Vinaconex 39 tiếp đà thua lỗ trong quý 3/2023, vốn chủ âm gần 87 tỷ đồng
Quý 3/2023, CTCP Vinaconex 39 (UPCoM: PVV) vẫn không tránh khỏi thực tế lỗ triền miên trong nhiều năm qua.
Theo BCTC quý 3/2023, doanh thu thuần trong kỳ của PVV chỉ đạt 2 tỷ đồng, giảm 76% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả không mấy khả quan này đến từ việc quý 3 năm nay PVV không ghi nhận bất kỳ đồng doanh thu nào từ các hợp đồng xây dựng. Chi phí lãi vay giảm 27%, còn 4.84 tỷ đồng. Kết quả PVV lỗ ròng 5.8 tỷ đồng, thấp hơn mức lỗ 7.6 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, PVV đạt doanh thu thuần 6.4 tỷ đồng, giảm 62% so với cùng kỳ; lỗ ròng 21.8 tỷ đồng, cao hơn mức lỗ 20.6 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước, kéo dài chuỗi thua lỗ liên tiếp kể từ năm 2016.
Nguồn: VietstockFinance
PVV từng trải qua thời hoàng kim ở giai đoạn 2009 - 2010, doanh thu tăng trưởng mạnh mẽ với hàng loạt hợp đồng thi công trọng điểm như tổng thầu xây lắp công trình bãi đỗ xe ngầm và dịch vụ thương mại Thành Công, tổng thầu xây lắp công trình khách sạn Lam Kinh (Thanh Hóa), đường vào nhà máy nhiệt điện Thái Bình, nhà máy polyester Đình Vũ (Hải Phòng), nhà máy nhiệt điện Vũng Áng, chung cư Phú Đạt (TPHCM), nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, Quốc lộ 21, Quốc lộ 3, cao tốc Láng - Hòa Lạc.
Trước đà thăng tiến, PVV đề ra chiến lược lấy nguồn thu từ hoạt động xây lắp để dồn lực sang lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, may mắn đã không đến với PVV khi thị trường bất động sản bước vào giai đoạn “đóng băng” khiến mọi thứ trở nên khó khăn. Năm 2012, PVV lần đầu tiên nếm mùi thua lỗ với việc lỗ ròng 48 tỷ đồng.
Khó khăn tiếp diễn và đến năm 2019, PVV bị hủy niêm yết bắt buộc trên HNX do thua lỗ ba năm liên tiếp với mức lỗ ròng 40.9 tỷ đồng năm 2016, lỗ ròng 34.3 tỷ đồng năm 2017 và lỗ ròng 51 tỷ đồng năm 2018. Sau khi bị hủy niêm yết bắt buộc trên HNX, ngày 03/06/2019, PVV đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn UCPoM với giá tham chiếu chỉ 500 đồng/cp.
Tính đến ngày 30/09, tổng tài sản của PVV đạt 598.7 tỷ đồng, không thay đổi nhiều với thời điểm đầu năm. Trong đó, khoản mục chiếm tỷ trọng cao nhất là các khoản phải thu ngắn hạn, đạt 328.1 tỷ đồng, chiếm 37%. Đáng chú ý, còn tồn động các khoản công nợ liên quan đến các công trình xây dựng đã tạm dừng thi công lâu ngày nhưng chưa được quyết toán như khoản công nợ với CTCP Tập đoàn Nam Cường, CTCP Xây lắp Dầu khí Thanh Hóa (UPCoM: PVH), Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (UPCoM: PVX)… Các khoản công nợ phải thu này phần lớn không được đối chiếu và đã quá hạn thanh toán từ nhiều năm trước, đối tượng khách hàng phải thu cũng đang trong giai đoạn khó khăn, mất khả năng thanh toán và có khả năng dừng hoạt động kinh doanh.
Về cơ cấu nguồn vốn, với tình tình liên tục lỗ, PVV đang âm vốn chủ sở hữu 86.7 tỷ đồng, khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm đến 411 tỷ đồng. Nợ phải trả của Công ty lên đến 970.8 tỷ đồng, trong đó 346.5 tỷ đồng chi phí phải trả ngắn hạn, chiếm 39.2% tổng nguồn vốn, phần lớn đến từ lãi vay phải trả. Các khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn đạt 234.7 tỷ đồng, chiếm 26.5% tổng nguồn vốn.
Kết phiên giao dịch 13/10/2023, cổ phiếu PVV đạt 1,500 đồng/cp, giảm hơn 64% so với thời điểm đầu năm 2023, thanh khoản bình quân gần 73 ngàn cp/ngày.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận