Vinalines đặt mục tiêu lợi nhuận 0 đồng: Vẫn... khó đạt
Mức lợi nhuận 0 đồng trong năm 2019 vẫn là mục tiêu khó đạt đối với Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - đơn vị sắp triển khai bộ nhận diện thương hiệu mới với cái tên viết tắt là VIMC.
Lãi 0 đồng
Sau 2 tháng chờ đợi, công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) cũng đã được Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phê duyệt kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2019.
Vào đầu tuần trước, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã ký Quyết định số 137/QĐ - UBQLV, phê duyệt kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2019 của Vinalines trên cơ sở đề nghị của chính nhóm người đại diện phần vốn đang nắm hơn 99% vốn điều lệ tại tổng công ty này.
Vinalines cũng doanh nghiệp cuối cùng trong số 5 tổng công ty từng trực thuộc Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) được Ủy ban Quản lý vốn tại doanh nghiệp phê duyệt các chỉ tiêu kinh doanh - một trong những cơ sở quan trọng để đánh giá hoạt động của người đại diện phần vốn nhà nước, cũng như giám sát tài chính doanh nghiệp.
Theo Quyết định 137, nhiệm vụ quan trọng đầu tiên mà Vinalines được yêu cầu hoàn thành trong năm 2019 là phải hoàn thiện bộ máy, tổ chức và quản trị doanh nghiệp dưới mô hình công ty cổ phần; hợp nhất các doanh nghiệp cùng bộ nhận diện thương hiệu mới.
Cụ thể, Vinalines sẽ phải hoàn tất việc tổ chức Đại hội đồng cổ đông lần đầu để chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần sau khi đã tiến hành IPO vào tháng 9/2018. Hiện Vinalines tạm xác định sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông lần đầu vào ngày 24/6/2019, sau khi chốt danh sách cổ đông tham dự vào ngày 24/5/2019. Tại Đại hội này, Vinalines cũng sẽ phải hoàn thiện bộ máy với việc bổ nhiệm chính thức nhân sự Tổng giám đốc sau khi đã kéo dài việc “giữ” ông Nguyễn Cảnh Tĩnh ở chức vụ quyền Tổng giám đốc ròng rã gần 5 năm.
Nhiệm vụ quan trọng thứ hai mà Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp yêu cầu người đại diện phần vốn nhà nước tại Vinalines phải hoàn thành liên quan trực tiếp tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty mẹ. Theo đó, công ty mẹ Vinalines phải hoàn thành 3 chỉ tiêu kinh doanh chính trong năm 2019 là đạt sản lượng vận tải biển 4.670.000 tấn; doanh thu 1.549 tỷ đồng; lợi nhuận 0 đồng. Đây là mức thấp nhất trong số các tổng công ty giao thông hiện do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp quản lý.
Vinalines cũng được yêu cầu thực hiện kế hoạch đầu tư tối đa không quá 254 tỷ đồng (không bao gồm số tiền Tổng công ty phải hoàn trả để thu hồi 75,01% cổ phần tại Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn đã chuyển nhượng cho Công ty cổ phần Đầu tư khoáng sản Hợp Thành theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ).
Gánh nặng tái cơ cấu
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Tuấn Hải, Trưởng ban Truyền thông Vinalines cho biết, việc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phê duyệt kế hoạch vốn đầu tư của Vinalines tối đa không quá 254 tỷ đồng trong năm 2019 chỉ là giới hạn số vốn của công ty mẹ - Tổng công ty.
“Trên thực tế, kế hoạch vốn đầu tư hợp nhất của Vinalines rất lớn, lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, Vinalines đang hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con, nên các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh tập trung chủ yếu ở các công ty con”, đại diện Vinalines nói và nêu ví dụ, việc đầu tư bến cảng số 3, 4 cảng Lạch Huyện do CTCP Cảng Hải Phòng đảm nhiệm; đầu tư cảng Liên Chiểu do CTCP Cảng Đà Nẵng triển khai; hay đầu tư cảng Đình Vũ là của CTCP Vinalines Đình Vũ.
Ông Hải cho biết thêm, bản thân công ty mẹ - Tổng công ty không thực hiện đầu tư trực tiếp nhiều, vì vậy, hạn mức không quá 254 tỷ đồng chỉ là số tiền đầu tư mang tính chất nhỏ như khoản đầu tư tăng vốn của Tổng công ty tại các đơn vị thành viên, sửa chữa văn phòng, nâng cấp trang thiết bị, hệ thống cơ sở dữ liệu, phần mềm công nghệ thông tin.
Theo Báo cáo tài chính quý I/2019 của công ty mẹ - Vinalines, tính đến ngày 31/3/2019, có các khoản đầu tư tài chính dài hạn tại 18 công ty con với giá trị 9.236 tỷ đồng; 4 công ty liên doanh với giá trị 96 tỷ đồng và 11 công ty liên kết với giá trị 142,8 tỷ đồng.
Trong khi đó, một lãnh đạo Vụ Công nghệ và Hạ tầng (Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp) cho biết, đã cân nhắc rất kỹ khi chỉ yêu cầu Vinalines đạt mức lợi nhuận 0 đồng năm 2019, trong khi năm ngoái lợi nhuận trước thuế vẫn đạt 261 tỷ đồng.
Cụ thể, trong năm 2018, Bộ GTVT giao công ty mẹ - Vinalines đạt mức lợi nhuận là âm 800 tỷ đồng do sẽ phải thực hiện một loạt chương trình tái cơ cấu đội tàu, trong đó chấp nhận bán dưới giá thành nhiều tàu già để cắt lỗ. Tuy nhiên, do phần lớn chương trình này đã không thể hoàn thành nên khoản lỗ kế hoạch này sẽ dồn về năm 2019 và một số năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh trong quý I/2019 của công ty mẹ là rất đáng quan ngại khi lợi nhuận trước thuế âm 96,6 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh lỗ 110 tỷ đồng.
“Năm nay thị trường vận tải biển còn kém hơn năm 2018. Bên cạnh đó, mức độ cạnh tranh ngày càng lớn trên thị trường nội địa tiếp tục là những khó khăn đối với hoạt động vận tải biển”, lãnh đạo Vinalines đánh giá.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận