Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn với nhà đầu tư Hàn Quốc trong năm 2021
Chủ tịch Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KOCHAM) Kim Heung-Soo cho biết dù dịch bệnh hoành hành, nhưng doanh nghiệp Hàn Quốc dự kiến sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam trong năm 2021.
Trong cuộc phỏng vấn với Thanh Niên trước thềm đón Tết nguyên đán, Chủ tịch KOCHAM Kim Heung-Soo đánh giá cao cách chính phủ Việt Nam quyết liệt ứng phó đại dịch Covid-19, nhờ đó các doanh nghiệp Hàn Quốc dù gặp khó khăn nhưng vẫn có thể yên tâm hoạt động kinh doanh trong năm 2020. Tuy đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu, nhưng Hàn Quốc vẫn duy trì vị trí thứ nhất với tổng số vốn đầu tư tích lũy vào Việt Nam là 70,4 tỉ USD, theo số liệu của Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP.HCM.
-Xin ông cho biết các doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động ở Việt Nam gặp phải khó khăn gì trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19?
KOCHAM đại diện cho hơn 5.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư tại miền trung và nam Việt Nam. Hầu hết doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam đều là các công ty xuất khẩu. Do đó, họ phải đối mặt nhiều khó khăn hoặc nguy cơ phá sản vì việc xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu bị hạn chế vì Covid-19. Dù vậy, các công ty gặp khó khăn phải nỗ lực tái cơ cấu để tiếp tục tồn tại.
-Cách ứng phó dịch Covid-19 quyết liệt có phải là yếu tố giúp giữ chân doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam hay không?
Chính phủ Việt Nam đã cho phép các cuộc nhập cảnh đặc biệt đối với người Hàn Quốc, điều này phần nào giúp các công ty giải quyết bài toán thiếu nhân sự. Chính phủ Việt Nam nếu tiếp tục duy trì biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt và quyết liệt thì đó là nền tảng để các công ty Hàn Quốc tiếp tục đầu tư hoặc tái hoạt động.
-Hàn Quốc vẫn duy trì vị trí thứ nhất với tổng số vốn đầu tư tích lũy vào Việt Nam là 70,4 tỉ USD. Xin ông cho biết về xu hướng đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc trong năm 2021?
Mặc dù có nhiều nhà đầu tư, nhưng quy mô đầu tư năm 2020 đã giảm so với năm 2019 vì việc đi lại bị hạn chế. Dù vậy, lợi nhuận thặng dư quốc nội ở Hàn Quốc được gửi vào ngân hàng và đầu tư dự kiến sẽ tăng nếu lưu lượng lưu thông hàng hóa trở lại bình thường và tình dịch Covid-19 được kiểm soát trong năm 2021.
Bên cạnh đó, việc tăng lương quá mức trong ngành công nghiệp nhẹ, cùng tình trạng thiếu lao động có tay nghề là những yếu tố khiến các công ty mới của Hàn Quốc không thể đầu tư vào Việt Nam. Trong tương lai, chúng tôi kỳ vọng Việt Nam có thể đón làn sóng đầu tư mới từ các công ty thuộc những lĩnh vực công nghệ cao, kỹ thuật tiên tiến nhưng đòi hỏi phải có nguồn lao động chất lượng cao.
-Năm 2021 sẽ tiếp tục chứng kiến ngày càng nhiều doanh nghiệp dịch chuyển dây chuyền sản xuất sang Việt Nam hay không? Nếu có, thì thưa ông, lĩnh vực nào được dự báo sẽ đón nhiều dòng đầu tư vào Việt Nam?
Dự kiến sẽ có nhiều công ty chủ yếu từ ngành công nghiệp chế tạo sẽ du nhập và tôi nghĩ rằng tốc độ tăng trưởng của Việt Nam chỉ có thể đẩy nhanh khi công nghiệp sản xuất được ưu tiên hơn công nghiệp dịch vụ. Nếu chính sách tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động kinh doanh tiếp tục được cải thiện thì nhà đầu tư mới sẽ tin tưởng và tìm đến Việt Nam nhiều hơn.
-Việt Nam có thể tiếp tục giữ vững vị thế là quốc gia thu hút nhiều đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Hàn Quốc trong 2021?
Giá nhân công Việt Nam tất nhiên là rẻ hơn Hàn Quốc nhưng không hề thấp so với các nước lân cận hay Đông Nam Á. Tuy nhiên, xét trên các điều kiện khác nhau, Việt Nam vẫn có nhiều điểm mạnh để thu hút đầu tư so với các quốc gia trong khu vực. Nếu tốc độ cải thiện môi trường kinh doanh được đẩy nhanh hơn, cùng hệ thống thuế, thủ tục hải quan lẫn thủ tục hành chính được nâng cấp thì Việt Nam sẽ thu hút thêm nhiều nhà đầu tư hơn.
-Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RECP) sẽ mang đến những lợi ích gì cho các doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động hoặc muốn đầu tư, mở dây chuyền sản xuất ở Việt Nam?
RECP là một hiệp định thương mại tự do giữa 15 quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương bao gồm Úc, Brunei, Campuchia, Trung Quốc, Indonesia, Nhật Bản, Lào, Malaysia, Myanmar, New Zealand, Philippines, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan và Việt Nam. Đây là cộng đồng lớn nhất trong lịch sử chiếm khoảng 33% dân số thế giới, 30% GDP toàn cầu, 90% thuế nhập khẩu được xóa bỏ, với các quy tắc chung về thương mại điện tử, quyền thương mại cùng quyền sở hữu trí tuệ được thiết lập và quy tắc thống nhất về xuất xứ hàng hóa dự kiến sẽ thúc đẩy Chuỗi cung ứng toàn cầu. Đáng chú ý là chi phí xuất khẩu của toàn bộ khối RECP dự kiến sẽ giảm đáng kể, từ đó các công ty sẽ xuất khẩu dễ dàng hơn. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là khuôn khổ lớn nên cần có hướng dẫn chi tiết hơn để Việt Nam và Hàn Quốc có thể phối hợp phát triển và nhận được nhiều lợi ích hơn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận