Vn-Index dẫn đầu danh sách các chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất toàn cầu trong tuần qua
CTCK MBS vừa công bố báo cáo chiến lược. Theo MBS số lượng tài khoản mở mới ở cả nhà đầu tư trong và ngoài nước là động lực chính giúp thị trường có chuỗi tăng vừa qua.
Tuần qua thị trường chứng khoán Việt Nam có một tuần giao dịch khởi sắc với mức tăng mạnh hơn 5,4% để vượt xa ngưỡng đỉnh lịch sử 1.200 điểm. Với mức tăng này, chỉ số VN-INDEX đã có mặt ở vị trí thứ nhất trong danh sách các chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất toàn cầu trong tuần vừa qua.
Về diễn biến, thị trường trong nước tuần qua dẫn đầu xu hướng tăng điểm của chứng khoán toàn cầu với mức tăng 5,36%, đây là tuần tăng mạnh nhất trong hơn 2 tháng qua, tương đương với 62,24 điểm. Độ rộng thị trường cũng rất tích cực khi có đến 302 cổ phiếu tăng giá và chỉ có 83 mã giảm giá, độ rộng ở nhóm VN30 với 25 mã tăng và 4 mã giảm. Bên cạnh đó đà tăng cũng đang tập trung vào nhóm cổ phiếu Midcap và Smallcap với mức tăng lần lượt 5,18% và 4,82%. Ngoài ra, nhóm Diamond với mức tăng 4,99%, nhóm Finlead và nhóm Finselect lần lượt tăng 7,90% và 7,31%.
Đóng góp vào mức tăng 62,24 điểm của VN-Index trong tuần vừa qua là các cổ phiếu lớn như: VIC, VHM, BID, VNM, VCB, HPG… Trong khi đó, rổ VN30 tăng 70,84 điểm và đóng góp nhiều nhất giúp cho chỉ số này tăng 6,07% trong tuần vừa qua là các cổ phiếu lớn như: VIC, STB, HPG, VPB, VNM, TCB,…
Nhóm cổ phiếu có mức tăng bình quân theo vốn hóa mạnh nhất trong tuần vừa qua thuộc về nhóm dệt may (11,16%), chứng khoán (9,09%), Vingroup (7,30%), ngân hàng (6,19%), XD và VLXD (5,34%),…. Ở chiều ngược lại không có nhóm cổ phiếu nào giảm.
Cổ phiếu nhóm dệt may có mức tăng nhiều nhất với TCM tăng 15,00%, STK và VGG tăng lần lượt 12,85% và 11,61%. Ngoài nhóm dệt may thì nhóm cổ phiếu chứng khoán với MBS tăng 12,61% và SHS tăng 12,14%. Nhóm cổ phiếu Vingroup với VIC tăng 9,43% và TTF tăng 8,79%. Nhóm cổ phiếu ngân hàng với SHB tăng 38,46% và STB tăng 19,26%.
Về xu hướng dòng tiền: Dòng tiền duy trì khá ổn định với giá trị khớp lệnh bình quân trên sàn HSX đạt trên 10.000 tỷ đồng tuần thứ 19 liên tiếp. Trong đó, dòng tiền tiếp tục duy trì tích cực trở lại ở nhóm VN30 và ETFs nội trong khi Midcap và Smallcap bị chốt lời khá mạnh. Thanh khoản đang có xu hướng duy trì ổn định trong thời gian gần đây trên HSX ở mức trung bình 13.800 tỷ nhưng thấp hơn so với vùng đỉnh 1.200 điểm thiết lập giữa tháng 1/2021 khi GTGD khớp lệnh vùng này ở mức 15.600 tỷ đồng. Mặc dù có lực mua mạnh trong tuần qua nhưng thanh khoản khớp lệnh cũng chỉ tương đương tuần trước với giá trị khớp lệnh bình quân trên sàn HSX đạt trên 13.798 tỷ đồng, giảm 1,4% so với tuần trước đó.
Về cơ cấu dòng tiền: Nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục dẫn đầu với tỷ trọng 34,7% toàn thị trường, tiếp theo là nhóm xây dựng và vật liệu xây dựng với tỷ trọng 14,1%. Ngoài ra nhóm Chứng khoán, BĐS lên vị trí thứ 3 toàn thị trường với 11% và 7,6%. Tiếp đó là nhóm Vingroup và thực phẩm chiếm hơn 7,4%.
Về xu hướng dòng tiền của từng nhóm nhà đầu tư: Chỉ số VN-Index vượt vùng đỉnh lịch sử 1.200 điểm với động lực từ nhà đầu tư cá nhân với lực mua diễn ra khá mạnh mẽ. Nhóm NĐT cá nhân đã quay lại mua ròng mạnh với giá trị mua ròng 2.055 tỷ đồng đối ứng với đà bàn ròng của nhóm NĐT tổ chức trong nước và nhóm NĐTNN. Tuần qua, khối tự doanh của các công ty chứng khoán đẩy mạnh bán ròng -1.996 tỷ đồng, tổ chức nước ngoài bán ròng -304 tỷ đồng và nhóm cá nhân nước ngoài bán -329.7 tỷ đồng.
Về giao dịch của NĐTNN: Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa có tuần giao dịch tích cực khi VN-Index vượt xa mức đỉnh lịch sử năm 2018, trong đó phải kể đến khối ngoại chấm dứt chuỗi 5 tuần bán và quay trở lại mua ròng với giá trị mua ròng trên sàn HSX đạt 69,1 tỷ đồng. Tuy nhiên vẫn bán ròng thông qua khớp lệnh đạt 775,3 tỷ đồng. Kể từ đầu năm, khối ngoại bán ròng trên sàn HSX 13.421 tỷ đồng, trong đó bán ròng thông qua khớp lệnh 20.338 tỷ đồng và mua ròng thông qua thỏa thuận 6.610 tỷ đồng.
Tuần vừa qua, khối ngoại mua ròng 7/20 nhóm ngành so với 5/20 ở tuần trước đó, các nhóm cổ phiếu được khối ngoại mua ròng là: XD và VLXD, hóa chất, cao su tự nhiên, dịch vụ,… Đối với nhóm ETF, tuần vừa qua khối ngoại giảm bán ròng ở nhóm là Finselect, Finlead còn trung bình 550 tỷ đồng trong khi tuần trước bán 1.020 tỷ đồng. Bên cạnh đó đã bán ròng nhóm VN Diamond với giá trị 560 tỷ đồng.
Tại sàn HSX, VIC là cổ phiếu được khối ngoại mua ròng mạnh nhất với giá trị ở mức 951 tỷ đồng. PMG đứng sau với giá trị mua ròng là 396 tỷ đồng. Đáng chú ý, hầu hết lượng giao dịch của VIC và PMG nói trên đều được khối ngoại thực hiện thông qua thỏa thuận. STB đứng thứ 3 trong danh sách mua ròng mạnh này với 239 tỷ đồng. Chiều ngược lại, CTG bị bán ròng rất mạnh với giá trị 505 tỷ đồng. VNM và VCB đứng sau với giá trị bán ròng lần lượt 402 tỷ đồng và 384 tỷ đồng, trong đó, giao dịch của VCB chủ yếu đến từ thỏa thuận.
Trên sàn HNX, khối ngoại tiếp tục mua ròng hơn 34 tỷ đồng, tăng 23,4% so với tuần trước, tuy nhiên nếu tính về khối lượng thì dòng vốn này vẫn bán ròng 451.675 cổ phiếu. SHB đứng đầu giá trị mua ròng của khối ngoại trên HNX với 121 tỷ đồng, bỏ xa mã đứng sau là S99 với chỉ 2,7 tỷ đồng. Trong khi đó, PVS bị bán ròng mạnh nhất với gần 36 tỷ đồng. CEO và APS bị bán ròng lần lượt 24 tỷ đồng và 13 tỷ đồng.
Tại sàn UPCom, khối ngoại bán ròng trở lại 7,3 tỷ đồng sau 2 tuần bán ròng trước đó, tương ứng khối lượng bán ròng là 250.682 cổ phiếu. Khối ngoại sàn UPCoM mua ròng mạnh nhất mã ACV với 12 tỷ đồng. LTG đứng sau và được mua ròng 5,3 tỷ đồng. Chiều ngược lại, VTP bị bán ròng mạnh nhất với 26 tỷ đồng. VEA và ABI bị bán ròng lần lượt 5,3 tỷ đồng và 3,5 tỷ đồng.
Bình luận