Vietravel dự báo lỗ lần đầu tiên sau nhiều năm trước tác động Covid-19, số hóa sẽ là bệ đỡ đến tương lai?
“Dưới tác động dịch Covid-19, toàn bộ chuỗi giá trị du lịch toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng”, Ban lãnh đạo CTCP Du lịch va Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam - Vietravel (UPCoM: VTR) mở đầu khi đề cập đến kế hoạch kinh doanh trong năm thử thách 2020.
Năm 2019 là một năm thành công của ngành du lịch Việt Nam khi lượt khách du lịch quốc tế tăng trên 16% lên con số 18 triệu lượt. Đây cũng là năm mà ngành hàng không Việt Nam có bước ngoặt lớn với việc đường bay thẳng sang Mỹ rộng mở, khi Cục Hàng không Liên bang Mỹ chính thức cấp chứng chỉ CAT 1 cho hàng không nước nhà và Chính phủ cũng có động thái nới lỏng điều kiện trong lĩnh vực hàng không.
Tuy nhiên, nhóm ngành công nghiệp không khói du lịch, hàng không bước sang năm 2020 với một dáng vẻ hoàn toàn khác.
Tổ chức Du lịch Thế Giới (UNWTO) ước tính lượng khách du lịch quốc tế sẽ giảm từ 60-80% trong năm nay. Qua đó, các hãng hàng không và du lịch không thoát những ảnh hưởng nặng nề.
UNWTO kỳ vọng ngành du lịch thế giới sẽ có dấu hiệu phục hồi vào quý 4/2020 và năm 2021. Trong đó, hướng du lịch nội địa sẽ khởi sắc nhanh hơn với các mục đích nghỉ ngơi, giải trí, thăm thân rồi sau đó đến các chuyến đi công vụ và du lịch kết hợp hội nghị.
Lãnh đạo Vietravel dẫn lời các chuyên gia, theo đó, trong trường hợp khống chế được dịch bệnh, các quốc gia châu Á, Âu và Mỹ lần lượt là những khu vực hồi phục chậm nhất đối với các loại hình du lịch kể trên.
Mô hình du lịch biệt lập: Du khách chỉ được phép tới các địa điểm đã chỉ định, phải hạn chế ra khỏi khu vực để tránh lây nhiễm. |
Hiện, các nguồn khách du lịch chủ chốt của Việt Nam như Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc đều là các quốc giá chưa ổn định về tình hình dịch bệnh. Lãnh đạo Vietravel lo ngại rằng nếu mở ra tuyến du lịch biệt lập có thể dẫn đến mất nguồn khách từ các nơi này trong tương lai.
Dù vậy, cũng có những thuận lợi cho ngành du lịch Việt Nam khi có tỷ trọng lớn về nguồn khách nội địa (chiếm gần 83% tổng lượt khách năm 2019) cũng như khách Trung Quốc, Hàn Quốc. “Đây có thể sẽ là nhóm khách đầu tiên phục hồi”, báo cáo được ký bởi Chủ tịch Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ nêu rõ.
Ngành du lịch có thể sẽ tiến hành kích cầu trở lại vào quý 3 năm nay. Trong giai đoạn đầu phục hồi, các nhóm ngành như dịch vụ nhà hàng, khách sạn và hàng không đều sẽ triển khai hàng loạt chương trình giảm giá để thu hút du khách.
Nhiều quốc gia đang có động thái mở cửa trở lại nhưng vẫn tiến hành các biện pháp kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ. Theo đó, Vietravel cho rằng các nước Đông Bắc Á sẽ được cấp lại visa và các đường bay đến Đông Nam Á cũng sẽ sớm mở cửa lại trong quý 3 này.
Tuy vậy, Tổng Cục Du lịch dự báo rằng khách du lịch nội địa sẽ chiếm 95% tổng lượt khách từ nay đến cuối năm 2020. Lãnh đạo Vietravel không lạc quan về viễn cảnh sinh lời trong năm nay, khi mất đi những dòng khách du lịch nước ngoài vốn được xem là những người chịu chi hơn. Hãng này dự báo doanh thu trong năm nay sẽ giảm 40% về mức hơn 3 ngàn tỷ đồng, và lần đầu tiên sau nhiều năm đón nhận một khoản lỗ (gần 23 tỷ đồng).
Trong một năm thử thách, Vietravel lên kế hoạch tái cấu trúc toàn bộ doanh nghiệp theo hướng ưu tiên duy trì đội ngũ nhân sự và phục hồi từng mảng kinh doanh nhanh nhất có thể.
Hãng du lịch được dẫn dắt bởi doanh nhân Nguyễn Quốc Kỳ muốn chuyển đổi hoạt động sang mô hình tập đoàn. Theo đó, các mảng lữ hành, hàng không, thương mại sẽ được tổ chức riêng rẽ về cơ cấu và mục tiêu. Trọng tâm kinh doanh chính là lĩnh vực vận tải hàng không và hệ sinh thái quanh đó, bao gồm vận tải hành khách, bán vé, đào tạo phi công, tiếp viên, vận chuyển hàng, thương mại mặt đất,…
Sự sụp đổ của Thomas Cook với mô hình cung cấp kỳ nghỉ trọn gói dựa vào việc sở hữu hãng hàng không, khách sàn và văn phòng rộng khắp là bài học và cũng là dấu hiệu cảnh báo đối với các công ty theo đuổi mô hình truyền thống tương tự.
Số hóa là một trong những bệ đỡ quan trọng nhằm đưa Vietravel vào tương lai. Hãng này cho biết đã số hóa toàn bộ dữ liệu của Công ty trong năm 2019, từ thông tin khách hàng, chứng từ, hóa đơn cho đến các báo cáo kinh doanh, kế hoạch,… Việc chuyển đổi toàn bộ hoạt động điều hành và quản trị sang nền tảng số có hạn chót là cuối năm 2020.
Đáng chú ý, hãng du lịch này có tham vọng xây dựng một mạng xã hội du lịch của riêng minh. Thông tin chi tiết chưa được tiết lộ tại báo cáo của Ban Tổng Giám đốc Công ty.
Tránh lãng phí nguồn lực khi mà doanh nghiệp đang “chảy máu” cũng là việc cần thực hiện. Vietravel dự kiến sẽ thu gọn một số đầu mối kinh doanh hoạt động không hiệu quả để tránh lãng phí nguồn lực. Trong đó, hãng này muốn giải thể 7 chi nhánh và các văn phòng tại vài khu vực.
Trước đó, trong năm 2019, thực tế là thị phần khách của Vietravel tại miền Bắc và miền Trung đã bị thu hẹp khi nhóm doanh nghiệp cùng ngành liên minh bán phá giá. “Công ty vẫn chưa có giải pháp hiệu quả đưa ra sản phẩm đột phá để chiếm lĩnh lại thị phần”, Ban lãnh đạo Vietravel thừa nhận.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận