Võ Tuấn Bình, nhà sáng lập Amanotes: Đến từ Việt Nam, 1 tỷ người dùng và số 1 Đông Nam Á
Amanotes là cái tên thứ hai đến từ Việt Nam, sau Flappy Bird, khuấy động thị trường ứng dụng di động toàn cầu. Nhưng, nhà sáng lập Amanotes Võ Tuấn Bình không muốn dừng lại như một hiện tượng.
Số 1 Đông Nam Á
1 tỷ người sử dụng smartphone trên toàn cầu, phần lớn từ châu Âu và Bắc Mỹ đã tải về các ứng dụng âm nhạc mang thương hiệu Amanotes. Trong các bảng xếp hạng top 10 game âm nhạc di động phổ biến trên toàn cầu, hơn một nửa trong số đó đến từ Amanotes. Số liệu theo báo cáo từ App Annie, tính đến hết tháng 5/2020.
Nếu hình dung Amanotes như một thành phố du lịch và mỗi lần người sử dụng tương tác với ứng dụng là một lượt ghé thăm, thì trung bình một tháng có hơn 95 triệu lượt khách ghé thăm thành phố này ít nhất một lần, tăng từ mức 30 triệu lượt/tháng so với cách đây ba năm. Một con số cực kỳ ấn tượng.
Các “du khách” đã đưa Amanotes đến từ Việt Nam tạm thời dẫn đầu thị trường Đông Nam Á về độ phổ biến trong lĩnh vực game âm nhạc trên thiết bị di động.
Game âm nhạc trên di động, hay gọi theo cách khác là trải nghiệm âm nhạc mới, theo ông Võ Tuấn Bình, Nhà sáng lập Amanotes, là các ứng dụng giả lập việc chơi nhạc cụ trên điện thoại di động với độ phức tạp đã được đơn giản hoá rất nhiều lần.
Ví dụ Magic Tiles 3, ứng dụng giả lập việc đánh đàn piano bằng 4 nốt nhạc. Sau khi chọn nhạc, thuộc nhiều chủ đề khác nhau, trò chơi bắt đầu. Từ phía trên của màn hình, các nốt nhạc màu đen sẽ trôi xuống cùng với nhạc nền. Nhiệm vụ của người chơi là chạm vào các nốt nhạc. Trò chơi kết thúc ngay khi một nốt bị lỡ nhịp.
Điểm hấp dẫn nhất của trò chơi là bản nhạc chỉ nghe du dương khi người chạm vào đúng thời điểm, nếu không sẽ tạo ra các nhịp ngắt quãng. Dĩ nhiên, điểm cao thuộc về các bài nhạc được chạm đúng nhịp.
Tiên phong của thể loại này là Cheetah Mobile (Trung Quốc). Nhờ thị trường người sử dụng trong nước đông đảo từ ba năm trước, các sản phẩm của đơn vị này đã tạo được tiếng vang lớn trong lĩnh vực giải trí âm nhạc trên ứng dụng điện thoại. Thế nhưng, điều này không đồng nghĩa đóng mọi con đường với những người đi sau.
“Sức sáng tạo không bao giờ có thứ hạng”, ông Bình chia sẻ.
Nếu như các sản phẩm Cheetah Mobile tập trung vào các tác phẩm của các nhà soạn nhạc nổi tiếng, độ khó sẽ tăng cao, thì Amanotes chọn cách sử dụng các sản phẩm âm nhạc có tính thị trường hơn, để người sử dụng vừa chơi vừa thưởng thức. Các bài hát có mặt trên các bảng xếp hạng âm nhạc toàn cầu đều được cập nhật hàng tuần trên các sản phẩm của Amanotes.
Sự sáng tạo này đã tiếp thêm sức sống mãnh liệt cho các sản phẩm của Amanotes. Trung bình một game âm nhạc trên di động có tuổi thọ từ 6 đến 12 tháng, nhưng các sản phẩm của Amanotes, như Magic Tiles 3 hay Tiles Hop, đã tồn tại trên dưới 3 năm trên thị trường.
Thế mạnh thứ hai của Amanotes chính là khả năng sản xuất, phát hành các ứng dụng game âm nhạc trên thị trường. Trong năm 2019, Amanotes đã phát hành trên 30 game, trong đó hơn một nửa do Công ty tự sản xuất, số còn lại đến từ các đối tác Việt Nam.
Để tăng thêm sự phổ biến cho các sản phẩm của Công ty sản xuất hay phát hành sắp tới, Amanotes vừa hợp tác với các nghệ sĩ K-Pop của YG Entertaiment, gần đây nhất là DJ TheFatRat. Theo đó, các album mới của các nghệ sĩ này sẽ được giới thiệu đến 1 tỷ người sử dụng của Amanotes theo mô hình win-win: nghệ sĩ được trả phí bản quyền, Amanotes có thêm nội dung để thu hút, giữ chân khách hàng.
Khát vọng của người dẫn đầu
Hiện Amanotes đã vượt mặt Cheetah Mobile về số lượng người sử dụng ở các thị trường ngoài Trung Quốc, theo thống kê từ App Annie.
Nhưng ông Bình không khác mấy so với 3 năm trước, khi lần đầu tiên Amanotes được coi là hiện tượng mới trên bảng xếp hạng game âm nhạc toàn cầu. Áo thun đồng phục, mái tóc cắt gọn cùng nụ cười thân thiện, luôn túc trực trên môi, hình ảnh của ông Bình trên màn hình video call vẫn phảng phất sự căng thẳng trên khuôn mặt sau buổi làm việc cùng đội phát triển sản phẩm.
Với ông Bình, âm nhạc và công nghệ luôn là hai đam mê lớn nhất. Amanotes là kết quả sự kết hợp của hai sự đam mê tưởng chừng như đối nghịch, đó là dùng công nghệ để tạo nên những trải nghiệm tương tác với âm nhạc, đem môn nghệ thuật này đến rộng rãi với mọi người.
Slogan của Công ty là “Everyone can Music” (Ai cũng có thể chơi nhạc) chính là thông điệp chứa đựng niềm đam mê của người tạo nên Amanotes.
Hơn 15 năm trước, khi còn là sinh viên Khoa Toán tin, Đại học Bách khoa Hà Nội, Bình đã thực hiện đam mê của mình bằng việc phát triển phần mềm giả lập bàn phím máy tính thành bàn phím piano. Nhưng rồi, chính chàng sinh viên cũng nhận ra rằng, phần mềm này khó phổ biến vì nó chỉ hữu ích cho những người đã học về âm nhạc.
Ra trường, đi làm một thời gian, Bình tiếp tục tham vọng đưa âm nhạc đến cộng đồng bằng dự án game âm nhạc vào năm 2009 trên máy tính, tương tự như trò Audition, nhưng thành công vẫn chưa đến.
“Thiếu kinh nghiệm quản lý, không hiểu thị hiếu khách hàng, sản phẩm phát triển chưa tới. Tồn tại được mới là lạ”, ông Bình cười và nói.
Không nản, vào cuối năm 2014, Amanotes được thành lập cùng người bạn đồng hành Nguyễn Tuấn Cường. Ông Bình phải đi làm thêm để lấy ngắn nuôi dài.
Thời điểm đó, kinh doanh game âm nhạc trên ứng dụng di động không phải là màu hồng, vì chi phí sản xuất game cao do liên quan đến bản quyền âm nhạc, trong khi doanh thu phụ thuộc rất lớn vào quảng cáo trong game. Để có lợi nhuận, các công ty phải phát hành trên quy mô toàn cầu, nhưng vòng đời game thì ngắn, tốc độ sao chép của các đối thủ thì… nhanh như chớp là rào cản khiến nhiều doanh nghiệp không mặn mà tham gia.
Chính vì thế, số lượng game âm nhạc phát hành vào thời điểm đó chiếm chưa đến 2% tổng số lượng game phát hành trên di động mỗi năm. Theo thời gian, số lượng game âm nhạc phát hành tăng dần, chiếm 16% thị phần toàn cầu. Amanotes được thừa hưởng nhiều lợi thế từ sự tăng trưởng này sau thời gian dài kiên trì đeo đuổi và đều đặn đưa sản phẩm ra thị trường.
Nhưng, bấy nhiêu là chưa đủ đối với tham vọng Everyone can Music của người sáng lập Amanotes. Với 1 tỷ người sử dụng, ông Bình cho rằng, Công ty chỉ mới dừng lại ở bước đem lại trải nghiệm âm nhạc theo cách mới cho người sử dụng, nhưng đó sẽ là nền tảng cho tham vọng tiếp theo, là học nhạc trên ứng dụng di động.
Dự kiến cuối năm nay, ứng dụng giáo dục âm nhạc mang thương hiệu Amanotes sẽ chính thức được tung ra thị trường. Khi người sử dụng đánh đàn piano, guitar, ứng dụng sẽ tiếp nhận âm thanh và phản hồi lại xem họ đã đánh đúng nốt nhạc hay chưa, nếu chưa, ứng dụng sẽ hướng dẫn họ chơi đúng nốt và đánh được những bài nhạc một cách bài bản nhất.
Mô tuýp học này, theo ông Bình là giúp mọi người có thể học nhạc với những bài hát mà họ yêu thích theo một cách đơn giản và vui nhất, chứ không nhàm chán như cách học sách vở truyền thống.
Công nghệ nhận dạng âm thanh là mấu chốt của ứng dụng. Tính đến thời điểm ra mắt, Công ty đã đầu tư công nghệ này được một năm và việc phát triển thêm mảng dạy học định vị Amanotes là công ty công nghệ âm nhạc tiên phong trên thế giới.
“Tôi kỳ vọng sẽ đem lại một trải nghiệm mới về học nhạc, sinh động hơn như cách Amanotes đã đem lại trải nghiệm mới về tương tác với âm nhạc thông qua game cho khách hàng của mình”, ông Bình nói.
Người sáng lập Amanotes cho biết, ứng dụng sẽ được phân phối qua cửa hàng Google Play và App Store. Mỹ và Canada sẽ là hai thị trường trọng điểm Công ty hướng tới đến trong năm nay.
So với những ngày đầu, Amanotes có lợi thế hơn nhờ vào tập khách hàng hiện tại, chi phí tiếp thị nhờ đó cũng giảm phần nào. Tuy nhiên, thử thách đặt ra không nhỏ khi đây là mô hình cần được triển khai hình thức thu phí, vì việc quảng cáo trong ứng dụng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến trải nghiệm học nhạc của người sử dụng. Hơn nữa, khách hàng sẽ trả một khoản phí sử dụng hằng tháng để tập các bài hát thịnh hành trên thị trường. Đó là bài toán khó.
“Nhưng dù thế nào, chúng tôi vẫn đeo đuổi mục tiêu giúp mọi người chơi nhạc dễ dàng hơn”, Võ Tuấn Bình kiên định với con đường đã chọn cho Amanotes.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận