24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Đỗ Mỹ Hà
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Việt Nam sẽ có 1,5 triệu doanh nghiệp vào 2025

Hi vong sẽ đạt được mục tiêu này.

Một nghị quyết mới về phát triển doanh nghiệp (DN) giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2030 vừa được Chính phủ giao Bộ KH&ĐT chủ trì xây dựng.

Theo đó, VN đặt mục tiêu sẽ có 1,3 - 1,5 triệu DN vào năm 2025, trong đó có 15 - 20 DN tư nhân có vốn hóa đạt trên 1 tỉ USD.

Với khoảng 810.000 DN tính đến năm 2020, để đạt mục tiêu trên, tốc độ tăng trưởng số lượng DN trong 5 năm tới phải đạt 12 - 14%/năm, tính ra mỗi năm sẽ có thêm 100.000 - 150.000 DN.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được nếu thúc đẩy quá trình chuyển đổi hàng triệu hộ kinh doanh thành DN.

Sẽ có chính sách đột phá hỗ trợ DN

Dù mục tiêu đến năm 2020 cả nước có 1 triệu DN hoạt động được Chính phủ đề ra trong nghị quyết 35 (NQ35) vẫn chưa đạt được, nhưng các chuyên gia cho rằng việc triển khai hàng loạt giải pháp hỗ trợ phát triển DN thời gian qua đã tạo lập một môi trường kinh doanh thuận lợi, mang đến làn sóng khởi nghiệp và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Trong báo cáo gửi Thủ tướng mới đây, Bộ KH&ĐT cho biết trong giai đoạn 2016 - 2019 tốc độ tăng số lượng DN bình quân cả nước đạt 10,5%/năm, gấp hai lần giai đoạn 2011 - 2015.

Đến cuối năm 2020, cả nước có khoảng 810.000 DN đang hoạt động. Các địa phương được ghi nhận có số DN tăng nhanh nhất cả nước là An Giang (tăng 55%), Kiên Giang (tăng 80%), Bạc Liêu (tăng 105%), TP.HCM (tăng 53%)...

Giải thích về việc không đạt mục tiêu 1 triệu DN vào năm 2020, Bộ KH&ĐT cho rằng từ năm 2016, việc đề ra mục tiêu có 1 triệu DN hoạt động vào năm 2020 là một thách thức lớn bởi đến năm 2015 cả nước chỉ có khoảng 442.400 DN đang hoạt động. Nếu tính lũy kế số DN thành lập mới trong 5 năm vừa qua, đến cuối năm 2020 cả nước có hơn 1 triệu DN.

Tuy nhiên, số DN đóng cửa, rút lui khỏi thị trường tăng mạnh nên không đạt mục tiêu 1 triệu DN hoạt động như Chính phủ đã đề ra trong NQ35. Đặc biệt, từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch COVID-19 bùng phát, số DN giải thể, đóng cửa liên tục tăng mạnh.

Trong 10 tháng năm 2020 có khoảng 111.200 DN đăng ký thành lập mới nhưng cũng có tới 85.600 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, dừng hoạt động, chờ giải thể, làm thủ tục phá sản.

Số liệu của Bộ KH&ĐT cũng ghi nhận đến năm 2020 trên thị trường chứng khoán có 13 DN tư nhân có vốn hóa trên 1 tỉ USD. Tốc độ tăng trưởng các DN quy mô vừa và lớn 5 năm vừa qua đạt khoảng 4-5%, các DN này đang tạo nhiều việc làm và đóng góp lớn cho ngân sách.

Số liệu từ Ủy ban Chứng khoán nhà nước cho biết tính đến năm 2020, khoảng 30 mã chứng khoán có vốn hóa trên 1 tỉ USD, trong đó có 13 DN tư nhân. Để phát triển các DN có quy mô vừa và lớn, đóng vai trò dẫn dắt nền kinh tế, thời gian tới Chính phủ sẽ ban hành các chính sách đột phá hỗ trợ phát triển DN theo hướng tạo ra các sản phẩm thương hiệu quốc gia, khẳng định thương hiệu hàng Việt trên thị trường quốc tế.

Việt Nam sẽ có 1,5 triệu doanh nghiệp vào 2025

Nhiều dư địa để phát triển DN

Trao đổi với chúng tôi, ông Tô Hoài Nam - phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa VN (VINASME) - cho hay mục tiêu có từ 1,3 - 1,5 triệu DN vào năm 2025 không hề tham vọng.

Theo ông Nam, dù chất lượng DN là vấn đề quan tâm hàng đầu nhưng nếu không có đủ số lượng DN đủ lớn thì sẽ không hình thành "lực lượng" DN đủ lớn để tạo chuyển biến trong nền kinh tế.

"Mục tiêu này cũng cho thấy quyết tâm của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương trong phát triển đội ngũ DN, đặc biệt các DN có quy mô lớn trên 1 tỉ USD" - ông Nam nói.

Tuy nhiên, ông Tô Hoài Nam cho rằng để đạt được mục tiêu tăng từ 500.000 - 700.000 DN trong 5 năm tới, cần tạo ra một môi trường kinh doanh tốt. Theo đó, phải loại bỏ được rào cản thủ tục hành chính trong mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước với DN, giảm chi phí tuân thủ của DN trong hoạt động đầu tư kinh doanh.

"Cần giảm mạnh chi phí không chính thức, làm khó DN, khuyến khích người dân muốn kinh doanh ở địa vị pháp lý là DN", ông Nam khuyến cáo.

Cùng quan điểm này, một chuyên gia kinh tế nhận định nền kinh tế đã mở ra nhiều thị trường xuất khẩu rộng lớn, có tiềm năng như EU, khu vực các nước tham gia CPTPP, khu vực RCEP... nhưng số DN tham gia xuất khẩu chưa đủ lớn để tận dụng tối đa lợi thế từ hội nhập. Đây là dư địa để phát triển DN trong 5 năm tới.

Trong khi đó, theo ông Vũ Tiến Lộc - chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), nếu vẫn làm theo cách hiện nay, mục tiêu này sẽ khó đạt được.

"Thực tế VN đang có gần 6 triệu DN rồi chứ không chỉ có 810.000 DN đang hoạt động trong nền kinh tế như số liệu thống kê công bố" - ông khẳng định.

Theo ông Lộc, nhiều nước có quan điểm rằng bất cứ cá nhân nào có hoạt động đầu tư, kinh doanh có mục đích tìm kiếm lợi nhuận đều được coi là DN. Hệ thống đăng ký thành lập DN và đóng thuế của họ cực kỳ đơn giản đến mức ai cũng có thể thực hiện được.

Cho đến nay, VN có khoảng 5,4 triệu hộ kinh doanh, phần lớn trong số này đã là DN rồi. "DN tư nhân là cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh cũng là những cá nhân kinh doanh nên về bản chất hộ kinh doanh cũng là các DN", ông Lộc nói.

Việt Nam sẽ có 1,5 triệu doanh nghiệp vào 2025
Nhiều hộ kinh doanh vẫn chưa mặn mà với việc chuyển lên doanh nghiệp do lo tăng thêm gánh nặng chi phí - Ảnh: T.T.D.

Tăng quy mô, sức cạnh tranh của DN

Cũng theo ông Vũ Tiến Lộc, với tốc độ tăng trưởng cao nhiều năm qua nhưng nền kinh tế chỉ có 810.000 DN đang hoạt động là điều chưa hợp lý. Hơn nữa, theo các số liệu thống kê, hơn 800.000 DN chỉ đóng góp 10% GDP, trong khi khu vực hộ kinh doanh đóng góp tới 30% GDP.

"Nếu tính theo quan niệm phổ biến của các nước, VN phải có gần 6 triệu DN, tương đương 15 - 20 người dân/DN" - ông Lộc khẳng định, đồng thời cho rằng do chưa tạo đột phá trong pháp luật về DN nên những nỗ lực chuyển hộ kinh doanh thành DN không đạt kết quả như kỳ vọng.

Dù khẳng định tỉ lệ DN/số dân của VN đang tương đương với các nước nhưng ông Lộc cho rằng chất lượng, sức cạnh tranh của DN có vấn đề. Đặc biệt, khu vực hộ kinh doanh còn thiếu minh bạch, năng lực cạnh tranh thấp, không thực hiện được các chuẩn mực về kinh doanh.

"Không phải chúng ta có quá ít DN mà đang có ít DN minh bạch, có hiệu quả cao, quản lý theo chuẩn mực. Do đó, điều quan trọng nhất hiện nay là phải tăng quy mô, chất lượng DN", ông Lộc khẳng định.

Theo ông Tô Hoài Nam, việc yêu cầu những DN siêu nhỏ cũng phải tuân thủ quy định như các DN lớn là chưa hợp lý, làm tăng gánh nặng chi phí nên không hộ kinh doanh nào muốn chuyển sang mô hình DN.

Khảo sát của VINASME cũng cho thấy hàng triệu hộ kinh doanh chưa chuyển sang mô hình DN do lo ngại phải bỏ nhiều chi phí tuân thủ quy định pháp luật liên quan như các quy định về kế toán, thuế, bảo hiểm và đặc biệt là hoạt động thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng.

"Nhiều hộ kinh doanh cho rằng nếu chuyển lên thành DN sẽ tốn chi phí tuân thủ nhiều hơn, nặng nề hơn. Nếu loại bỏ những trở ngại này thì sẽ có nhiều hộ kinh doanh muốn chuyển thành DN hơn", ông Nam nhấn mạnh.

Trong thực tế, theo các chuyên gia, các quy định về quản lý hộ kinh doanh hiện rất lỏng lẻo nhưng quản lý DN lại quá chặt chẽ, kể cả DN siêu nhỏ, dẫn tới chi phí tuân thủ quy định của DN quá lớn.

Đây là lý do khiến hàng triệu hộ kinh doanh không muốn chuyển thành DN dù có doanh thu từ hàng trăm đến hàng ngàn tỉ đồng.

"Cần quản lý hộ kinh doanh như một cá nhân kinh doanh, như một loại hình DN tối giản. Cơ chế quản lý với loại hình DN này phải hết sức thông thoáng, để DN tự khai báo theo chế độ kế toán đơn, ghi chép đơn giản, thực hiện chế độ thuế khoán với DN siêu nhỏ" - một chuyên gia nói, đồng thời đề xuất không áp dụng chế độ thanh tra, kiểm tra đối với DN quy mô quá nhỏ trừ khi xảy ra vấn đề ảnh hưởng lớn đến xã hội.

Không thể "ép" hộ kinh doanh lên DN

Theo ông Phan Đức Hiếu - phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, con số hơn 5 triệu hộ kinh doanh là con số cộng dồn, trong khi số hộ kinh doanh thực sự khai thuế, nộp thuế chỉ khoảng 2 triệu hộ, còn lại hàng triệu hộ kinh doanh không thuộc diện khai, nộp thuế.

Việc hàng triệu hộ kinh doanh có doanh thu lớn không chuyển sang hoạt động theo mô hình DN, theo ông Hiếu, là quyền của những hộ kinh doanh này. Nhà nước cũng không thể bắt hộ kinh doanh chuyển thành DN vì việc lựa chọn kinh doanh theo mô hình nào là quyền của họ, miễn sao họ cảm thấy phù hợp cho hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả