VnIndex liệu có về 1.200 điểm?
Thị trường vận động theo xu hướng sideway down khiến nhà đầu tư giao dịch rất khó chịu. Vậy chứng khoán có thể tiếp tục trạng thái "cưa chân bàn" đến bao giờ và VN-Index có thể về 1.200 điểm?
Ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam đánh giá thị trường chứng khoán đang chịu ảnh hưởng nhiều yếu tố, trong đó tâm lý nhà đầu tư thận trọng trước sự điều chỉnh của chứng khoán toàn cầu và kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp diễn ra.
Tâm lý bi quan thể hiện ở việc thanh khoản liên tục sụt giảm sâu khi VN-Index vẫn chật vật trước ngưỡng 1.300 điểm. Bên cạnh đó, việc các nhóm cổ phiếu phân hoá kéo dài và thiếu nhóm ngành dẫn sóng cũng khiến dòng tiền chán nản và hướng đến những kênh đầu tư có mức tăng trưởng mạnh.
Tuy nhiên, trong bối cảnh các kênh khác đã có đà tăng nóng, ông Minh cho rằng chứng khoán vẫn đang là kênh đầu tư hợp lý. Theo đó, giá vàng thế giới sau khi chứng kiến chuỗi tăng mạnh sẽ có rủi ro phân kỳ và điều chỉnh trong thời gian tới. Kênh bất động sản cũng chưa thực sự hút tiền vì đất nền tăng mang tính chất đầu cơ nhiều hơn và khi lên đến đỉnh điểm sẽ có sự hụt hơi nhanh chóng.
Sau chuỗi rung lắc, VN-Index đã giảm về dưới mốc 1.250, song điểm tích cực là nhiều cổ phiếu đã rơi vào trạng thái “quá bán”. Thêm vào đó, sau KQKD quý 3/2024, P/E của VN-Index đã về quanh ngưỡng 13 lần - vùng định giá tương đối hợp lý. Do đó trong ngắn hạn chuyên gia Yuanta cho rằng 1.240-1.250 điểm sẽ là vùng hỗ trợ tạo cân bằng cho chỉ số.
Trong kịch bản xấu, nếu VN-Index “thủng” 1.240 điểm, nhà đầu tư cần tính đến việc VN-Index sẽ về 1.225 điểm. Tuy nhiên, trong năm 2024, chuyên gia vẫn duy trì quan điểm VN-Index rất khó “thủng” mốc 1.200 điểm khi các nền tảng cơ bản vẫn đang hỗ trợ cho thị trường.
Về chiến lược đầu tư, trong khi thị trường liên tục “cưa chân bàn” và chưa xác định rõ xu hướng, chuyên gia Yuanta những nhà đầu tư liên tục lướt sóng thì khó có hiệu quả, thậm chí tài khoản bị bào mòn. Do đó, nhà đầu tư nên mua và nắm giữ nếu có vị thế giá vốn tốt.
Nếu vẫn muốn trading thì nên đợi nhịp chiết khấu sâu và mạnh về những ngưỡng hỗ trợ quan trọng để giải ngân từng phần. Cụ thể, nhà đầu tư có thể giải ngân một phần khi chỉ số về 1.240 điểm và giải ngân quyết liệt hơn khi chỉ số giảm về quanh 1.200 điểm.
Đưa ra quan điểm thận trọng, ông Bùi Văn Huy - Giám đốc Chi nhánh Chứng khoán DSC cho rằng trong bối cảnh thị trường thiếu lực đỡ, các phiên hồi kỹ thuật sẽ diễn ra nhưng để xác lập đà tăng mạnh trong ngắn hạn là tương đối khó. Đặc biệt, khi các yếu tố liên thị trường bất ổn, DXY có một đoạn tăng giá nhanh lên vùng hiện tại, nếu DXY vượt 105, một nhịp bán ròng mạnh nữa của khối ngoại nhiều khả năng sẽ tiếp diễn.
"Có nhiều thời điểm, chúng ta cần thừa nhận thị trường thiếu cơ hội ngắn hạn và giao dịch chán nản, khó dự đoán. Thị trường có thể dễ hồi phục trong trạng thái chán nản và thanh khoản thấp hiện tại, nhưng cũng vẫn còn dư địa để rơi" , ông Huy đánh giá.
Theo chuyên gia DSC, kịch bản kỳ vọng nhất lúc này là thị trường đi ngang, tích lũy được thêm ở vùng 1.240-1.270 điểm với những phiên hồi xuất hiện xen kẽ. Để thị trường trở lại ngay xu hướng tăng là tương đối khó do thị trường có nhiều yếu tố khó đoán nên nhà đầu tư cần cởi mở ngay cả trong những kịch bản xấu hơn. Nếu tích lũy quanh vùng này, thị trường sẽ dễ thở hơn trong giai đoạn nửa sau tháng 11. Hiện tại các cổ phiếu lớn (VN30) có dư địa giảm nhiều hơn so với phần còn lại.
Ông Huy khuyến nghị nhà đầu tư không bi quan, nhưng cũng cần tỉnh táo và kiên nhẫn trong ngắn hạn. Nếu giao dịch ngắn hạn, NĐT vẫn có thể nắm giữ danh mục cổ phiếu, tuy nhiên ở mức độ vừa phải và tận dụng giai đoạn hiện tại để cơ cấu danh mục hiện tại hơn là kỳ vọng quá nhiều.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận