Vinatex với kỳ vọng hồi phục cùng ngành dệt may
Vinatex thuộc nhóm các doanh nghiệp đầu ngành, với quy mô doanh thu khoảng 16.000 tỷ đồng/năm. Do đó, triển vọng kinh doanh của tập đoàn gắn liền với triển vọng ngành dệt may trong năm 2021.
Sau những khó khăn do dịch COVID-19 gây ra, Tập đoàn Dệt may Việt Nam -Vinatex (mã chứng khoán: VGT) đang có cơ hội hồi phục sản xuất, kinh doanh nhờ yếu tố giá sợi tăng cao giúp mảng sợi của doanh nghiệp được hưởng lợi. Cùng với đó, mảng may của Vinatex cũng giảm được ảnh hưởng tiêu cực nhờ chủ động về nguyên vật liệu. Bên cạnh đó, các đơn hàng truyền thống phục hồi tạo động lực cho mảng may tăng trưởng.
*Doanh nghiệp đầu ngành
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), hiện có tới hơn 12.000 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực dệt may và Vinatex thuộc nhóm các doanh nghiệp đầu ngành, với quy mô doanh thu khoảng 16.000 tỷ đồng/năm. Do đó, triển vọng kinh doanh của tập đoàn gắn liền với triển vọng của ngành dệt may trong năm 2021.
Vào ngày 29/4/1995, Tổng Công ty Dệt may Việt Nam, tiền thân của Tập đoàn Dệt may Việt Nam được thành lập dựa trên việc sáp nhập các doanh nghiệp thuộc Tổng Công ty Dệt may Việt Nam và Liên hiệp sản xuất - xuất nhập khẩu May. Trải qua 26 năm hoạt động và phát triển, Tập đoàn Dệt may Việt Nam trở thành đại diện cho ngành dệt may, đóng vai trò chủ đạo trong việc định hướng, phát triển ngành dệt may.
Tập đoàn Dệt may Việt Nam hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực dệt may với hoạt động sản xuất kinh doanh trải rộng từ sản xuất sợi (sợi cotton và sợi nhân tạo), vải (vải dệt kim và vải dệt thoi) và may quần áo.
Với cấu trúc tập đoàn gồm công ty mẹ-con, Tập đoàn Dệt may Việt Nam có 33 công ty con cấp 1, cấp 2, cấp 3 và 34 công ty liên kết; trong đó, bao gồm nhiều công ty lớn trong ngành như: Tổng công ty cổ phần Phong Phú, Tổng công ty May Việt Tiến, Tổng công ty May 10...
Theo Vinatex, công suất sợi của tập đoàn là 155.000 tấn/năm; công suất vải dệt thoi đạt 170 triệu m/năm; công suất may đạt 352 triệu sản phẩm/năm.
Không chỉ vậy, Vinatex hiện đang sử dụng nhiều mảnh đất “vàng” tại trung tâm các thành phố lớn. Doanh nghiệp này hiện có tới 25 lô đất có diện tích từ vài chục đến vài chục nghìn m2.
Theo BSC, tuy hầu hết các lô đất tập đoàn đang sử dụng đều đang được thuê theo hình thức trả tiền hàng năm, nhưng tập đoàn vẫn có khả năng chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ văn phòng, nhà xưởng sang văn phòng trung tâm thương mại.
Về cơ cấu cổ đông, hiện nay, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vẫn nắm sở hữu chính tại Vinatex với tỷ lệ là 53,49%. Đáng chú ý, Tập đoàn Vingroup - cổ đông lớn của Vinatex từ năm 2014, đã thoái vốn thành công 25 triệu cổ phiếu VGT. Việc thoái vốn của Vingroup diễn ra sau khi tập đoàn này thay đổi chiến lược đầu tư.
Với việc bán thành công lượng cổ phiếu trên, Vingroup đã giảm lượng cổ phiếu nắm giữ tại Vinatex từ 50 triệu đơn vị còn 25 triệu đơn vị, tương đương 5% vốn điều lệ của Tập đoàn Dệt may Việt Nam.
* Kỳ vọng hồi phục
Các chuyên gia phân tích tại BSC kỳ vọng trong năm 2021, hoạt động kinh doanh của Vinatex sẽ hồi phục mạnh mẽ nhờ mảng sợi được hưởng lợi bởi làn sóng hàng hóa tăng giá. Bên cạnh đó, mảng may phục hồi nhờ các đơn hàng truyền thống quay lại và chuỗi cung ứng không bị đứt gãy.
Đầu năm 2021, một loạt hàng hóa tăng mạnh như dầu, cà phê, thép...; trong đó, sản phẩm sợi cũng chịu ảnh hưởng bởi làn sóng tăng giá này. Dù nguyên liệu đầu vào là giá bông thế giới cũng đang có xu hướng tăng, các doanh nghiệp làm sợi vẫn được hưởng lợi nhờ giá sợi tăng nhanh hơn.
Đồng thời, nguồn cung sợi trên thế giới dự kiến vẫn ở mức thấp trong khi nhu cầu nhập khẩu sợi từ Trung Quốc tăng cao có thể hỗ trợ việc xuất khẩu sợi của Việt Nam.
Tính đến hết tháng 4/2021, sản phẩm xơ, sợi xuất khẩu của Việt Nam có kim ngạch đạt 1,6 tỷ USD, tăng trưởng 44% so với cùng kỳ. Sản lượng xuất khẩu đạt 706.000 tấn, tăng 30% so với cùng kỳ. Giá xuất khẩu đạt 2,267 USD/tấn, tăng 14% so với cùng kỳ.
Với sản phẩm là các loại sợi, bao gồm sợi tự nhiên và sợi nhân tạo, mảng sợi của Vinatex được hưởng lợi từ việc giá bán tăng, đồng thời, các công ty thành viên thuộc Vinatex giảm ảnh hưởng tiêu cực bởi giá đầu vào tăng.
Trong khi đó, mảng may cũng được dự báo sẽ phục hồi nhờ các đơn hàng truyền thống quay lại và chuỗi cung ứng không bị đứt gãy.
Trong năm 2021, với kỳ vọng cuộc sống trở lại bình thường do các quốc gia đã có kinh nghiệm đối phó với dịch bệnh và việc tiêm vaccine đang được triển khai nhanh chóng, nhu cầu mua sắm của người dân sau một năm bị kìm nén sẽ tăng trưởng trở lại. Điều này giúp các hãng thời trang lạc quan hơn về triển vọng kinh doanh, từ đó tác động tích cực đến các đơn hàng may truyền thống tại các nhà máy may tại Việt Nam.
Thực tế cho thấy, hết tháng 4/2021, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam ước đạt 11,7 tỷ USD, tăng trưởng 13% so với cùng kỳ. Riêng tháng 4 tăng trưởng 48% so với cùng kỳ, với kim ngạch đạt 2,8 tỷ USD, do năm 2020 xuất khẩu hàng dệt may bị ảnh hưởng nặng bởi dịch COVID-19.
Năm 2021, BSC cho rằng các doanh nghiệp dệt may không gặp phải vấn đề nguồn nguyên liệu bị đứt gãy. Thực tế, do 63% giá trị nguyên vật liệu dệt may được nhập khẩu từ Trung Quốc nên khi dịch bệnh bùng phát đầu năm 2020, chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn đáp ứng đơn hàng.
Năm 2021, thương mại giữa hai quốc gia đã được cải thiện nhờ việc kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, đảm bảo nguồn nguyên phụ liệu được cung ứng liên tục, kịp thời.
Với những yếu tố thuận lợi, lợi nhuận của Vinatex đang có dấu hiệu hồi phục rất tích cực. Dù doanh thu quý I/2021 của Vinatex đạt 3.377 tỷ đồng, giảm 14,8% so với năm 2020, nhưng lợi nhuận tăng tới 28% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 200 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, VGT chốt phiên 22/6 có giá 19.500 đồng/cổ phiếu, tăng tới gần 90% so với phiên giao dịch đầu năm (4/1). Vốn hóa thị trường tại ngày 22/6 là 9.750 tỷ đồng./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận