VnIndex sẽ đạt mốc 1.400 điểm trong nửa đầu năm 2025?
Ông Nguyễn Kỳ Minh, Kinh tế trưởng Công ty Cổ phần Chứng khoán Goutai Junnan Việt Nam (IVS) chỉ ra rằng tỷ giá và lãi suất là hai yếu tố khiến ông lo ngại hơn cả.
Ông Hồ Quốc Tuấn và ông Nguyễn Kỳ Minh tại Talkshow Phố Tài chính
Mặc dù Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã thành công trong việc ổn định sức mạnh VND và hạn chế "đô la hóa" cũng như "vàng hóa", áp lực duy trì thành quả này vẫn rất lớn.
"Dự trữ ngoại hối hiện tại của Việt Nam ước đạt khoảng 90 tỷ USD, sát ngưỡng khuyến nghị của các tổ chức quốc tế là ba tháng nhập khẩu. NHNN đang có ít dư địa hơn, nhưng tôi cho rằng khó khăn trong vài năm tới sẽ không quá lớn", ông Nguyễn Kỳ Minh cho biết.
Ngoài ra, áp lực gia tăng lên tỷ giá, kết hợp với lợi suất trái phiếu dài hạn ở các thị trường phát triển duy trì ở mức cao, có thể ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ và lãi suất của Việt Nam. Nỗ lực giữ ổn định tỷ giá và lãi suất ở mức phù hợp để hỗ trợ nền kinh tế sẽ tiếp tục là một thách thức lớn đối với NHNN.
Dẫu vậy, ông Nguyễn Kỳ Minh vẫn đánh giá triển vọng của Việt Nam là tích cực nhờ các chính sách thúc đẩy tăng trưởng và giải ngân đầu tư công được triển khai mạnh mẽ. Ông kỳ vọng dòng tiền sẽ được "cởi trói" khi vòng quay tiền tăng tốc, được bổ trợ bởi dòng tiền mồi từ đầu tư công. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư quốc tế có thể quay lại Việt Nam khi chính sách kinh tế mới của ông Donald Trump được công bố vào đầu năm sau. VN-Index được dự báo sẽ đạt mức 1.300 – 1.400 điểm trong nửa sau năm 2025.
Ông Hồ Quốc Tuấn bổ sung rằng nếu muốn tạo đột phá vào năm 2025, Việt Nam cần tập trung vào đầu tư công thay vì chỉ dựa vào yếu tố tỷ giá và lãi suất.
"Chỉ khi đẩy mạnh đầu tư công, chúng ta mới có được sức bật mới cho nền kinh tế. Tuy nhiên, xét tình hình hiện tại, tôi cho rằng việc thị trường duy trì ở mức hiện nay đã là một thành công. Để thu hút dòng tiền vào thị trường, cần thêm những câu chuyện mới thúc đẩy niềm tin của nhà đầu tư", ông Tuấn nhận định.
Ông cũng lưu ý rằng các nhà đầu tư quốc tế đang chờ theo dõi tăng trưởng kinh tế của các nước ASEAN trước khi quyết định phân bổ dòng vốn. Hiện tại, trong khi nhiều thị trường châu Á gặp khó khăn, Ấn Độ đã trở thành điểm sáng hút dòng vốn ròng trong khu vực tháng qua. Điều này lý giải vì sao thị trường Việt Nam vẫn đang trong trạng thái "chờ đợi".
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận