24HMONEY đã kiểm duyệt
15/05/2023
Vinfast sẽ chính thức chào sàn tại TTCK Mỹ?
Ngày hôm qua đã có thông tin về việc Vinfast sát nhập với SPAC, một công ty niêm yết trên NYSE. Điều này hàm ý rằng trong khoảng 6-8 tháng nữa Vifast sẽ chính thức chào sàn tại TTCK Mỹ. Hiểu như thế nào về sự kiện này? Tôi xin được chia sẻ góc nhìn cá nhân của mình dưới góc độ một người làm tư vấn tài chính chứng khoán.
1. Tôi học ở Nga, trên anh Vượng 3 năm. Do khác thành phố nên cũng không quen anh Vượng, có gặp 1-2 lần khi lên trường Mỏ địa chất Moscow chơi. Thời đó anh Vượng chưa phải là "soái", mà những nhân vật nổi bật là anh Trí "béo", anh Long "le" hay anh Hồng "Xaliut". Lứa sinh 68-70 nổi lên nhiều anh tài sau này. Có thể kể đến các anh chị Đặng Khắc Vĩ, Ngô Trí Dũng, Nguyễn Đức Chi, Nguyễn Cảnh Sơn, Lê Viết Lam, Nguyễn Thị Phương Thảo, Nguyễn Thanh Hùng, Trần Anh Tuấn, Hồ Hùng Anh, Trịnh Thanh Huy. Đây là những nhân tài vì ngoài chuyện học giỏi (đi Nga là chắc chắn học giỏi), họ còn có ý chí rất lớn vì đa phần xuất thân từ những gia đình cơ bản, nhiều người đến từ vùng đất nghèo Nghệ an, Hà tĩnh. Nổi bật hơn tất cả là Phạm Nhật Vượng (em ruột anh Vượng là anh Vũ bị vụ Mobifone). Về anh Vượng thì chắc rằng có rất nhiều bài báo, có rất nhiều ý kiến khác nhau (trong đó có cả những câu chuyện thêu dệt về chuyện liên quan đến cuộc sống riêng). Lứa này có một điểm chung là KHÁT VỌNG KIẾM TIỀN, họ rất hiểu nước Nga, cái nôi và là bệ phóng cho họ trên con đường thành công. Nhưng họ luôn quay về với quê hương Việt nam để cống hiến, để tiếp tục làm giàu. Cũng trong số các đại gia từ Nga về còn có anh Quang "phơ" (sáng lập Masan) và bạn Dũng "điếu" (tập đoàn An Dân, mua ngân hàng từ anh Tâm Kinh bắc, đổi thành Quốc dân).
2. Từ một công ty chuyên làm mì gói tại Ucraine với tên gọi Technocom, anh Vượng trở về nước từ năm 2000 với thương hiệu Vinpearl và Vincom chuyên hoạt động trong lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng. Hồi tôi mới về nước có lần đi nghỉ ở Vinpearl Nha trang thấy thích lắm. Hồi đó còn chưa có cáp treo ra đảo, phải để xe ở đất liền rồi đi cano ra. Tôi cũng tò mò tìm hiểu về anh Vượng, nhưng cũng chỉ biết rất ít thông tin. Sau này anh Vượng bắt đầu làm các dự án bất động sản dân dụng. Còn nhớ một trong những dự án căn hộ đầu tiên ở SG là dự án Saigon Pearl của chị Phương (em anh Sinh Hùng) tại đường Nguyễn Hữu Cảnh (hồi đó còn gọi là Lê Thánh Tôn nối dài). Khi các dự án cao ốc của Vincom bao bọc Saigon Pearl hoàn toàn làm mất view của họ. Cũng thời gian này Vincom còn có dấu ấn với dự án xây dựng tổ hợp thương mại Vincom trên khu đất cũ của tòa nhà Eden và Sở GD-ĐT.
3. Vincom chào sàn Hose tháng 9 năm 2007 với giá 120. Đoạn này chứng khoán đã thoái trào sau khi lập kỷ lục 1170 hồi tháng 2/2007. Do thị trường chung giá cổ phiếu VIC liên tục đi xuống, có lúc về đến 18. Nhưng VIC trải qua nhiều sóng gió luôn là cổ phiếu hàng đầu, nằm trong rổ yêu thích của mọi quỹ đầu tư, từ quỹ đóng cho đến ETF. Sau này khi VIC được sự tư vấn của Bản Việt đã làm rất thành công trái phiếu quốc tế. Anh Vượng có tiền nhờ tăng vốn VIC và các khoản vay nợ từ Singapore và quốc tế. Tập đoàn Vingroup ra đời đánh dấu bước tiến lớn, khẳng định là doanh nghiệp hàng đầu Việt nam, có giá trị vốn hóa lớn. Nhiều doanh nghiệp khác thuộc tập đoàn đã chào sàn như VHM, VRE.
4. Vinfast được thành lập 2017 mở ra chương mới trong ngành công nghiệp ô tô Việt nam. Trong cuộc triển lãm ô tô quốc tế tại Paris năm 2018 anh Vượng đã trình diện mẫu xe VF đầu tiên với thiết kế bởi các kỹ sư người Ý. Phải nói là dòng xe xăng của Vinfast dù bị nhiều tiếng tăm, nhưng ở tầm giá là chấp nhận được. Khoảng thời gian này bắt đầu lan truyền những câu chuyện vui về việc "Anh mua VF đi, đảm bảo nếu có sugarbaby cũng sẽ được gỡ bài ngay". Sau khi dừng sản xuất xe xăng, Vinfast chuyển qua xe điện với tham vọng toàn cầu.
Ngay từ năm 2022 Vinfast đã lên kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn Nasdaq. Hãy để ý là anh Vượng chỉ định niêm yết trên Nasdaq mà thôi. Sàn chứng khoán NYSE là nơi tập trung của các Bluechip, là mơ ước của nhiều doanh nghiệp. Thực sự tôi thấy tự hào cho Việt nam khi lần đầu tiên có một doanh nghiệp niêm yết trên sàn danh giá như NYSE.
Bỏ qua yếu tố cảm xúc, việc Vinfast sẽ IPO vào cuối năm nay sẽ ảnh hưởng như thế nào đến bản thân tập đoàn Vingroup, đến cá nhân anh Vượng và đến TTCK Việt nam? Nhìn vào cơ cấu sở hữu của Vinfast thấy VIC đang nắm 51%, còn lại là các công ty thuộc sở hữu cá nhân của anh Vượng. Tức là nếu vụ IPO thành công, sẽ bán được 10% trên vốn hóa 23 tỷ, sẽ có khoảng 2.3 tỷ cash được VIC và cá nhân anh Vượng thu về. Con số này ở TTCK Mỹ không lớn, nhưng so quy mô nền kinh tế và TTCK Việt nam là không hề nhỏ. Vingroup sẽ có tiền mặt để tiếp tục triển khai các dự án của mình. Chắc chắn giá cổ phiếu VIC sẽ có sự tăng trưởng so với hiện nay. VIC là cổ phiếu vốn hóa lớn, sẽ ảnh hưởng đến chỉ số Vn-index. Thời gian vừa qua chỉ số lình xình, chỉ có midcap và penny có sóng. Thị trường đang thiếu thủ lĩnh. Thực sự việc Vinfast nếu thành công trong thương vụ IPO lần này sẽ là cú hích lớn để giới đầu tư quốc tế biết về TTCK Việt nam. Cũng như có thể sẽ là bước chuyển mình để đưa chứng khoán Việt nam thoát khỏi cái ao làng, cả đời chỉ quanh quẩn 1000-1200.
P/s: bài viết này không hề có ý định PR cho Vin, cũng như không có lợi ích liên quan đến các cổ phiếu thuộc họ này.
Bình luận