24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hoàng Yến
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

VN-Index “vô cảm” với mùa báo cáo kết quả kinh doanh

Trong tuần trước, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam tiếp tục xu hướng giằng co tích lũy với nền thanh khoản thấp. Chốt tuần, chỉ số VN-Index về mức 989,2 điểm, giảm 0,27% so với tuần trước đó.

Điểm tích cực trong tuần là việc khối ngoại quay trở lại mua ròng, dù giá trị không lớn. Tính trên toàn thị trường, khối ngoại mua vào 68,9 triệu cổ phiếu, trị giá 2.339,8 tỉ đồng, trong khi bán ra 70 triệu cổ phiếu, trị giá 2.325,2 tỉ đồng. Tổng khối lượng bán ròng 1,25 triệu cổ phiếu, nhưng tính về giá trị thì khối ngoại đã mua ròng 14,6 tỉ đồng. Riêng ở sàn HSX, khối ngoại có tuần bán ròng thứ 5 liên tiếp, nhưng giá trị bán ròng giảm 34% so với tuần trước đó.

VNM được khối ngoại mua ròng mạnh nhất trên sàn HSX với giá trị đạt 91,5 tỉ đồng, đứng thứ hai là VCB với 83,5 tỉ đồng, thứ ba là chứng chỉ quỹ ETF E1VFVN30 với giá trị hơn 60,7 tỉ đồng. Trong khi đó, VIC bị bán ròng mạnh nhất với giá trị đạt 177 tỉ đồng, chủ yếu qua phương thức thỏa thuận với 171,8 tỉ đồng. Bên cạnh VIC thì hai cổ phiếu họ “Vin” khác là VRE và VHM cũng bị khối ngoại bán ròng mạnh với lần lượt 86 tỉ và 66 tỉ đồng.

Trên thị trường thế giới, các chỉ số chính của TTCK Mỹ có diễn biến khá trái chiều khi chỉ số Dow Jones giảm nhẹ 0,17% trong khi chỉ số S&P 500 tăng 0,54% và chỉ số Nasdaq Composite tăng 0,4%. Mùa báo cáo kết quả kinh doanh (KQKD) quí 3 đang diễn ra sôi động tại TTCK Mỹ và các công ty lớn công bố trong giai đoạn đầu như JPMorgan Chase, Goldman Sachs, Netflix đều báo cáo mức tăng trưởng mạnh hơn dự kiến, giúp giá những cổ phiếu này tăng tích cực trong tuần trước.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, số liệu vĩ mô công bố bao gồm doanh số bán lẻ của Mỹ lại không thật sự khả quan (giảm 0,3% trong tháng 9 và lần đầu tiên giảm kể từ tháng 2 năm nay).

Còn tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite giảm 1,2% trong tuần trước sau khi số liệu về tăng trưởng kinh tế thấp hơn dự báo. Cụ thể, GDP trong quí 3 của nước này chỉ tăng 6% so với cùng kỳ năm trước - mức thấp nhất trong vòng ba thập kỷ qua. Số liệu này càng khiến thị trường thêm nghi ngờ về tính hiệu quả thực tế của các giải pháp kích thích kinh tế trong một năm qua của Chính phủ Trung Quốc.

Một thông tin đáng chú ý khác trong tuần trước là báo cáo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá về triển vọng kinh tế toàn cầu. Theo báo cáo này, IMF tiếp tục hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ mức 3,2% xuống còn 3% trong năm 2019 và từ mức 3,5% xuống còn 3,4% trong năm 2020.

Không bất ngờ khi xu hướng chung trong báo cáo của IMF là hạ dự báo tăng trưởng nhưng dường như các mức dự báo của tổ chức này vẫn tương đối lạc quan. Các nước mà IMF kỳ vọng vẫn tăng trưởng cao trong năm 2020 là Ấn Độ, Brazil, Nga và Ảrập Saudi nhưng các đầu tàu kinh tế chính là Mỹ, Trung Quốc và EU thì được dự báo tiếp tục tăng trưởng chậm lại. Với bối cảnh thế giới còn nhiều bất định như hiện nay, sẽ không ngạc nhiên nếu IMF còn có thêm những lần hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong các báo cáo tiếp theo.

Trong tuần này, các thông tin vĩ mô công bố khá yên ắng. Tại TTCK Mỹ, đáng chú ý nhất chỉ có số liệu về số đơn đặt hàng tiêu dùng lâu bền và chỉ số niềm tin người tiêu dùng. Thay vào đó, mùa công bố KQKD sẽ tiếp tục chi phối diễn biến của chỉ số Dow Jones và S&P 500. Tiếp đó sẽ là kỳ vọng về kết quả cuộc họp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vào cuối tháng này.

Tại châu Á, các phiên sắp tới sẽ đón nhận số liệu về tăng trưởng GDP quí 3 của Hàn Quốc và cuộc họp chính sách của Ngân hàng Trung ương Indonesia. Khả năng cao Indonesia sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm, từ mức 5,25% xuống còn 5% trong bối cảnh tăng trưởng của nước này khá kém và đồng rupiah khá ổn định kể từ đầu quí 3 đến nay.

Đối với TTCK Việt Nam, mùa báo cáo KQKD quí 3 đang bước vào giai đoạn sôi động nhưng dường như cũng không giúp kích thích thêm dòng tiền chảy vào thị trường. VN-Index vẫn duy trì xu hướng trồi sụt trong biên độ hẹp. Khi chưa thể tạo ra cú huých cũng như xung lực mạnh hơn để vượt qua được vùng kháng cự tâm lý 1.000 điểm, thì thị trường sẽ còn cần thêm thời gian dao động đi ngang, tạo nền giá tích lũy và chờ đợi thêm những thông tin hỗ trợ mạnh ở phía trước.

Trong bối cảnh đó, tâm lý thận trọng vẫn chiếm ưu thế trên thị trường khi nhà đầu tư khó tìm kiếm lợi nhuận trước diễn biến luân chuyển và phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả