24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hoài Thơ
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Việt Nam tiếp tục tìm nguồn​ cung ứng than tiềm năng

Việc đa dạng hoá và tìm nguồn cung ứng than tiềm năng là yêu cầu cấp thiết của Việt Nam hiện nay.

Việt Nam đang trong quá trình đẩy mạnh sản xuất, khôi phục phát triển kinh tế hậu đại dịch COVID-19 nên nhu cầu lớn về nguồn nguyên nhiên vật liệu; trong đó, có than. Vì vậy, việc đa dạng hoá và tìm nguồn cung ứng than tiềm năng là yêu cầu cấp thiết của Việt Nam hiện nay.

Thông tin này được Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đưa ra tại buổi làm việc với Ngài Mpetjane Kgaogelo Lekgoro, Đại sứ nước Cộng hòa Nam Phi tại Việt Nam ngày 2/4 tại trụ sở Bộ Công Thương.

Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, bất chấp dịch COVID-19, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Nam Phi vẫn duy trì ổn định ở mức trên 1,39 tỷ USD. Đặc biệt, Nam Phi hiện là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại châu Phi. Hai bên còn rất nhiều tiềm năng, dư địa tăng cường kim ngạch thương mại song phương trong thời gian tới.

Đánh giá cao năng lực khai thác và xuất khẩu than của Nam Phi qua việc sản xuất gần 260 triệu tấn than năm 2020; trong đó, xuất khẩu chiếm khoảng 30%, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Đại sứ Nam Phi hỗ trợ giới thiệu, kết nối các đối tác tiềm năng của Nam Phi trong lĩnh vực than, khoáng sản với các doanh nghiệp lớn của Việt Nam.
Cụ thể như: Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Đông Bắc… để ký kết hợp đồng, đưa các chuyến hàng than về Việt Nam ngay trong tháng 4, tháng 5 tới.

Hầu hết các loại than do Nam Phi sản xuất là than có chất lượng tốt, quy chuẩn kỹ thuật phù hợp với công nghệ của các nhà máy nhiệt điện than và các ngành sản xuất của Việt Nam.

Việt Nam tiếp tục tìm nguồn​ cung ứng than tiềm năng
Quang cảnh buổi tiếp. Nguồn: Bộ Công Thương

Bộ trưởng cũng cho biết, tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam và Nam Phi cùng nhiều quốc gia đã có những cam kết mạnh mẽ đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050. Do đó, từ nay đến 2050, hai bên còn nhiều cơ hội để tích cực phát triển hợp tác trong hoạt động thương mại than.
Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng mong muốn hai bên xem xét, sớm thống nhất thời gian ký kết Biên bản ghi nhớ giữa hai Chính phủ về hợp tác trong lĩnh vực khoáng sản giữa hai nước.

Bộ trưởng tin tưởng rằng việc ký kết thành công Biên bản ghi nhớ MOU sẽ tạo khuôn khổ đẩy mạnh hợp tác không chỉ trong lĩnh vực khoáng sản mà còn góp phần phát triển kim ngạch thương mại song phương.

Bên cạnh vấn đề tìm nguồn cung than từ Nam Phi, Bộ trưởng cũng xác định những trọng tâm khác cần tập trung thúc đẩy với thị trường này trong năm 2022, bao gồm tổ chức Kỳ họp lần thứ 5 Ủy ban thương mại hỗn hợp Việt Nam - Nam Phi; thúc đẩy đưa hàng xuất khẩu của Việt Nam vào hệ thống siêu thị tại Nam Phi; hợp tác công nghiệp giữa hai nước trong việc khai khoáng, luyện kim, dệt may, phân bón…

Việt Nam tiếp tục tìm nguồn​ cung ứng than tiềm năng
Đại sứ Nam Phi tại Việt Nam Ngài Mpetjane Kgaogelo Lekgoro. Nguồn: Bộ Công Thương

Ghi nhận các vấn đề Việt Nam quan tâm, Đại sứ Mpetjane Kgaogelo Lekgoro khẳng định, Nam Phi luôn coi trọng và mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác thương mại, năng lượng và khoáng sản với Việt Nam.
Đại sứ cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương Việt Nam và các cơ quan hữu quan trong nước để thúc đẩy giải quyết các vấn đề Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề xuất.

Ngay sau cuộc họp hôm nay, Đại sứ sẽ về nước công tác và sẽ trao đổi ngay với Bộ Tài nguyên và Khoáng sản Nam Phi về nội dung cung ứng than cho Việt Nam cũng như hỗ trợ kết nối doanh nghiệp xuất nhập khẩu than của hai nước.

Ngoài ra, Đại sứ Mpetjane Kgaogelo Lekgoro cũng đề nghị phía Việt Nam tạo thuận lợi để một số mặt hàng có thế mạnh của Nam Phi có thể tiếp cận thị trường Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cảm ơn sự quan tâm, hỗ trợ của Đại sứ Nam Phi tại Việt Nam và đề nghị các cơ quan hữu quan của hai nước tiếp tục trao đổi, thảo luận để tạo điều kiện cho các mặt hàng có thế mạnh của mỗi nước có thể tiếp cận thị trường của nhau. Điều này nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch thương mại trong thời gian tới./.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả