Việt Nam mới là đối thủ sản xuất thực sự của Ấn Độ
Nếu Ấn Độ muốn gầy dựng ngành sản xuất máy tính và thiết bị điện tử vững mạnh, họ phải nhanh chóng thay đổi cách tiếp cận. Thay vì tập trung vào thị trường nội địa, họ nên hướng tới cạnh tranh trong khu vực và đẩy mạnh xuất khẩu. Với suy nghĩ đó, Việt Nam mới là đối thủ lớn nhất của Ấn Độ, chứ không phải Trung Quốc.
Cách đó không lâu, Mỹ kêu gọi Ấn Độ tạo môi trường kinh doanh dễ dàng hơn và minh bạch hơn nếu không muốn đánh mất dòng vốn FDI. Giảm thuế nhập khẩu nên được ưu tiên trong danh sách hành động, Đại sứ Mỹ tại Ấn Độ Eric Garcetti phát biểu trước Phòng Thương mại Ấn-Mỹ hôm 30/01.
Theo ông Garcetti, nếu đánh thuế nguyên liệu đầu vào thì cũng đồng nghĩa với việc đánh thuế với thành phẩm đầu ra. “Bạn không đánh thuế chúng tôi, cũng không bảo vệ thị trường. Những gì bạn đang làm chỉ là hạn chế thị trường”, ông nói.
Một ngày sau đó, chính quyền Ấn Độ lập tức giảm hàng rào thuế quan với hàng loạt linh kiện nhập khẩu, bao gồm vỏ pin, ống kính, ăng-ten và các bộ phận cơ khí từ 15% xuống 10%. Xét về thời điểm, trông có vẻ Ấn Độ đang làm theo yêu cầu của phía Mỹ, nhưng nhiều khả năng chỉ là sự trùng hợp và thậm chí còn có thể là Washington đã biết trước điều đó.
Trước đó, Mỹ liên tục thúc giục các nhà lãnh đạo nước ngoài mở cửa thị trường nước họ và tạo điều kiện kinh doanh cho các công ty quốc tế. Không chỉ Mỹ, Nhật Bản cũng làm thế. Hồi tháng 7/2023, Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi “yêu cầu hợp tác để cải thiện môi trường đầu tư” trong chuyến viếng thăm tới Ấn Độ, trong đó bao gồm cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Nhiều quốc gia như Mỹ, Nhật Bản và Australia – đều thuộc thành viên của Bộ tứ Kim cương (Quad) – muốn tạo điều kiện để đất nước đông dân nhất thế giới thành công, với hy vọng xây dựng một công xưởng thay thế cho Trung Quốc. Thông qua góc nhìn này, tất cả các bên đều xem sự trỗi dậy của công xưởng sản xuất Ấn Độ như một tình huống có lợi cho đôi bên (win-win).
Tại thời điểm này, Ấn Độ hiện nhận được nhiều khoản đầu tư từ nước ngoài, nhưng họ không hề chiếm thế thượng phong trong xu hướng dịch chuyển khỏi Trung Quốc vì các công ty không chỉ đầu tư vào mỗi Ấn Độ.
Trong tháng trước, Foxconn Technology Group thông báo sẽ chi 100 triệu USD để xây dựng nhà máy mới ở Việt Nam. Mexico, Thái Lan, Indonesia và Cộng hòa Séc cũng đang gấp rút thu hút thêm nguồn tài trợ để xây dựng chuỗi cung ứng về máy tính và thiết bị điện tử.
Hầu hết quốc gia đều đưa ra các chính sách ưu đãi để thu hút nhà đầu tư, có thể kể tới như ưu đãi thuế, tạo lập khu thương mại tự do hoặc khu công nghiệp chuyên biệt, giảm giá sử dụng tiện ích như nước và điện và cam kết cung ứng lao động. Tuy vậy, Ấn Độ lại khác biệt ở khía cạnh áp thuế nhập khẩu. Quốc gia này áp thuế nhập khẩu rất cao, từ đó thôi thúc các công ty thiết lập nhà máy ở Ấn Độ để cung ứng cho người tiêu dùng nước này, nhưng lại khiến hàng hóa của Ấn Độ trở nên kém cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu.
Chính sách “Sản xuất ở Ấn Độ” (Make In India) do chính quyền Modi khởi xướng từ 10 năm trước dường như đã đạt được mục tiêu đề ra. Chính phủ Ấn Độ nâng thuế với các sản phẩm sản xuất, từ đó thôi thúc các công ty như Foxconn và Pegatron mở rộng hoạt động ở Ấn Độ để né thuế.
Tuy vậy, theo Bloomberg, thành công ban đầu này dễ khiến Ấn Độ lầm tưởng, vì sản xuất ở Ấn Độ để bán cho người Ấn về cơ bản là không khả thi. Hãy nhìn vào trường hợp của Trung Quốc, nước này có hơn 1 tỷ người dùng điện thoại thông minh (smartphone), nhưng chỉ riêng thị trường nội địa thì không đủ để duy trì chuỗi cung ứng thiết bị điện tử lớn và phức tạp. Phần lớn những gì sản xuất ở Trung Quốc đều được xuất khẩu.
Để Ấn Độ thành công, họ cần phải bắt đầu nhìn ra bên ngoài nhiều hơn. Điều này có nghĩa họ phải hiểu rằng môi trường đầu tư và kinh doanh ở Ấn Độ không hề có tính cạnh tranh. Một nghiên cứu cho thấy khoảng 85% mức thuế nhập khẩu áp lên lĩnh vực thiết bị điện tử của Ấn Độ đều cao hơn so với Trung Quốc, Mexico, Thái Lan và Việt Nam.
Phần lớn thuế nhập khẩu của Ấn Độ trong lĩnh vực thiết bị điện tử đều cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh
Ấn Độ do đó phải hiểu rằng môi trường kinh doanh nước họ không tốt hơn so với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực như Việt Nam. Để thành công trong chiến lược “Sản xuất ở Ấn Độ”, họ cần giải quyết vấn đề về môi trường kinh doanh. Bước đầu tiên có thể là loại bỏ các hàng rào thuế quan.
*Bài viết thể hiện quan điểm của Tim Culpan trên Bloomberg Opinion
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FILI
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận