VNSTEEL, TISCO năm 2019 và dự án đầu tư
Những năm trước, nếu cơ quan đại diện vốn nhà nước bất lực thì lẽ ra phải thoái vốn, bán hết cổ phần cho tư nhân, họ sẽ tự biết phải làm thế nào đối với dự án. SCIC lẽ ra phải bán cổ phần của mình cho tư nhân chứ sao lại có quyền rút vốn khỏi công ty. Nếu khi đó VNSTEEL và SCIC cùng thoái vốn với tỉ lệ 1:1 (như SCIC rút vốn) mà sau đó công ty lại phát triển, thì có khi lại bị đặt dấu hỏi ai cho phép thoái vốn.
Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL) là công ty cổ phần với vốn CSH 6.780 tỷ đồng (nhà nước chiếm 93,93%), doanh thu năm 2019 ~23.600 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ~430 tỷ đồng. So sánh với Thép Hoà Phát 2019 thì vốn chỉ ~1/4, nợ phải trả 1/10, doanh thu ~1/10 và lợi nhuận ~6/100. Giá cổ phiếu VNSTEEL trên sàn Upcom cuối tháng 4 chỉ còn ~6.300 đồng.
Mặc dù là tổng công ty đầu tư vào 16 công ty con (1.248 tỷ đồng), nhưng chỉ có vài công ty sản xuất như Thép Miền Nam, Thép tấm lá Phú Mỹ và Gang thép Thái Nguyên (TISCO). Ngoài ra, VNSTEEL còn đầu tư vào 25 công ty liên doanh, liên kết khác (3.570 tỷ đồng). Với quy mô nhỏ bé về vốn và doanh thu, VNSTEEL giờ không phải là người chơi chính trên thị trường thép Việt Nam.
TISCO trước đây chỉ là công ty liên kết của VNSTEEL, nhưng Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) năm 2017 đã rút 1.000 tỷ đồng làm giảm vốn điều lệ của TISCO xuống còn 1.840 tỷ đồng và làm cho tỉ lệ sở hữu cổ phần của VNSTEEL tại TISCO tăng từ 42,11% lên 65%. Việc rút vốn này là không tuân thủ luật doanh nghiệp, không thể có cổ đông nào được phép rút vốn của mình từ tài khoản của công ty cổ phần.
Hoạt động hợp nhất của TISCO năm 2019 có doanh thu 10.433 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ~40 tỷ đồng. Nợ phải trả công ty mẹ cuối năm 2019 là 7.220 tỷ đồng, trong đó vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn ~2.300 tỷ đồng, vay và nợ thuê tài chính dài hạn ~2.000 tỷ đồng. Lãi vay tính vào kết quả hoạt động kinh doanh 2019 ~150 tỷ đồng.
Thành lập từ 1959 với vai trò cung cấp nhu cầu thép cho cả miền Bắc một thời. Hiện TISCO duy trì sản xuất với sản lượng thép cán ~800 nghìn tấn, phôi thép ~300 nghìn tấn, gang lò cao ~200 nghìn tấn, với lao động hơn 4 nghìn người. Nếu không mắc kẹt với dự án đầu tư mở rộng giai đoạn 2, thì duy trì sản xuất và có hiệu quả đối với công ty cũng không phải là bài toán khó.
Dự án với tổng dự toán ban đầu là 3.844 tỷ đồng sau được điều chỉnh lên 8.105 tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng giá trị đầu tư đã thực hiện là 5.362 tỷ đồng, thì trong đó chi phí lãi vay đã vốn hoá lên đến 2.155 tỷ đồng (chiếm 40%). Việc điều chỉnh tổng dự toán một phần do hợp đồng kí với nhà thầu từ năm 2007, từ đó đến nay có bao biến động phát sinh và một phần lớn là do chịu chi phí lãi vay khổng lồ.
Dự án kéo dài là một lãng phí rất phổ biến, nhưng các công ty có vốn nhà nước nhiều khi vô phương giải quyết. Lúc phê duyệt đầu tư thì đòi hỏi rẻ, mà rẻ thì tiền nào của ấy. Rẻ thì hay trục trặc phát sinh ngay trong quá trình triển khai và khi vận hành chi phí lại đắt. Khi cần thay đổi điều chỉnh dự án thì chẳng ai chịu quyết. Càng để lâu vốn hoá lãi vay càng lớn, càng không dám quyết. Bài toán kinh tế không ai giải để tránh mất thêm tiền lại đi truy tìm trách nhiệm cá nhân. Trách nhiệm thì còn đấy, cháy nhà thì phải lo cứu hoả trước tiên.
Đối với dự án TISCO tăng tổng mức đầu tư vẫn chưa phải là không hiệu quả. Tổng mức đầu tư tăng vài nghìn tỷ đồng thì khấu hao một năm cũng chỉ tăng thêm tối đa vài trăm tỷ đồng. Nếu doanh thu tăng thêm 20 nghìn tỷ đồng thì khấu hao tăng chừng ấy không phải là vấn đề. Vấn đề bây giờ là ai quyết định. Nếu cổ đông nhà nước không thông thì ngân hàng có vốn nhà nước nào dám cho vay thêm. Không có thêm vốn thì mấy nghìn tỷ máy móc thiết bị thành phế liệu, nhà nước mất vốn, ngân hàng cũng mất tiền.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận