VN-Index thiếu động lực, ngành thép đã qua thời khó khăn nhất
Dòng tiền phân hóa rõ nét giữa các nhóm ngành và chưa có các cổ phiếu dẫn dắt, khiến VN-Index vận động lưng chừng.
VN-Index: Chưa có sự đồng thuận hồi phục
Với tâm lý thận trọng thời điểm cận kề kỳ nghỉ lễ dài tới 5 ngày thì VN-Index đã có một tuần giao dịch mà thanh khoản cả 5 phiên đều dưới mức trung bình 20 ngày, cho thấy phần nào sự vắng bóng của dòng tiền lớn và sự e dè của nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ.
Tuy nhiên, VN-Index kết thúc tuần qua tại 1.049,12 điểm, tăng 0,6% so với cuối tuần trước đó, hình thành mẫu hình nến rút chân thân hẹp, đánh dấu nỗ lực dừng chân đà rơi và tìm kiếm điểm cân bằng. DSC ghi nhận đây là phản ứng tích cực sau khi chỉ số nhúng về ngưỡng hỗ trợ tại 1.030 điểm, đồng thuận với diễn biến trong tuần của nhiều thị trường chứng khoán trên thế giới.
Diễn biến chỉ số VN-Index.
Bên cạnh đó, giao dịch của khối ngoại cũng có sự thay đổi từ bán ròng sang mua ròng 15 tỷ đồng, loại bỏ một áp lực cung lên thị trường. Ngoài ra, độ rộng thị trường ghi nhận tăng điểm luân phiên tại các nhóm vốn hóa trung bình như thực phẩm (gạo, đường), năng lượng, bất động sản, dệt may.
Tuy nhiên, dòng tiền tiếp tục đứng ngoài với nhóm ngân hàng và các mã vốn hóa lớn trong VN30, chưa tạo được sự đồng thuận hồi phục với toàn thị trường chung.
Diễn biến kỹ thuật đang dần ổn định, nhưng VN-Index vận động lưng chừng, chưa thể hiện một động lượng tăng điểm mạnh và bền vững, dòng tiền phân hóa rõ nét giữa các nhóm ngành và chưa có các cổ phiếu dẫn dắt. Do đó, duy trì chiến lược thận trọng là hành động cần thiết đối với nhà đầu tư.
DSC khuyến nghị, nhà đầu tư chỉ nên giải ngân tại các nhóm cổ phiếu có câu chuyện kỳ vọng và kết quả kinh doanh quý I/2023 tích cực, tránh tâm lý “FOMO” theo các nhóm đầu cơ và chủ động chốt lãi ngắn hạn để đề phòng những phiên rũ bỏ mạnh vẫn có nguy cơ xảy ra.
Ngành thép: Thời kỳ khó khăn nhất đã qua
Tâm điểm thị trường tuần qua là câu chuyện có lãi trở lại trong quý I/2023 của Hòa Phát - doanh nghiệp đầu ngành thép HPG, sau 2 quý lỗ lớn trước đó, đem đến cho nhà đầu tư kỳ vọng về sự hồi phục của toàn ngành.
Giá nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp ngành thép như quặng sắt, than cốc, thép phế đều đang diễn biến trong đà giảm từ cuối tháng 2/2023 cho tới nay. Với việc chỉ số hàng tồn kho trung bình của ngành thép thường vào khoảng 80 - 110 ngày thì các doanh nghiệp đã dần giải phóng được lượng hàng tồn kho giá cao trước đó. Đây là một trong những điểm nhấn kỳ vọng cho kết quả kinh doanh quý II sắp tới.
Tuy nhiên, giá đầu ra của ngành thép như thép xây dựng, thép HRC, thép thanh cũng giảm mạnh cùng với xu hướng giá thép thế giới. Các doanh nghiệp hạ giá để tăng mức độ cạnh tranh, giải quyết hàng tồn kho giá cao và phù hợp với mức giảm của chi phí đầu vào, nhưng phần lớn lý do là nhu cầu tiêu thụ thép yếu và không ổn định. Các kỳ vọng về tác động tích cực từ thị trường thép Trung Quốc tới thị trường thế giới không diễn ra như mong đợi.
Kỳ vọng thị trường nội địa của ngành thép gắn liền với kỳ vọng về mảng đầu tư công của Chính phủ, cùng với triển vọng của ngành bất động sản và xây dựng. Tuy nhiên, tốc độ giải ngân đầu tư công vẫn còn hạn chế trong quý đầu năm 2023 và chỉ sử dụng thêm khoảng 6% sản lượng thép so với mức bình thường, chủ yếu ngành thép hưởng lợi từ hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng sau đó.
Bên cạnh đó, triển vọng ngành bất động sản và xây dựng được đẩy về cuối năm và số dự án đang triển khai tại miền Nam thấp hơn cả thời kỳ dịch Covid-19, số dự án cấp phép mới trong năm 2022 thấp kỷ lục, cho thấy nhu cầu xây dựng năm 2023 rất yếu.
Yếu tố khả quan nhất có thể giúp cải thiện nhu cầu sử dụng thép trong nửa cuối năm 2023 là sự thay đổi trong chính sách tiền tệ và các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản của Chính phủ.
Một số cổ phiếu đáng quan tâm trong ngành thép là HPG và HSG. Với câu chuyện đảo chiều trong cả chính sách vĩ mô và chu kỳ của ngành, nhà đầu tư có thể giải ngân một phần với vị thế mua trung và dài hạn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận