menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Quỳnh Như

'VN-Index sẽ hồi về điểm cân bằng 1.200-1.300 để tạo dựng nền móng mới'

Bức tranh kinh tế vĩ mô 2023 sẽ có nhiều điểm sáng hơn 2022, qua đó tác động tích cực đến thị trường chứng khoán. Nhận định của ông Phạm Quang Huy – Giám đốc Khối Trung tâm khách hàng Cao cấp (Chứng khoán KB), nhà sáng lập nền tảng đầu tư WTM Platform.

Những khó khăn nhất dường như đã qua

Mekong ASEAN: 2022 là một năm nhiều cảm xúc đối với nhà đầu tư chứng khoán, nhiều người còn liên tưởng tới giai đoạn 2008-2009 khi thị trường giảm sâu khiến không ít nhà đầu tư cháy tài khoản. Ông đánh giá như thế nào về thực tế này?

Ông Phạm Quang Huy: Có thể nói rằng từ khi thị trường chứng khoán thành lập đến nay chưa bao giờ có bài toán khó như năm 2022. Nhiều người đánh giá giai đoạn khó khăn của VN-Index vừa qua tương tự như giai đoạn 2008-2009.

Tuy nhiên với kinh nghiệm tham gia thị trường từ thời điểm đó, tôi cho rằng 2008-2009, thị trường chỉ chịu ảnh hưởng chung từ thế giới do suy thoái toàn cầu. Còn năm 2022, ngoài bất lợi từ bên ngoài thì còn câu chuyện khá riêng của nền kinh tế Việt Nam, liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp. Dòng vốn phải xử lý nhiều vấn đề nên rút ra nhanh, gây hiện tượng giải chấp chéo, khiến thanh khoản thị trường giảm sút.

Chưa có năm nào mà “cá mập” lại bị săn, nhưng năm vừa qua nhiều cổ đông lớn, chủ tịch, giám đốc điều hành doanh nghiệp trở thành “con mồi” khi sử dụng margin quá lớn, tức là dùng cổ phiếu để đảm bảo vay vốn quay vòng cho sản xuất kinh doanh. Khi thị trường khó khăn, việc bán giải chấp gây ra hiệu ứng tiêu cực, càng làm cho giá cổ phiếu giảm. Rất nhiều cổ phiếu chiết khấu 60-90%, nếu nhà đầu tư dùng đòn bẩy lớn sẽ mất trắng.

Giai đoạn 2008-2009 mức giảm điểm cũng nhiều, nhanh nhưng quy mô thị trường lúc đó chưa lớn, hoạt động cấp cho vay margin không phổ cập như bây giờ.

Mekong ASEAN: Vậy theo ông “bài toán khó” ấy đã được giải chưa, thị trường chứng khoán bước sang năm 2023 sẽ chịu tác động của những yếu tố nào?

Ông Phạm Quang Huy: Bức tranh năm 2023 sẽ có những điểm sáng hơn 2022. Những khó khăn nhất dường như đã qua đi. Sau khi lạm phát Mỹ đạt đỉnh điểm trong tháng 9 và giảm trong tháng 10, tốc độ tăng lãi suất của Fed cũng chậm lại. Dòng tiền không còn bị rút ra, tâm lý nhà đầu tư cũng cải thiện... Đây là những động lực rất lớn để thị trường chứng khoán hồi phục.

Sang năm 2023, tôi nghĩ triển vọng của các doanh nghiệp cũng tươi sáng hơn. Từ tháng 12/2022, Trung Quốc đã có động thái mở cửa, đây là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Cộng với thị trường Mỹ và châu Âu đã khai thác rất tốt trong năm 2022, hàng hoá của Việt Nam hứa hẹn sẽ được tiêu thụ mạnh hơn. Bên cạnh đó là việc thúc đẩy giải ngân đầu tư công, các chương trình phục hồi kinh tế xã hội vẫn tiếp tục...

Tình hình chính trị thế giới, chiến sự, ảnh hưởng đến giá dầu, tỷ giá... vẫn là những rủi ro tác động trực tiếp đến nền kinh tế. Tuy nhiên, Việt Nam với tình hình vĩ mô ổn định sẽ vẫn là nơi trú ẩn an toàn cho các dòng vốn đầu tư toàn cầu. Năm 2022, dù thế giới nhiều biến động nhưng chúng ta vẫn đạt tăng trưởng cao, kiểm soát lạm phát, ổn định an sinh xã hội… Đây chính là tiền đề xây dựng bức tranh năm 2023 tươi sáng hơn.

Kịch bản lạc quan nhất cho năm 2023 là VN-Index đi ngang trong biên độ rộng từ vùng đáy lên đỉnh cũ 1.400-1.500. Còn để vươn lên mức cao hơn thì cần thời gian lâu hơn. Trong quá trình phục hồi, chỉ số có thể gặp trắc trở vì dòng tiền còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Còn ở kịch bản trung lập, VN-Index sẽ hồi về điểm cân bằng 1.200-1.300, từ đó tạo dựng nền móng mới, bệ phóng mới để đi lên. Nhà đầu tư nên hướng vào những cổ phiếu là xương sống của nền kinh tế.

'VN-Index sẽ hồi về điểm cân bằng 1.200-1.300 để tạo dựng nền móng mới'

Mekong ASEAN: Dòng vốn ngoại luôn là xung lực lớn của thị trường chứng khoán. Ông đánh giá sao về dư địa của dòng vốn này và việc chúng ta chưa được nâng hạng thị trường có phải là rào cản?

Ông Phạm Quang Huy: Vốn ngoại tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn hạn chế, chưa chiếm tỷ trọng cao, bởi còn nhiều rào cản. Như tỷ lệ room của các doanh nghiệp hàng đầu (ngân hàng, hạ tầng, công nghệ) còn giới hạn; e ngại minh bạch hóa thông tin khi nhiều doanh nghiệp chưa thực sự chuyên nghiệp về báo cáo tài chính, chưa có song ngữ...

Đúng là nâng hạng thị trường cũng ảnh hưởng lớn đến việc thu hút dòng vốn ngoại. Tuy nhiên Việt Nam đã đứng đầu danh sách được nâng hạng, bây giờ còn phụ thuộc vào nội tại của chính nền kinh tế, tỷ lệ room khối ngoại, minh bạch hóa thông tin và một số điều kiện khác như vòng quay giao dịch T0... Tôi nghĩ rằng việc nâng hạng là hoàn toàn trong tầm tay của chúng ta, vấn đề chỉ còn là thời gian và sự chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở hạ tầng.

Các cơ quan quản lý đang gấp rút đưa hệ thống giao dịch KRX vào vận hành, mục tiêu là từ giữa năm 2023. Thời gian qua, nhà chức trách cũng rất tích cực trong việc giám sát thị trường, xử lý các doanh nghiệp, cá nhân vi phạm. Sau khi cơ sở hạ tầng ổn định, minh bạch hóa thông tin, tỷ lệ room ngoại được nới thêm thì chứng khoán Việt Nam sẽ sớm được nâng hạng.

Tôi dự phóng đâu đó khoảng cuối năm 2024, đầu năm 2025, dù vẫn khá xa nhưng là cái đích để chúng ta lạc quan hướng tới. Bất kể thị trường nào được nâng hạng cũng sẽ khởi sắc, như Trung Quốc khi được nâng hạng chỉ số tăng rất mạnh. Quan trọng là lúc đó, hạ tầng có đủ hấp thụ nguồn vốn đó hay không, vì nó là quá lớn, từ 1 tỷ đô sẽ gấp hàng trăm lần.

Muốn đầu tư thành công cần biết kiềm chế cảm xúc

Mekong ASEAN: VN-Index sau những đợt sụt giảm mạnh khiến không ít nhà đầu tư thua lỗ nặng, thậm chí “cháy tài khoản” do dùng đòn bẩy lớn. Để tồn tại lâu trên thị trường thì sau mỗi “cơn sóng dữ”, ông có những bài học nào muốn chia sẻ với nhà đầu tư chứng khoán?

Ông Phạm Quang Huy: Bài học đầu tiên chính là kiến thức đầu tư. Đây chính là điểm tựa để chúng ta nắm bắt cơ hội. Dù thua lỗ hay kiếm được nhiều lợi nhuận thì nhà đầu tư đều không được phép ngừng học tập trau dồi kiến thức, bởi thị trường chứng khoán biến động không ngừng và luôn có nhiều bài học mới. Học tập chính là cách hoàn thiện bản thân tốt nhất và đây cũng sẽ là chìa khoá để nhìn ra “vàng” khi cơ hội tới. Thực tế, nhiều nhà đầu tư không nắm rõ đã lầm tưởng “vàng” là “đồng thau” và bán đi với một cái giá rất rẻ.

Bài học thứ hai là khi thị trường khủng hoảng, chúng ta vẫn có thể có cơ hội. “Cơ hội không đến thường xuyên. Khi cơn mưa vàng rớt xuống, hãy lấy xô ra hứng chứ đừng dựng một con đê để chắn nó”. Đây là câu nói rất hay của nhà đầu tư thành công nhất mọi thời đại Warren Buffett.

Thị trường chứng khoán trong tương lai luôn đạt được mức cao mới, kỷ lục mới bởi đơn giản nền kinh tế của đất nước nói riêng và thế giới nói chung luôn vận động để phát triển đi lên. Thực tế thời gian qua, có những cổ phiếu của các công ty đầu ngành đã về mức định giá quá rẻ. Họ vẫn đang sản xuất kinh doanh tốt, có lợi nhuận đều đặn, trả cổ tức hàng năm.

Bài học quan trọng tiếp theo là quản trị rủi ro. Nhà đầu tư mới (F0) khá hời hợt trong quản trị rủi ro khi tham gia thị trường chứng khoán. Họ thường nóng ruột và bị thị trường hấp dẫn khiến giao dịch mất kiểm soát. Thông thường, họ bắt đầu bằng một số vốn nhỏ, khi lợi nhuận tăng trưởng hấp dẫn khoảng 30% thì dồn vốn gấp 4 hay 5 lần vào. Sau đó tăng trưởng thêm 10-20% thì lại tiếp tục gia tăng mua và vòng xoáy liên tục tái diễn.

"Khi thị trường uptrend, nhà đầu tư đang trong cơn say sẽ khó nhận ra mình rơi vào rủi ro vượt quá giới hạn. Chỉ đến khi tình thế đảo chiều thì mới nhận ra và thường đã là khá muộn bởi khi đó, chỉ cần một đợt điều chỉnh sẽ có thể xoá bỏ toàn bộ thành quả từ trước đến nay. Do vậy, nhà đầu tư không nên để thị trường hấp dẫn giải ngân vượt quá giới hạn trong khi bức tranh đầu tư chưa rõ ràng". Ông Phạm Quang Huy

Để quản trị rủi ro tốt, trước hết nhà đầu tư cần nhìn trước các tác động xấu. Như việc Fed tăng lãi suất, chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến dòng vốn toàn cầu. Hay những sự kiện “thiên nga” như xung đột chính trị, lạm phát, khủng hoảng năng lượng, thiên tai, dịch bệnh… Mọi người thường nghĩ chúng khó xảy ra, nhưng nếu có thể dự đoán từ khi manh nha thì nhà đầu tư có thể có chiến lược đầu tư thông minh hơn.

Để hạn chế rủi ro, nhà đầu tư trước khi tham gia thị trường cũng cần xác định rõ bản thân phù hợp với phong cách nào, đầu tư hay đầu cơ? Số vốn cụ thể tham gia, thời gian sử dụng vốn kéo dài bao lâu, từ đó lên kế hoạch kiểm soát rủi ro bằng các chiến lược quản lý tỷ trọng chi tiết theo từng thời điểm. Bài toán phân bổ vốn là vô cùng quan trọng, do vậy kế hoạch này càng rõ ràng bao nhiêu thì khả năng kiểm soát rủi ro sẽ càng tốt bấy nhiêu.

Cuối cùng, người đầu tư thành công là người biết kiềm chế cảm xúc. Cảm xúc theo chiều hướng nào nếu quá đà cũng thường đem đến những hệ luỵ tai hại. Không nên thấy đám đông chạy theo cổ phiếu nào mà mình cũng chạy theo cổ phiếu đó. Việc hành động vội vàng khi chưa suy xét kỹ, hành động ngoài kế hoạch đầu tư có thể gây tổn hại lớn cho túi tiền của bạn.

Mekong ASEAN: Xin cảm ơn ông!

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Mã liên quan
Giá
Biểu đồ

1,204.97

-0.64 (-0.05%)

Biểu đồ mã VN-INDEX
10 Yêu thích
15 Bình luận 25 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại