menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Trương Huy Hoàng

Việt Nam trước cơ hội nghìn tỷ USD từ vùng Vịnh

Thu hút nguồn vồn từ mạng lưới quỹ đầu tư nghìn tỷ USD của vùng Vịnh có thể tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế Việt Nam hậu đại dịch Covid-1

Các quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) vốn được biết đến là “rốn dầu” của thế giới, với trữ lượng dầu mỏ và khí đốt khổng lồ mang lại nguồn thu chính trong nhiều thập kỷ vừa qua.

Song đó chưa phải là tất cả. Các nước GCC còn nổi tiếng về thế mạnh đầu tư ra nước ngoài thông qua các Quỹ đầu tư công trực thuộc Chính phủ (Sovereign Wealth Fund – SWF). Đầu tư của các quốc gia vùng Vịnh vào các ngành phi dầu lửa ở nước ngoài được đánh giá là một chính sách đúng đắn. Nó góp phần chuyển đổi nguồn thu tài nguyên thiên nhiên (dầu lửa và khí đốt), vốn là tài sản hữu hạn được tạo hoá ban cho, trở thành tài sản bền vững cho người dân nhiều thế hệ sau.

Các nước vùng Vịnh đã triển khai các hoạt động đầu tư ra nước ngoài từ khá sớm và đang đẩy mạnh những năm gần đây. Sau khi Kuwait thành lập SWF đầu tiên trên thế giới năm 1953, các quốc gia khác trong khu vực dần triển khai mô hình tương tự, tạo nên mạng lưới SWF với số vốn khổng lồ như Cơ quan đầu tư Abu Dhabi của UAE (696 tỷ USD), Cơ quan đầu tư Kuwait (592 tỷ USD), Quỹ SAMA của Saudi Arabia (505 tỷ USD), Quỹ đầu tư công (PIF) của Saudi Arabia (320 tỷ USD), Cơ quan đầu tư Qatar (320 tỷ USD) và Quỹ dự trữ Oman (22 tỷ USD).

Theo thống kê của một số định chế tài chính quốc tế, tổng số vốn của các SWF vùng Vịnh đã lên đến 2000 tỷ USD, chiếm 40% tổng tài sản các SWF toàn cầu. Chỉ riêng trong giai đoạn 2011-2020, các quỹ này đã đầu tư ra nước ngoài hơn 150 tỷ USD.

Nắm bắt để thành công

Với nguồn tiền dồi dào từ dầu mỏ, chính phủ các quốc gia vùng Vịnh, thông qua các quỹ đầu tư nói trên đã đẩy mạnh đầu tư sang các lĩnh vực khác như bất động sản, bất động sản du lịch, cơ sở hạ tầng (sân bay, cảng biển…), năng lượng, công nghiệp, tài chính - ngân hàng, công nghệ, bán lẻ… tại nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là tại Mỹ, các nước châu Âu và Nhật Bản. Các SWF vùng Vịnh sở hữu hoặc có cổ phần lớn trong nhiều tập đoàn, thương hiệu nổi tiếng thế giới như Boeing, Facebook, Uber, Marriott, Citigroup, Barclays, Morgan Stanley…

Bên cạnh đó, các SWF này cũng được biết đến với hình thức đầu tư gián tiếp (Foreign Indirect Investment – FII). Theo đó, tiền đầu tư được rót vào các quỹ đầu tư khác (thường là tại phương Tây), rồi sau đó tiếp tục được đầu tư vào nước thứ ba. Đây là hình thức khá phổ biến, và đã được thực hiện tại Việt Nam.

Năm 2020, khi thị trường chứng khoán Mỹ giảm 30%, các SWFs vùng Vịnh đã đầu tư 14,7 tỷ USD vào Mỹ, tăng 120% so với các năm 2018 và 2019. Mới đây, Công ty Đầu tư Mubadala thuộc sở hữu của chính quyền thành phố Dubai (UAE) đã ký Thoả thuận đầu tư trị giá 1,1 tỷ USD vào lĩnh vực y tế ở Anh. Trước đó, vào năm 2008, các quỹ này cũng đã đầu tư 12 tỷ USD vào Mỹ.Theo một số chuyên gia tài chính, với lợi thế về nguồn vốn, các SWF vùng Vịnh đã tận dụng tốt những giai đoạn khó khăn của nền kinh tế toàn cầu như cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 – 2009, hay trong đại dịch Covid-19 hiện nay để đẩy mạnh đầu tư, mua lại cổ phần của các tập đoàn, công ty lớn trên thế giới.

Những khoản đầu tư trên đã mang lại lợi nhuận khổng lồ cho các quốc gia vùng Vịnh, giúp họ giảm thiểu thiệt hại do khủng hoảng kinh tế và giá dầu thấp. Theo thống kê của Tổ chức xếp hạng tín dụng Fitch Ratings, tổng tài sản ở nước ngoài của các SWF từ UAE, Kuwait và Qatar đủ để trang trải chi tiêu công của các nước này trong vòng từ 5-8 năm. Bên cạnh đó, những khoản tiền này cũng góp phần hỗ trợ nền kinh tế của các nước được đầu tư trong giai đoạn khủng hoảng.

Những năm gần đây, nhiều nước vùng Vịnh đã đưa ra chiến lược kinh tế dài hạn như Tầm nhìn 2030 của Saudi Arabia, Tầm nhìn kinh tế Abu Dhabi của UAE, Tầm nhìn Oman 2040, Tầm nhìn Kinh tế Bahrain 2030…

Những chính sách này đều đặt mục tiêu cải tổ nền kinh tế theo hướng đa dạng hoá nguồn thu, giảm phụ thuộc vào dầu lửa, trong đó đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài là một cấu phần quan trọng. Đây là bước đi cần thiết nhằm chuẩn bị cho một “kỷ nguyên hậu dầu lửa”.

Việt Nam trước cơ hội nghìn tỷ USD từ vùng Vịnh
Các SWF vùng Vịnh sở hữu hoặc có cổ phần lớn trong nhiều tập đoàn, thương hiệu nổi tiếng thế giới, trong đó có Facebook.(Nguồn: AFP)

Động lực tiềm năng

Nhiều quốc gia đã hưởng lợi từ nguồn vốn dồi dào và nhu cầu đầu tư ra nước ngoài vào các lĩnh vực phi dầu mỏ lớn của các SWF vùng Vịnh hơn một thập niên qua. Tuy nhiên, Việt Nam chưa nằm trong số đó.

Điều này càng trở nên đáng tiếc hơn khi những năm gần đây, quan hệ giữa Việt Nam với các nước Trung Đông nói chung, vùng Vịnh nói riêng không ngừng được củng cố và phát triển, ngày càng đi vào chiều sâu với nhiều lĩnh vực khác nhau, từ chính trị - ngoại giao, thương mại, lao động, du lịch, giao lưu nhân dân…

Hợp tác về đầu tư giữa Việt Nam với các SWF vùng Vịnh còn hạn chế. Đến nay, mới chỉ có một số hoạt động hợp tác có tầm cỡ được biết đến. Đơn cử là Quỹ Đầu tư chung Việt Nam – Oman, thành lập năm 2009 với 2 đối tác là Cơ quan đầu tư Oman (OIA) và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước Việt Nam (SCIC). Một ví dụ khác là Ngân hàng quốc gia Qatar (QNB), một trong những tổ chức tài chính hàng đầu Trung Đông – Bắc Phi, do Cơ quan đầu tư quốc gia Qatar nắm 50% cổ phần, đã mở Văn phòng đại diện tại TP. Hồ Chí Minh từ năm 2015.

Trước đây, đại diện một số SWF vùng Vịnh đã vào Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác, tập trung vào các lĩnh vực như bất động sản, bất động sản du lịch, xây dựng cơ sở hạ tầng…. Song đến nay, chưa có dự án trực tiếp nào được triển khai thành công.

Tình trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, cả chủ quan lẫn khách quan, chủ yếu là do hai bên còn thiếu thông tin về thị trường của nhau.

Do đó, đẩy mạnh hơn nữa khuyến khích đầu tư, thu hút nguồn vốn từ các SWF vùng Vịnh là điều cần thiết, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.Trong những năm qua, Việt Nam được biết đến là một quốc gia ổn định về chính trị, với nền kinh tế có độ mở và tốc độ phát triển cao, thị trường tiềm năng với gần 100 triệu dân, lực lượng lao động trẻ, tay nghề cao, có hệ thống giao thông thuận lợi cho phát triển sản xuất và giao thương với khu vực. Chính phủ cũng có nhiều chính sách mới, tạo hành lang thông thoáng cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Để đạt mục tiêu này, hai bên cần tăng cường tổ chức các hoạt động tiếp xúc, quảng bá đầu tư, giúp các doanh nghiệp, địa phương Việt Nam có cơ hội tiếp cận, cung cấp thông tin về thị trường đầu tư, lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu cho các SWF vùng Vịnh. Quan trọng hơn, sự chủ động, sáng tạo, nỗ lực của chính các địa phương và doanh nghiệp cần song hành với sự hỗ trợ của các bộ, ngành.

Hy vọng rằng với nhu cầu và quyết tâm của hai bên, thời gian tới, các nhà đầu tư GCC, trong đó có những SWF lớn trong khu vực sẽ biết nhiều hơn về thị trường Việt Nam, lựa chọn mảnh đất hình chữ S là điểm đến đáng tin cậy.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả