan trọng nhất là cần có một chính sách giá hợp lý. Khi nhà đầu tư thấy mức giá bảo đảm thu lại được chi phí bỏ ra và có lợi nhuận, thì họ sẽ đầu tư. Thậm chí, nhà đầu tư sẵn sàng bỏ vốn đầu tư cơ sở hạ tầng truyền tải để đảm bảo nguồn lợi nhuận này.

Vị chuyên gia lấy ví dụ về việc đầu tư phát triển điện mặt trời, điện mặt trời mái nhà trong thời gian vừa qua. Trước khi có chính sách ưu đãi về giá, cơ quan quản lý Nhà nước hô hào mãi nhưng rất ít nhà đầu tư tham gia, nhưng khi có chính sách ưu đãi thì các doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực này rất nhiều.

Theo chuyên gia, để thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực điện lực, cơ quan quản lý Nhà nước cần cho nhà đầu tư biết rõ cơ chế ưu đãi thế nào, vận hành như thế nào để tính toán phương án đầu tư, kinh doanh; đồng thời thúc đẩy hoàn thiện cơ chế đấu thầu, xác định giá cạnh tranh, bảo đảm minh bạch, khách quan...

Vốn cho thực hiện Quy hoạch Điện VIII khó khả thi?

Phân tích về những khó khăn của Việt Nam về huy động vốn cho phát triển điện lực, ThS. Phạm Xuân Hòe - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng cho biết, việc huy động vốn cho phát triển kinh tế của các nước đang phát triển như Việt Nam luôn là bài toán rất nan giải. Trong khi huy động nguồn vốn cho phát triển điện nguồn năng lượng quốc gia quan trọng cho phát triển kinh tế quốc gia còn khó khăn hơn, vì chủ yếu nguồn vốn cho ngành này hầu như là nguồn vốn dài hạn có thời gian tối thiểu từ 7 năm đến 30 năm.

Theo ông Hoè, thời điểm này, làn sóng thoái vốn khỏi điện than của thế giới diễn ra ngày một mạnh mẽ hơn, trong khi Quy hoạch Điện VIII vẫn để cả 2 giải đoạn 2021-2030 và 2030-2045 tiếp tục phát triển nhiệt điện than.

"Theo thống kê, hiện nay có 37 tổ chức (ngân hàng, bảo hiểm, quỹ quản lý tài sản); 1237 tổ chức phi Chính phủ, gồm quỹ từ thiện, hưu trí, tín ngưỡng, tương đương 14,14 nghìn tỉ USD; 58.000 cá nhân, tương đương 5,2 tỉ USD thoái vốn khỏi nhiệt điện than. Thậm chí làn sóng này lan sang cả những người gửi tiền tại các ngân hàng thương mại, họ từ chối giửi khoản tiền của mình vào các ngân hàng thương mại cho vay đối với nhiệt điện than", ông Hoè phân tích.

"Hiện tại, có lẽ gần như chỉ còn Trung Quốc mong muốn tài trợ cho nhiệt điện than để họ chuyển dịch bỏ đi các nhà máy nhiệt điện than của họ. Các điều kiện vay vốn, chỉ định nhà thầu và chính sách mềm về ngoại giao nợ sẽ mang lại nhiều hệ lụy mà Việt Nam đã có nhiều bài học nhãn tiền như dự án Đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Phân đạm Ninh Bình, Gang thép Thái Nguyên. Những khoản nợ trên sẽ đè nặng lên cán cân ngân sách và suy đến cùng sẽ là người dân sẽ cõng thêm những khoản nợ không có hiệu quả này", Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng nêu quan điểm.

Chính vì vậy, Ban soạn thảo Quy hoạch Điện VIII cần rất cụ thể các giải pháp về huy động vốn từ xã hội trong phát triển nguồn điện; giảm tối đa tính toán huy động vốn cho phát triển nhiệt điện than; không tính toán đưa vào quy hoạch phần huy động vốn cho phát triển nhiệt điện than giải đoạn 2030-2045; cần rất cụ thể giải pháp về chính sách tài khóa và chính sách tín dụng xanh để từ đó Chính phủ giao Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước xây dựng ban hành chính sách đến nguồn vốn đầu tư cho phát triển điện, nhất là nguồn điện năng lượng tái tạo.

Cụ thể, cần tính toán cơ cấu huy động nguồn vốn hợp lý khả thi hơn từ việc ai bỏ vốn đầu tư. "Theo chúng tôi với 13 tỉ USD, thì nguồn huy động từ các thành phần kinh tế sau: Hàng năm tổng thể các công ty trong tập đoàn EVN có thể đầu tư tổng thể cho phát triển điện khoảng 3 tỉ USD. Vì hiện tại, tỉ lệ đòn bẩy tài chính của EVN đã quá cao 2,25 lần so vốn chủ sở hữu, việc vay thêm từ các ngân hàng thương mại vượt giới hạn an toàn từ quy định của Luật các tổ chức tín dụng như nêu trên.

Huy động từ các doanh nghiệp FDI khoảng 6-7 tỉ USD/năm là khả thi nếu chính sách về giá FiT, cam kết tính ổn định, minh bạch chính sách của Việt Nam cao thì mức độ có thể cao hơn; Huy động từ tư nhân và hộ gia đình trong nước: 3-4 tỉ USD/năm cũng rất khả thi nếu thị trường điện cạn tranh lộ trình tự do hóa giá điện được tiến hành sớm hơn, có các chính sách tài khóa, tín dụng xanh tốt được cụ thể từ định hướng của Nghị quyết 55 của Bộ chính trị", ông Hoà phân tích.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả