VN-Index có nguy cơ về con số ‘quen thuộc’ 1.200 điểm
Sau hàng loạt diễn biến tiêu cực của thị trường, sự chán nản của nhà đầu tư ngày một lên cao khi mà nỗi lo sợ về con số 1.200 điểm có nguy cơ quay trở lại bất cứ lúc nào.
Vùng 1.180 - 1.200 điểm trở thành vùng hỗ trợ
Đáng chú ý, sự “đảo chiều” cuối phiên 2/8 đã giúp chỉ số chính “gỡ gạc” lại được phần nào nhưng nhìn chung sự chán nản của nhà đầu tư vẫn khó có thể đổi chiều thành “hưng phấn” trở lại trong một sớm một chiều. Có lẽ giấc mơ 1.300 điểm phải tạm gác lại khi mà con số 1.200 "ám ảnh” có khả năng sắp quay trở lại.
Trước đó, nhiều nhà đầu tư đã chờ đợi VN-Index vượt 1.300 điểm, thậm chí có những dự báo còn táo bạo hơn. Hầu hết các công ty chứng khoán cho rằng chỉ số có thể đạt đến vùng 1.400-1.500 điểm vào cuối năm. Lạc quan hơn, quỹ ngoại Pyn Elite Fund còn dự báo con số có thể lên đến 1.700 điểm.
Mốc 1.200 điểm có nguy cơ quay trở lại bất cứ lúc nào.
Tuy nhiên, trước đà giảm điểm cùng “cú sảy chân” phiên 1/8 đã khiến giới đầu tư “chột dạ” và bất an. Bởi diễn biến này hoàn toàn bất ngờ khi tình hình kinh tế, tài chính thế giới và trong nước khá tích cực.
Phiên này, VN-Index giảm gần 25 điểm. Gần 700 cổ phiếu giảm trên quy mô cả 3 sàn khiến thị trường chung chìm trong sắc đỏ, qua đó xóa sạch thành quả tích lũy được trong 1 tuần trước đó.
Giới phân tích nhận định lý do thị trường giảm mạnh đến từ hiệu ứng "domino" cũng được kích hoạt khi tình trạng bán tháo do tâm lý tiêu cực đã hình thành làn sóng bán giải chấp toàn thị trường. Chưa kể những cổ phiếu đã tăng trong giai đoạn quý II thì đều đã cho ra kết quả kinh doanh và đã phản ánh vào giá cổ phiếu. Do đó, các nhà đầu đã không còn nhiều thông tin hỗ trợ.
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu công nghệ trên thế giới bắt đầu chững lại và quay đầu giảm mạnh, tác động đến nhóm cổ phiếu công nghệ và những nhóm cổ phiếu khác tại Việt Nam, làm cho tâm lý của nhà đầu tư thận trọng hơn.
Mặt khác, nhà đầu tư có tâm lý tiêu cực trước những thông tin về nguy cơ xung đột vũ trang leo thang tại khu vực Trung Đông.
Theo ông Trần Trương Mạnh Hiếu, Trưởng phòng Phân tích Chứng khoán KIS, mẫu hình hai đỉnh đã được xác nhận trên chỉ số VN-Index với mục tiêu giá là từ 1.180-1.200 điểm. Sau khi đạt mục tiêu giá này, có thể thị trường sẽ hình thành một đáy quan trọng từ 1.180-1.200 điểm và quay trở lại nhịp tăng. Vì thế, nhịp điều chỉnh này nên được cân nhắc là nhịp điều chỉnh kỹ thuật hơn là bắt đầu cho một xu hướng mới.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư, Chứng khoán Maybank cho rằng thanh khoản (dòng tiền) là một trong những yếu tố khiến thị trường diễn biến tiêu cực ở hiện tại. Dòng tiền từ khối ngoại bán ròng miệt mài trong nhiều năm qua và dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân trong nước lúc này cũng dần "mất hút". Dòng tiền sụt giảm liên tiếp qua từng tháng cho thấy thị trường được dự báo tiêu cực, nhất là sau khi không thể vượt qua được vùng 1.300 điểm hồi đầu tháng 7.
“Diễn biến giá giảm mạnh nhưng thanh khoản cũng thấp cho thấy lực cầu bắt đáy yếu, là diễn biến tiêu cực. Hiện, vùng 1.180 - 1.200 điểm là vùng hỗ trợ trung hạn của thị trường nên cần quan sát”, ông Khánh lưu ý.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam dự báo trong năm 2024, chứng khoán có thể trở lại vùng 1.200 để cân bằng lại thị trường.
"Trong nguy mở ra cơ"
Trong ngắn hạn, VN-Index sẽ tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh, hành động của phần đông nhà đầu tư tùy thuộc rất lớn vào tỷ trọng cổ phiếu và tiền, kèm theo đó là cổ phiếu nắm giữ.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, hiện nay, điểm mức đáy chưa trở về như tháng 4 nhưng định giá đã quay lại mức đáy, tức là mức thấp nhất năm cho đến giờ. Điều này cho thấy mức lợi suất của thị trường chứng khoán đang hấp dẫn trở lại.
Bên cạnh đó, tỷ giá đang hạ nhiệt mạnh do kỳ vọng Fed hạ lãi suất trong tháng 9, áp lực tỷ giá vì thế được thu hẹp lại. Do vậy, thời gian tới, chứng khoán sẽ kích thích các nhà đầu tư quay trở lại để mua ròng. Đây chính là cơ hội cho nhà đầu tư trong ngắn hạn.
Do đó, với nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt, điều chỉnh về vùng hỗ trợ mạnh và lượng tiền mặt đang dư nhiều có thể cân nhắc mua dần khi cổ phiếu này chững lại đà giảm tại vùng hỗ trợ để tạo dấu hiệu đảo chiều.
Với nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu lớn, nhất là đang sử dụng đòn bẩy margin và nắm giữ cổ phiếu tốt chưa về vùng hỗ trợ mạnh, có thể bán trước một phần và mua lại sau. Nếu danh mục nhà đầu tư nắm giữ có kết quả kinh doanh quý II xấu và không có tiềm năng tăng trưởng trong quý III thì có thể cân nhắc cơ cấu sang cổ phiếu tốt khác.
“Trong ngắn hạn, nhà đầu tư không nhất thiết phải bán ra nếu không có áp lực lớn về margin. Nên đợi vùng cân bằng và cân nhắc bình quân để hạ giá vốn xuống. Về dài hạn, chứng khoán sẽ tiếp tục đi lên vì hiện nay chính sách tiền tệ đang ủng hộ cho xu hướng của thị trường. Do đó, nhà đầu tư cũng sáng cửa mua gom, nên bình tĩnh phân tích thị trường để chọn thời điểm xuống tiền thích hợp”, ông Nguyễn Thế Minh khuyến nghị.
Ông Võ Kim Phụng, Trưởng phòng phân tích Chứng khoán BETA lưu ý trong bối cảnh hiện nay, nhà đầu tư nên thận trọng tái cơ cấu danh mục đầu tư của mình và cân nhắc bình quân giá.
"Cần xem xét kỹ lưỡng các mã cổ phiếu đang nắm giữ, bán ra những mã có rủi ro cao hoặc không còn tiềm năng, và đầu tư tích lũy thêm vào những mã có triển vọng tốt hơn. Các nhịp điều chỉnh của thị trường có thể tạo ra cơ hội mua vào cho những nhà đầu tư ưa mạo hiểm", ông Phụng nhấn mạnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận