menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Trần Phong

Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn và đầy hứa hẹn của dòng vốn ngoại

Chỉ số VN-Index sẽ còn chịu áp lực và biến động trong thời gian sắp tới, tuy nhiên nhiều cổ phiếu đã chiết khấu về vùng giá hợp lý để đầu tư trong trung và dài hạn.

Ông Kim Thiên Quang - CEO Maybank Investment Bank Việt Nam (MSVN) trao đổi với Mekong ASEAN về triển vọng thị trường chứng khoán năm 2023.

LẠM PHÁT SẼ LÀ ÁP LỰC CỦA NĂM 2023

Mekong ASEAN: Cảm nhận và đánh giá của ông ra sao về diễn biến thị trường chứng khoán Việt Nam một năm qua. Ở mức quanh 1.000 điểm, so với tình hình vĩ mô và triển vọng doanh nghiệp, ông cho rằng định giá VN-Index ở mức nào?

CEO Kim Thiên Quang: Việt Nam là thị trường chứng khoán tốt nhất trong khu vực trong năm 2021 nhưng cũng là thị trường mang lại nhiều thất vọng nhất trong năm 2022. Việc mất tới 40% giá trị trong quý 2 và quý 3 phần lớn là do áp lực thanh khoản từ thị trường trái phiếu và việc thắt chặt tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản và chứng khoán.

Thị trường trái phiếu và cổ phiếu là các kênh huy động vốn hiệu quả của doanh nghiệp và có tính liên thông. Trong đó, cổ phiếu là loại tài sản có tính thanh khoản cao, dễ dàng xử lý hơn, chính vì thế áp lực bán và thanh khoản trên thị trường chứng khoán sẽ ngày càng tăng cao khi thị trường trái phiếu đang gặp khủng hoảng.

Theo tôi, chỉ số VN-Index sẽ còn chịu nhiều áp lực và biến động trong thời gian sắp tới, tuy nhiên nhiều cổ phiếu đã chiết khấu về vùng giá hợp lý để đầu tư trong trung và dài hạn. Về ngắn hạn, việc bắt đáy và chốt lời nhanh trong giai đoạn này sẽ chỉ phù hợp với những nhà đầu tư dày dặn kinh nghiệm, hiểu rõ tình hình các doanh nghiệp, cũng như theo dõi sát sao diễn biến của thị trường để có được chiến lược lựa chọn cổ phiếu phù hợp.

Mekong ASEAN: Nhìn sang năm 2023, ông nhận định thế nào về tình hình vĩ mô thế giới và Việt Nam cũng như ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán? So với các nước trong khu vực, theo ông đâu là sự khác biệt và hấp dẫn của thị trường Việt Nam?

CEO Kim Thiên Quang: Năm 2023, Mỹ và khu vực EU, những đối tác thương mại lớn của Việt Nam, khả năng sẽ đối mặt với suy thoái kinh tế. Điều này sẽ làm ảnh hưởng nhất định về hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.

Nhìn theo hướng tích cực, thì tôi cho rằng suy thoái lần này theo đa số các nhà kinh tế, sẽ ở mức độ vừa phải, chứ không phải có hệ quả trầm trọng như giai đoạn 2008-2009. Mặt khác, do kinh tế Mỹ suy thoái nên tỷ giá đồng USD sẽ không có sự chênh lệch quá mức như năm 2022, từ đó giảm bớt áp lực mang tính cơ cấu lên tỷ giá đối với Việt Nam Đồng.

Như chúng ta đã thấy, do áp lực tỷ giá nên Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phải tăng lãi suất 2 lần trong giai đoạn cuối tháng 9 -10/2022. Lãi suất tăng ảnh hưởng trực tiếp đến triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp, cũng như ảnh hưởng đến thanh khoản và định giá trên thị trường chứng khoán. Vậy nên, việc áp lực tỷ giá hạ nhiệt sẽ giảm đi áp lực cho lãi suất.

Áp lực còn lại với lãi suất mà chúng ta cần theo dõi là “lạm phát”. Đây không phải là vấn đề của năm 2022, nhưng sẽ là một áp lực của 2023, ít nhất là nửa đầu năm 2023. Tôi cho rằng NHNN sẽ quan sát kỹ diễn biến lạm phát trong nửa đầu năm.

Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn và đầy hứa hẹn của dòng vốn ngoại

Về dài hạn, tôi cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam có nhiều điểm hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư. Đó là nền tảng kinh tế đang ở giai đoạn phát triển, định giá VN-Index ở mức 10x PE (sau đợt suy giảm mạnh vừa rồi)…

Đặc biệt, thị trường Việt Nam hiện mới chỉ là thị trường cận biên, nếu chúng ta được nâng hạng lên thị trường mới nổi (EM) thì làn sóng đầu tư của các quỹ sẽ gia nhập mạnh mẽ. Từ đó giúp thị trường Việt Nam được định giá lại, lên ngang bằng mức định giá của các thị trường trong khu vực, tầm 16-18x PE.

Hơn nữa, với việc có dòng tiền của nhà đầu tư tổ chức lớn, cơ cấu thị trường chứng khoán sẽ trở nên cân bằng hơn (giảm tỷ trọng của nhà đầu tư cá nhân từ mức hơn 85% hiện nay xuống dưới mức 50% như ở các thị trường khác), từ đó giúp thị trường vận hành dựa trên các yếu tố cơ bản, mức độ biến động sẽ không lớn như giai đoạn vừa qua.

Mekong ASEAN: Liên quan đến nhóm cổ phiếu bất động sản, ông đánh giá sao về diễn biến thị trường bất động sản thời gian qua? Khó khăn sẽ chỉ là nhất thời hay có thể mất nhiều thời gian để ổn định trở lại?

Trong quý 3/2022, tỷ lệ hấp thụ căn hộ ở TP HCM và Hà Nội chỉ đạt 55% lượng cung, thấp hơn nhiều so với mức 80-90% quý 3 các năm trước. Điều này một phần phản ánh lãi suất vay mua nhà tăng cùng với tín dụng ngân hàng vào lĩnh vực này bị thắt chặt.

Trong tháng 10, khi thị trường trái phiếu khủng hoảng, đặc biệt là trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản, chúng tôi thấy nhiều công trình xây dựng phải tạm dừng. Có khoảng 40.000 tỷ trái phiếu bất động sản đáo hạn trong tháng 12/2022 và khoảng 200.000 tỷ đáo hạn trong năm 2023. Đây là con số rất lớn và rất khó tìm ra nguồn thay thế trong bối cảnh khủng hoảng thị trường trái phiếu hiện nay.

Do đó, tôi cho rằng khó khăn cho thị trường bất động sản sẽ kéo dài ít nhất là đến nửa cuối 2023 khi áp lực tỷ giá và lạm phát giảm, cho phép NHNN có nhiều chính sách tiền tệ hỗ trợ hơn.

ĐỂ THU HÚT DÒNG VỐN NGOẠI ỔN ĐỊNH VÀ DÀI HẠN

Mekong ASEAN: Khối ngoại là nguồn lực hỗ trợ tích cực cho thị trường trong dài hạn. Ông đánh giá sao về hoạt động của khối này trên thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua? Diễn biến lạm phát và lãi suất liệu có phải tiếp tục sẽ là trở ngại cho dòng vốn này trong thời gian tới?

CEO Kim Thiên Quang: Chúng ta chứng kiến khối ngoại rút ròng mạnh nhất ở năm 2021, khi họ bán ròng tới 2.5 tỷ USD. Số lượng tiền nước ngoài quay lại Việt Nam trong năm 2022 vẫn chưa đáng kể so với con số rút ròng năm ngoái, và vẫn chủ yếu là tiền chảy qua các quỹ ETFs.

Các yếu tố lạm phát, lãi suất…. đã được phản ánh qua tỷ giá - tất nhiên là yếu tố mà nhà đầu tư nước ngoài sẽ cần quan tâm. Họ không thích việc đồng tiền nội tệ bị giảm giá quá mức, vì nó sẽ ảnh hưởng đến tỷ suất sinh lợi của họ khi quy đổi sang tiền ngoại tệ. Tuy nhiên, tôi cho rằng với triển vọng lạm phát, lãi suất như trình bày ở trên thì yếu tố này không quá đáng ngại.

Quỹ đầu tư lớn, quản lý chủ động và dài hạn chưa thực sự quay lại Việt Nam một cách mạnh mẽ. Lý do lớn nhất vẫn là việc thị trường Việt Nam chưa nằm trong phân loại thị trường mới nổi (EM) của FTSE hay MSCI.

Mekong ASEAN: Để thu hút dòng vốn ngoại ổn định và dài hạn, theo ông Việt Nam cần có các chính sách như thế nào? Các doanh nghiệp cũng cần thay đổi ra sao để hấp dẫn hơn nữa nhà đầu tư?

Điều kiện cần là chúng ta cần tiếp tục duy trì câu chuyện tăng trưởng vĩ mô và ổn định tỷ giá. Điều kiện đủ là chúng ta phải thực hiện quyết liệt các biện pháp để nâng hạng thị trường chứng khoán. Cụ thể sẽ là việc triển khai hệ thống giao dịch mới để đáp ứng một số tiêu chí còn tồn tại cho việc nâng hạng lên thị trường mới nổi bởi FTSE.

Để nâng hạng lên EM bởi MSCI, chúng ta cần xử lý câu chuyện về khả năng tiếp cận thị trường cho nhà đầu tư nước ngoài. Về mặt room cho khối ngoại, tôi thấy cơ chế NVDR là một giải pháp phù hợp. Thị trường Thái Lan đã áp dụng. NVDR đã được công nhận trong Luật Chứng Khoán năm 2021. Giờ chỉ là thực hiện các biện pháp cụ thể để triển khai. Đây là nhiệm vụ của phía cơ quan quản lý nhà nước.

Ở góc độ doanh nghiệp, việc công bố thông tin minh bạch và bình đẳng (ví dụ, công bố thông tin bằng tiếng Anh đầy đủ, kịp thời cho nhà đầu tư nước ngoài như việc công bố thông tin cho nhà đầu tư trong nước) là việc cơ bản cần thực hiện. Việc đầu tư phát triển bộ phận IR cũng rất cần thiết. Về lâu dài, tất nhiên là doanh nghiệp sẽ phải tiếp tục nâng tầm quản trị doanh nghiệp (Corporate Governance) của mình để đón nhận dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội, quản trị (ESG) và phát triển bền vững đang dần trở thành tiêu chí quyết định cho việc đầu tư của dòng vốn ngoại, đặc biệt là các quỹ đầu tư quốc tế. Theo đó, các doanh nghiệp niêm yết muốn tối ưu hóa lợi nhuận và thu hút dòng vốn ngoại, ngoài việc đáp ứng các tiêu chuẩn về ESG, cũng cần nâng cao hơn nữa việc công bố thông tin về ESG để giúp các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thông tin và dễ dàng đưa ra quyết định đầu tư.

Tuy nhiên, có một thực tế cần phải nhìn nhận là phần lớn các nhà đầu tư và doanh nghiệp hiện nay chỉ mới quan tâm nhiều đến chỉ số tài chính, mà “xem nhẹ” các yếu tố ESG, trong khi đây là những tiêu chí ảnh hưởng lớn đến rủi ro hoạt động của doanh nghiệp. Theo khảo sát của chúng tôi, các doanh nghiệp trong khu vực tiên phong chú trọng đầu tư phát triển bền vững được kỳ vọng là điểm đến đầu tư hấp dẫn.

Trong báo cáo nghiên cứu của chúng tôi dựa trên 190 doanh nghiệp trên 6 thị trường lớn của khu vực ASEAN-6, chúng tôi nhận thấy rằng những doanh nghiệp có xếp hạng ESG cao hơn - được đo lường bởi phân tích bền vững đã tạo ra lợi nhuận vượt hơn so với chỉ số MSCI all country ASEAN Index 8,4% so với cùng kỳ năm trước.

Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần phải chú trọng vào việc xây dựng chiến lược ESG trong quá trình phát triển để thu hút được nguồn vốn đầu tư dài hạn trong thời gian tới. Bởi vì Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn và hứa hẹn của dòng vốn ngoại.

Mekong ASEAN: Xin cảm ơn ông!

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Mã liên quan
Giá
Biểu đồ

1,284.09

-6.09 (-0.47%)

Biểu đồ mã VN-INDEX
1 Yêu thích
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại