Việt Nam khó đi ngược dòng chảy tăng lãi suất của thế giới?
Tại cuộc họp báo tổng kết nhiệm vụ năm 2022 - định hướng năm 2023 ngành ngân hàng, đại diện NHNN nhận định: Xu hướng lãi suất quốc tế còn tăng, Việt Nam khó đi ngược dòng chảy chung của thế giới.
Nhìn lại hoạt động điều hành trong năm 2022, Ngân hàng Nhà nước khẳng định, trong suốt 8 tháng của năm đã giữ nguyên các mức lãi suất điều hành trong bối cảnh lãi suất thế giới tăng nhanh. Trên thế giới, từ đầu năm 2022 đến nay, có tổng cộng 340 lượt tăng lãi suất trên toàn cầu. Áp lực lạm phát trong nước gia tăng. Từ tháng 9/2022, lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã liên tục điều chỉnh nhanh, mạnh lãi suất điều hành và dự báo còn tiếp tục tăng, đồng USD lên giá mạnh, gia tăng áp lực lên mặt bằng lãi suất và tỷ giá trong nước, tạo sức ép lên lạm phát.
Về kế hoạch điều hành chính sách tiền tệ trong năm 2023, TS. Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết: "Việc giảm lãi suất trong năm 2023 là nỗ lực rất lớn, chúng tôi sẽ cố gắng tham mưu với ban lãnh đạo NHNN duy trì ổn định mặt bằng lãi suất thị trường, tiết giảm chi phí để có điều kiện, năng lực tài chính giảm cho các đối tượng khách hàng mục tiêu, phù hợp với khẩu vị kinh doanh của các ngân hàng thương mại trong thời gian tới. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt của ngành ngân hàng".
"Bước vào năm 2023 có rất nhiều khó khăn tác động, tuy nhiên theo tinh thần chỉ đạo chung của Chính phủ, chúng tôi xác định định hướng điều hành trên tinh thần điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng, hỗ trợ nền kinh tế, hỗ trợ lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế, đảm bảo những mục tiêu Chính phủ đã đặt ra. Trong lĩnh vực lãi suất, đảm bảo hỗ trợ những lĩnh vực là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế" - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết.
Năm 2023, NHNN sẽ triển khai quyết liệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”. Trong đó, đẩy mạnh xử lý nợ xấu; tăng cường thanh tra và nâng cao hiệu quả giám sát an toàn vĩ mô và vi mô; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý đối với các TCTD...
Bên cạnh đó,NHNN cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm góp phần kiểm soát lạm phát khoảng 4,5%, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng; điều tiết tiền tệ hợp lý, điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận