Vietracimex hút hàng nghìn tỷ phát triển năng lượng tái tạo
Chỉ trong 6 tháng qua, các thành viên của Tổng công ty CP Thương mại Xây dựng (Vietracimex) đã liên tiếp hút về hàng nghìn tỷ đồng thông qua phát hành trái phiếu để đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo. Qua đó thể hiện tham vọng rất lớn của Vietracimex trong lĩnh vực này.
Thông tin từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, trong ngày đầu tháng 6, Công ty CP Năng lượng Hồng Phong 2 - một thành viên của Vietracimex - đã phát hành 6 lô trái phiếu có tổng giá trị 1.600 tỷ đồng. Cả 6 lô trái phiếu với ký hiệu HP2_BOND_2020 đều có kỳ hạn 6 năm, lãi suất cố định 10%/năm với 4 kỳ tính lãi đầu tiên và được thả nổi các kỳ sau đó.
Tài sản bảo đảm gồm: Quyền tài sản và tài sản hình thành trong tương lai của một số lô đất thấp tầng của Dự án Khu đô thị Kim Chung - Di Trạch tại xã Kim Chung và xã Di Trạch, huyện Hoài Đức; quyền tài sản và tài sản hình thành trong tương lai gắn liền với Dự án Nhà máy Điện mặt trời Hồng Phong 1B; toàn bộ cổ phần Công ty CP Năng lượng Hồng Phong 2 do các cổ đông đang sở hữu và một số tài sản khác.
Theo tìm hiểu, Công ty CP Năng lượng Hồng Phong 2 được thành lập vào tháng 3/2017 với vốn điều lệ 900 tỷ đồng. Trong đó, Vietracimex nắm giữ 96%, 4% còn lại được chia đều cho Công ty CP Điện Vietracimex Lào Cai và Công ty CP BOT Vietracimex 8. Hồng Phong 2 là chủ Nhà máy Điện mặt trời Hồng Phong 1B quy mô công suất 100 MW tại xã Hồng Phong, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận, đã hòa lưới điện quốc gia tháng 6/2019.
Vietracimex do ông Võ Nhật Thăng (sinh năm 1959) làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc và là người đại diện theo pháp luật. Vietracimex từng là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước (trực thuộc Bộ Giao thông vận tải). Sau khi cổ phần hóa, ông Võ Nhật Thăng đã thâu tóm 93,37% cổ phần doanh nghiệp này và lập ra nhiều công ty con.
Ngoài năng lượng tái tạo, Vietracimex còn là chủ đầu tư các dự án thủy điện như Nậm Mô 1 (công suất 90 MW, vốn 4.128 tỷ đồng), Mỹ Lý (công suất 180 MW, vốn 7.824 tỷ đồng), Đạ Dâng - Đạ Chomo (công suất 24 MW, vốn 653 tỷ đồng).
Tháng 4/2019, vượt qua Tổng công ty Phát điện 2 (EVNGenco 2), Liên danh Vietracimex - Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản) được Bộ Công Thương đề nghị Thủ tướng giao thực hiện Dự án Nhiệt điện Ô Môn II với công suất 750 MW, tổng mức đầu tư 26.310 tỷ đồng. Liên danh này thậm chí còn đề xuất điều chỉnh công suất lên 1.050 MW và tiến độ vận hành là năm 2023 - 2024.
Trước đó, vào đầu năm 2020, một thành viên khác do Vietracimex nắm giữ 96% vốn điều lệ là Công ty CP Năng lượng Hòa Thắng đã phát hành thành công lô trái phiếu có kỳ hạn 14 năm với giá trị 220 tỷ đồng. Hòa Thắng được biết đến là chủ Dự án Nhà máy Điện gió Hòa Thắng 1.2 được xây dựng tại xã Hòa Thắng và thị trấn Chợ Lầu, tỉnh Bình Thuận với công suất 100 MW.
Được biết, khu đất thực hiện Dự án Nhà máy Điện gió Hòa Thắng 1.2 có tổng diện tích sử dụng 45,41 ha. Trong đó, 42,28 ha chồng lấn diện tích rừng, đặc biệt có 23,61 ha rừng phòng hộ và 4,91 ha rừng sản xuất cần phải thực hiện trình tự, thủ tục xin chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, đất lâm nghiệp để có cơ sở thực hiện công tác xin giao đất, thuê đất và khởi công xây dựng Dự án.
Còn vào cuối năm 2019, Công ty CP Năng lượng Hồng Phong 1 đã huy động thành công 2.500 tỷ đồng thông qua phát hành trái phiếu, gồm 1 lô 2.150 tỷ đồng có kỳ hạn 15 năm và 1 lô 400 tỷ đồng có kỳ hạn 5 năm. Hồng Phong 1 được thành lập cùng với Hồng Phong 2 và là chủ đầu tư Dự án Điện mặt trời Hồng Phong 1A quy mô công suất 150 MW tại xã Hồng Phong, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. Nhà máy có tổng mức đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng này chính thức hòa lưới điện quốc gia tháng 6/2019. Hồng Phong 1 cũng do Vietracimex nắm giữ 96% cổ phần.
Chỉ tính riêng quy mô phát hành trái phiếu của 3 doanh nghiệp trên trong 6 tháng gần đây đã lên tới 4.320 tỷ đồng. Được biết, Vietracimex còn thành lập nhiều công ty khác trong ngành điện như Công ty CP Đầu tư và Xây dựng điện Long Hội, Công ty CP Năng lượng thế giới IEA…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận