Vietnam Airlines làm gì để cải thiện lỗ lũy kế?
Tái cơ cấu toàn diện nhằm gia tăng thu nhập, cải thiện dòng tiền, xóa lỗ lũy kế, tạo nguồn tiền đầu tư phát triển là nhiệm vụ trọng tâm đang được Vietnam Airlines tập trung đẩy mạnh thực hiện.
Tái cơ cấu toàn diện trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm gia tăng thu nhập, cải thiện dòng tiền, xóa lỗ lũy kế, tạo nguồn tiền đầu tư phát triển là nhiệm vụ trọng tâm đang được Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) tập trung đẩy mạnh thực hiện trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục có diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của toàn ngành hàng không.
Theo đó, năm 2021, Vietnam Airlines sẽ kiện toàn tổ chức các khối theo hướng tinh gọn bộ máy, giảm tầng nấc trung gian, tinh giản số lượng lao động thông qua tổ chức lại quy trình làm việc, thực hiện thuê ngoài đối với những lĩnh vực hoạt động không hiệu quả.
Cùng với đó, Vietnam Airlines sắp xếp lại quy trình sản xuất theo hướng chuyên môn hóa, tăng phân quyền, ủy quyền, phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trên cơ sở tăng cường kiểm tra. Qua đó, tối ưu sử dụng nguồn lực như: lao động, máy bay... nâng cao hiệu quả, cải thiện thu nhập của người lao động.
Giai đoạn 2021-2025, Vietnam Airlines đặt mục tiêu tái cơ cấu sở hữu vốn và tài chính; tái cơ cấu lại tài sản và các danh mục đầu tư; tái cơ cấu lại các hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm tinh gọn, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp với các nghiệp vụ bán hoặc bán và thuê lại (SLB) các tàu bay sở hữu. Đồng thời thoái một phần vốn hoặc toàn bộ vốn tại một số doanh nghiệp có hiệu quả hoạt động cao nằm trong chuỗi cung ứng dịch vụ vận tải hàng không…
Theo Báo cáo thường niên năm 2020 mới phát hành, năm 2020, Vietnam Airlines đã hoàn thành việc tái cơ cấu một số khoản vay nợ dài hạn, bán 3 máy bay cũ A321CEO theo định hướng về đổi mới đội máy bay, báo cáo cổ đông, cổ đông Nhà nước về giải pháp cho vay và phát hành cho cổ đông hiện hữu tăng vốn cổ phần. Hiện nay, Quốc hội và Chính phủ đã thông qua gói hỗ trợ tài chính của cổ đông Nhà nước cho Vietnam Airlines với quy mô 12.000 tỷ đồng. Dự kiến sau khi hoàn thành, Vietnam Airlines sẽ được bổ sung nguồn vốn vay 4.000 tỷ đồng và vốn cổ phần 8.000 tỷ đồng giúp khắc phục các khó khăn về thanh khoản và mất cân đối nguồn vốn.
Trước đó, Vietnam Airlines đã công bố Báo cáo tài chính quý I/2021 công ty mẹ và hợp nhất với con số giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Quý I/2021, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp công ty mẹ âm 4.564 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với quý I/2020.
Theo Vietnam Airlines, đại dịch COVID-19 tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng và trực tiếp đến ngành hàng không toàn cầu; trong đó có Tổng công ty Hàng không Việt Nam. Tốc độ giảm doanh thu cao hơn tốc độ giảm chi phí dẫn đến lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ giảm trên 2.793 tỷ đồng.
Vietnam Airlines lý giải thêm, lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý I/2021 giảm mạnh so với quý I/2020, ở mức âm 4.965 tỷ đồng. Ngoài nguyên nhân liên quan đến giảm lợi nhuận công ty mẹ, kết quả này còn do lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của các công ty con có liên quan đến dịch vụ hàng không giảm mạnh như Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Suất ăn hàng không Việt Nam (VACS), Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Dịch vụ mặt đất sân bay Việt Nam (VIAGS).../.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận