Vinaconex (VCG) kỳ vọng lãi ròng năm nay tăng 140%, muốn chào bán gần 120 triệu cổ phiếu
Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã cổ phiếu VCG) lên kế hoạch kinh doanh năm nay với mục tiêu lãi ròng tăng 140% so với năm 2023.
Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã cổ phiếu VCG - sàn HoSE) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, dự kiến được tổ chức vào ngày 24/4.
Theo đó, Vinaconex đặt mục tiêu doanh thu năm nay ở mức 15.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 950 tỷ đồng, lần lượt tăng 15% và 140% so với mức thực hiện của năm 2023.
Trong năm ngoái, doanh nghiệp này ghi nhận 12.965 tỷ đồng doanh thu và 396 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế; qua đó, chỉ hoàn thành được 79% mục tiêu doanh thu và 46% mục tiêu lợi nhuận.
Về mức cổ tức năm 2023, Hội đồng quản trị Vinaconex dự kiến trình cổ đông xem xét phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 12%. Tương ứng, cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu VCG sẽ được nhận thêm 12 cổ phiếu. Qua đó, vốn điều lệ của Vinaconex dự kiến sẽ tăng thêm hơn 641 tỷ đồng.
Bên cạnh việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, năm nay, Vinaconex cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Cụ thể, doanh nghiệp này dự kiến chào bán tối đa 119,7 triệu cổ phiếu với giá 10.500 đồng/cổ phiếu. Tỷ lệ thực hiện quyền là 5:1, tương ứng mỗi cổ đông sở hữu 05 cổ phiếu sẽ có quyền mua 01 cổ phiếu mới.
Toàn bộ số cổ phiếu sau khi chào bán sẽ không bị hạn chế chuyển nhượng. Nếu được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận, Vinaconex sẽ có thể thu về 1.197 tỷ đồng sau đợt chào bán này.
Trong một diễn biến có liên quan, Vinaconex vừa nhận được Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Đông Anh tại huyện Đông Anh, Hà Nội.
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu VCG của Vinaconex từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)
Dự án này có quy mô 299,45 ha với tổng vốn đầu tư hơn 6.338 tỷ đồng, gồm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 có quy mô 179,1 ha và giai đoạn 2 là 120,35 ha. Tính đến thời điểm hiện tại, đây là dự án bất động sản khu công nghiệp lớn nhất của Vinaconex.
Ngoài dự án Khu công nghiệp Đông Anh sắp triển khai, Vinaconex hiện đang quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc 2 tại Hà Nội với quy mô 270,8 ha và dự kiến triển khai dự án Cụm công nghiệp Sơn Đông tại thị xã Sơn Tây, Hà Nội với quy mô 72,5 ha vào quý 4/2024.
Theo báo cáo thường niên năm 2022 của Vinaconex, Khu công nghệ cao Hòa Lạc 2 có tỷ lệ lấp đầy 33%. Vinaconex hiện đặt mục tiêu hoàn thiện hạ tầng cơ bản tại khu vực này vào cuối năm 2024 nhằm thúc đẩy gia tăng tỷ lệ lấp đầy tại đây.
Đối với dự án Cụm công nghiệp Sơn Đông, Vinaconex dự kiến sẽ đưa vào khai thác giai đoạn 2025 - 2026.
Mặc dù chưa đưa vào hoạt động nhưng cụm công nghiệp này đã có 10 công ty, doanh nghiệp và 51 cơ sở sản xuất, cá nhân đã tổ chức đăng ký thuê mua sử dụng đất sản xuất trong cụm công nghiệp với diện tích khoảng trên 40 ha, đạt 100% diện tích đất công nghiệp của dự án (sau khi đã trừ phần đất công nghiệp thuộc Nhà máy Bê tông Sơn Tây).
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 5/4, thị giá cổ phiếu VCG đạt 24.800 đồng/cổ phiếu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận