Vợ chồng chủ tịch, CEO công ty gạo Trung An đột ngột từ chức
Theo Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (HNX: TAR), việc chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc đồng thời từ nhiệm xuất phát từ việc công ty "cơ cấu lại nhân sự" trong bối cảnh thị trường xuất khẩu gạo đang sốt.
Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (gọi tắt Công ty Trung An) cho biết, ngày 14/8, công ty đã nhận được đơn từ nhiệm của bà Lê Thị Tuyết - Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) và ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc công ty. Điều khiến công ty bất ngờ là cả 2 lãnh đạo nêu trên của công ty vừa được bầu lại vào HĐQT nhiệm kỳ mới (2023-2028) tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2023 vào tháng 6 vừa qua.
Giữa bối cảnh thị trường xuất khẩu gạo đang gặp nhiều thuận lợi, việc từ nhiệm cùng lúc của ông Phạm Thái Bình và bà Lê Thị Tuyết không khỏi gây chú ý. Lý do được phía Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An đưa ra là "cơ cấu lại nhân sự".
Vợ chồng ông Phạm Thái Bình và bà Lê Thị Tuyết. |
Theo tìm hiểu, sau khi xin từ nhiệm vị trí tổng giám đốc, HĐQT Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An đã họp và bầu ông Phạm Thái Bình đảm nhiệm vị trí chủ tịch HĐQT. Cùng với đó, ông Bình được bổ nhiệm giữ chức vụ phó tổng giám đốc.
Trong khi đó, bà Lê Thị Tuyết không còn giữ chức Chủ tịch HĐQT Công ty Trung An, song bà vẫn còn là thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2023-2028.
Nhân sự đảm nhận chức vụ tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật thay ông Phạm Thái Bình là bà Nguyễn Lê Bảo Trang (sinh năm 1978). Từ tháng 5/2018 đến nay, bà Trang giữ chức thành viên HĐQT và hiện không nắm giữ cổ phần nào tại Công ty Trung An.
Được biết, ông Bình và bà Tuyết là vợ chồng. Ông Bình đang nắm giữ 11 triệu cổ phiếu TAR, tương ứng tỷ lệ 14.04% vốn. Bà Tuyết không sở hữu cổ phần nào tại TAR.
Công ty Trung An là một trong những "ông lớn" của ngành gạo Việt Nam, đã xuất khẩu gạo sang nhiều thị trường khó tính, nổi bật có thị trường châu Âu. Từ đầu năm đến nay, dù thị trường xuất khẩu gạo thuận lợi, giá gạo thế giới tăng cao nhưng kết quả kinh doanh của doanh nghiệp lại diễn biến hoàn toàn trái ngược.
Kết thúc quý II, công ty ghi nhận doanh thu thuần hơn 1.615 tỷ đồng, gấp 2,1 lần cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, lợi nhuận sau thuế của công ty bị âm 7,9 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 23,5 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận ròng của công ty giảm gần 84 lần so với nửa đầu năm ngoái khi chỉ đạt hơn 600 triệu đồng.
Theo lý giải của Công ty Trung An, nguyên nhân khiến công ty lỗ do chi phí lãi vay tăng mạnh. Trong nửa đầu năm, chi phí lãi vay của công ty tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 64 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng mạnh từ hơn 9 tỷ đồng lên hơn 15 tỷ đồng. Cùng với đó, công ty phải bù đắp một khoản dự phòng tài chính khi không thể thu hồi một số hàng hóa hư hỏng giao tại cảng cho khách nước ngoài
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận