menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Vũ Mai Xuyên

Việt Nam phải mua lượng gạo "khổng lồ" để làm gì?

Là nước xuất khẩu gạo lớn nhất nhì thế giới, nhưng khoảng vài năm gần đây Việt Nam vẫn phải nhập khẩu gần 1 triệu tấn gạo từ Ấn Độ, Campuchia...

Gạo nhập khẩu tăng đột biến

Theo Bộ Công Thương, sản lượng lúa gạo hằng năm của Việt Nam tương đối dồi dào, đảm bảo an ninh lương thực, dự trữ quốc gia và dành một lượng nhất định cho xuất khẩu. Hằng năm, Việt Nam dành khoảng 6 - 6,5 triệu tấn gạo cho xuất khẩu gạo. Do vậy, khi xây dựng nghị định số 107 của Chính phủ thì hoạt động nhập khẩu gạo không thuộc phạm vi điều chỉnh khi nghị định này được ban hành vào năm 2018.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho hay, dù có gạo chất lượng cao hơn được dành cho xuất khẩu, nhưng trước tác động của các yếu tố khách quan và chủ quan, Việt Nam đã nhập khẩu một số loại gạo để phục vụ các nhu cầu trong nước. Dẫu vậy, Bộ này cũng nhìn nhận, việc nhập khẩu gạo dù để phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh trong nước nhưng với lượng tăng mạnh như đã diễn ra trong năm 2021, cùng với việc chưa được quản lý, thống kê đầy đủ, kịp thời có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất trong nước.

“Cụ thể, việc nhập khẩu sẽ làm ảnh hưởng đến sản xuất lúa gạo, sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất bia, rượu, sản xuất các sản phẩm từ gạo như bún, bánh… tạo cạnh tranh với sản phẩm trong nước, tác động đến đời sống của người sản xuất và có thể gián tiếp ảnh hưởng đến an ninh lương thực, an ninh kinh tế - xã hội”, Bộ Công Thương cho hay.

Do vậy, Bộ này vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi Nghị định 107 về kinh doanh xuất khẩu gạo, nhấn mạnh việc cần có quy định về quản lý nhập khẩu gạo, để chủ động điều hành hoạt động này. Bộ Công Thương nhấn mạnh, việc cần có quy định về quản lý nhập khẩu gạo để giúp cơ quan quản lý Nhà nước chủ động, kịp thời điều tiết, điều hành hoạt động nhập khẩu gạo phù hợp với mục tiêu quản lý trong từng thời kỳ.

Trên cơ sở đó, tại dự thảo sửa đổi Nghị định 107, Bộ Công Thương đã bổ sung quy định về quản lý nhập khẩu gạo. Cụ thể, khi xuất hiện lượng gạo nhập khẩu tăng có nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất trong nước, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ áp dụng biện pháp quản lý nhập khẩu. Cùng với đó, Tổng cục Hải quan có trách nhiệm thống kê, cập nhật gửi Bộ Công Thương theo định kỳ tháng, quý, năm hoặc đột xuất theo yêu cầu.

Trong trường hợp lượng gạo nhập khẩu tăng cao ảnh hưởng đến sản xuất trong nước, Tổng cục Hải quan có trách nhiệm báo cáo chi tiết Bộ Công Thương về số lượng gạo nhập khẩu theo các tiêu chí: số lượng, trị giá, chủng loại, thị trường, khách hàng xuất khẩu, thương nhân nhập khẩu; cửa khẩu nhập khẩu và đề xuất biện pháp quản lý phù hợp... Do đó, dự thảo sửa đổi nghị định 107 sẽ tập trung vào tám vấn đề, nhằm tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý đủ mạnh để khắc phục các tồn tại, bất cập phát sinh, định hướng hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác điều hành xuất khẩu, đảm bảo mục tiêu xuất khẩu bền vững.

Vì sao phải nhập khẩu gạo?

Nói về tình trạng gạo nhập khẩu về Việt Nam tăng mạnh trong thời gian gần đây, ông Nguyễn Văn Đôn - Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng cho biết trên Tiền Phong, rằng: “Hiện, nước ta tập trung trồng các giống lúa chất lượng cao để tăng giá trị xuất khẩu, như giống lúa thơm ST, OM hay các loại đặc sản… Tuy nhiên, nhiều thị trường châu Phi, Trung Đông, Philippines, Trung Quốc… chỉ thích nhập nhiều loại gạo trắng thông dụng như IR 50404. Vì thiếu hụt nguồn cung nên các công ty Việt Nam sang Campuchia mua, hợp tác thuê đất trồng lúa rồi thu hoạch đem về Việt Nam chế biến, xuất khẩu, đặc biệt trong bối cảnh nguồn cung từ Việt Nam giảm sút”.

Nhìn nhận về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Phước Thành IV - cho biết, nhu cầu gạo cấp thấp trong nước là rõ ràng, để làm bánh, bún, chế biến thức ăn chăn nuôi… Dòng gạo này được sản xuất phổ biến và năng suất tốt tại Ấn Độ, nhưng giá rất thấp, tương tự như lúa IR50404 của Việt Nam được trồng nhiều trước đây. “Đối với dòng gạo khô như IR50404, giai đoạn trước năm 2015 Việt Nam trồng nhiều nhưng rất khó bán nên các bộ ngành khuyến cáo chuyển sang trồng lúa chất lượng cao. Khi người dân chuyển dần sang phân khúc chất lượng cao thì gạo cấp thấp lại thiếu, nếu có trồng cũng giá rẻ nên nông dân bỏ dòng gạo này, nên phải nhập khẩu”, ông Thành cho hay.

Dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế, ông Vũ Vinh Phú trao đổi với Thị trường Việt Nam, chúng ta nhập khẩu gạo để bù đắp những loại gạo thông thường phục vụ cho chăn nuôi và dành gạo chất lượng để xuất khẩu, việc sửa Nghị định 107 rất thỏa đáng. Tuy nhiên, trong quá trình đó cần chú ý điều hòa, nhập gì, xuất gì phải tính toán, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các Bộ: Công thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và 63 tỉnh, thành phố có sản xuất nông nghiệp. Quan trọng là thủ tục không phiền hà, nhanh chóng và hiệu quả thiết thực.

Bàn về giải pháp khắc phục tình trạng nói trên, ông Nguyễn Văn Thành đề xuất rằng, có thể áp thuế để hạn chế nhập khẩu gạo, đồng thời cơ cấu lại sản xuất trong nước theo hướng, tại các vùng lúa 3 vụ chất lượng cao kém hiệu quả thì chuyển sang trồng trở lại lúa cấp thấp để bù cho sản lượng gạo phải nhập khẩu, cân bằng lại các phân khúc gạo, đáp ứng nhu cầu trong nước.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại