24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Bùi Anh Thơ
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Việt Nam đã viết nên câu chuyện thành công về kinh tế

Trong 46 năm từ khi thống nhất đất nước năm 1975, Việt Nam đã vượt qua muôn vàn khó khăn để đạt nhiều thành tựu quan trọng và đang đặt mục tiêu trở thành quốc gia phát triển vào 2045.

Việt Nam đã viết nên câu chuyện thành công về kinh tế
Ông Raymond Mallon là chuyên gia kinh tế cao cấp đã sống tại Việt Nam từ năm 1991

Nhiều nhà quan sát nước ngoài cho rằng, Việt Nam đã viết nên một câu chuyện thành công lớn trong phát triển kinh tế từ năm 1975. Từ việc được coi là một trong những đất nước nghèo nhất trên thế giới, Việt Nam đã nỗ lực rất nhiều trong giảm nghèo và trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, với những kết quả đáng nể về y tế và giáo dục.

Đảng Cộng sản Việt Nam đã thực hiện mô hình phát triển kinh tế kế hoạch tập trung cho đất nước vào năm 1976, với trọng tâm là phát triển khu vực kinh tế nhà nước, tập thể hóa nông nghiệp và không phát triển doanh nghiệp tư nhân.

Thời đó và cho đến hàng thập kỷ sau, Việt Nam đã gặp nhiều khó khăn do nguồn lực hạn chế, bất ổn kinh tế, thiếu thốn lương thực và không có đầu tư tư nhân, trong khi bị Hoa Kỳ cấm vận kinh tế, không được các tổ chức nước ngoài hỗ trợ phát triển.

Tuy nhiên, thời đó cũng có một số thử nghiệm về phân cấp trong quá trình cải cách kinh tế đầu những năm 1980, nhắm vào một số ưu đãi trong sản xuất theo cơ chế thị trường. Việc thử nghiệm này đã giúp chứng minh rằng, cải cách kinh tế có thể cải thiện đời sống nhân dân.

Dù nền kinh tế còn nhiều khó khăn, Việt Nam đã có thể phát triển một hệ thống tương đối công bằng và hiệu quả đối với các dịch vụ giáo dục và y tế công cho người dân. Những cải thiện tạo ra trong phát triển năng lực con người đã giúp đặt nền móng cho những cải cách kinh tế thành công sau này.

Việc phân phối tương đối công bằng đất nông nghiệp ở thời gian đầu của quá trình cải cách là rất quan trọng, vì giúp đảm bảo những lợi ích chung, hỗ trợ và đẩy mạnh cải cách.

Đổi mới và hội nhập

Tình hình kinh tế đã rất khó khăn khi sự nghiệp đổi mới chính thức được công bố và áp dụng từ năm 1986, với sự thiếu thốn lương thực, tỷ lệ nghèo cao, siêu lạm phát và bất ổn kinh tế vĩ mô. Những dòng chảy kinh tế bên ngoài từ các nước trong khối cộng sản Đông Âu đã dần thoái trào, với sự tan rã của Liên Xô.

Sự nghiệp Đổi mới được đẩy mạnh vì quá trình cải cách đòi hỏi việc “học thông qua làm” và vì việc xây dựng đồng thuận sâu rộng là rất cần thiết trước khi đảm bảo được sự hỗ trợ cho việc thực hiện cải cách.

Những cải cách ban đầu chủ yếu bao gồm việc cho phép nông dân sử dụng đất nông nghiệp để canh tác trên quy mô lớn hơn và cho phép bán nông sản ra thị trường. Những hạn chế về hoạt động bán lẻ quy mô nhỏ của tư nhân cũng dần được bãi bỏ. Trọng tâm về phát triển ngành trước đây đã chuyển từ công nghiệp nặng sang nông nghiệp thâm dụng lao động, sản xuất và dịch vụ. Những cải cách này ngay lập tức đã tạo ra nguồn cung tích cực với nhiều lương thực hơn và tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao hơn.

Các chương trình ổn định kinh tế vĩ mô thành công vào cuối thập kỷ 1980 và đầu thập kỷ 1990 là vô cùng quan trọng đối với việc cải thiện đời sống nhân dân và đảm bảo hơn cho việc huy động đầu tư trong nước và nước ngoài vào các hoạt động kinh doanh.

Những cải cách về thuế và ngân sách thực hiện từ cuối thập kỷ 1980, cùng với sự gia tăng trong hỗ trợ phát triển từ bên ngoài, đã giúp làm tăng ngân sách, tập trung nhiều hơn vào chi tiêu công nhằm cung cấp các dịch vụ công và kết cấu hạ tầng tốt hơn cho người dân.

Sau khi Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ra đời vào năm 1987 và sau khi một số cải cách về thương mại được áp dụng, đầu tư nước ngoài (ĐTNN) và thương mại đã tăng rất mạnh. Cuối thập kỷ 1990, tỷ trọng thương mại và ĐTNN trong GDP đã cao tương đối so với các nước cùng trình độ phát triển. Những tỷ trọng này đã tiếp tục tăng trong 2 thập kỷ qua.

Hoa Kỳ đã bãi bỏ sự phản đối vào năm 1993 đối với sự hỗ trợ cho Việt Nam của các định chế tài chính đa phương như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Phát triển châu Á. Hoa Kỳ cũng đã nới lỏng cấm vận thương mại đối với Việt Nam vào năm 1994. Những động thái này đã giúp tạo nhiều cơ hội về thu hút đầu tư và mở rộng thương mại của Việt Nam.

Ngoài ra, Việt Nam đã chủ động theo đuổi hội nhập kinh tế và thương mại quốc tế thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA) từ thập kỷ 1990. Việt Nam gia nhập ASEAN năm 1995 và Khu vực Thương mại tự do ASEAN là bước ngoặt quan trọng trong phát triển kinh tế ở Việt Nam, tăng cường vị thế của đất nước trong khu vực.

Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007, ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) năm 2019 và ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) năm 2020. Việt Nam cũng đã ký các FTA song phương với nhiều nước, đáng chú ý là Liên minh châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Việc phát triển các mối liên kết về kinh tế đối với bên ngoài đã giúp tăng cường sự cạnh tranh và đẩy mạnh các dòng công nghệ, bí quyết và ý tưởng, bên cạnh việc gia tăng về vốn và tiếp cận các thị trường quốc tế. Số lượng người Việt Nam ra nước ngoài du lịch và làm ăn cũng ngày càng tăng, giúp tăng cường việc học hỏi các ý tưởng.

Pháp luật về doanh nghiệp trong những năm cuối thập kỷ 1990 và đầu thập kỷ 2000, cũng như những cải cách liên quan đã tạo ra bước ngoặt quan trọng dẫn tới sự dần nổi lên của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước. Trước khi những cải cách này được thực hiện, những rào cản có tính quan liêu đã gây khó khăn đối với doanh nghiệp tư nhân trong việc phát triển về quy mô - một sự cần thiết để có thể hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài và cải thiện sức cạnh tranh trên các thị trường quốc tế.

Từ những năm 2000, Chính phủ Việt Nam đã tập trung vào việc dỡ bỏ các rào cản thương mại và kinh doanh. Các luật liên quan đến kinh doanh được sửa đổi theo định kỳ và các thủ tục hành chính và quan liêu dần được giảm thiểu. Chính phủ cũng thường tham vấn với khu vực doanh nghiệp và các bên liên quan nhằm nhận diện các rào cản. Việc này vô cùng quan trọng vì các doanh nghiệp phải đối mặt với sức ép cạnh tranh lẫn nhau.

Kết quả là, sản lượng, việc làm tạo ra và xuất khẩu của khối doanh nghiệp tư nhân đã tăng nhanh hơn so với khu vực kinh tế nhà nước và khu vực nước ngoài trong những năm gần đây. Trong hơn một năm qua, dù dịch bệnh đã ảnh hưởng đáng kể đến khu vực tư nhân trong nước, nhưng tăng trưởng khu vực tư nhân nói chung vẫn được dự báo sẽ hồi phục mạnh kể từ năm 2021.

Trở thành nước phát triển?

Việt Nam đang gần, hoặc vượt các mức độ của đất nước phát triển khi nói đến các chỉ số giáo dục và y tế. Tuy vậy, vẫn có những khoảng cách lớn về thu nhập đầu người trung bình so với các nước phát triển và ở những lĩnh vực như môi trường sống của con người.

Việc thu hẹp những khoảng cách như vậy không hề dễ dàng, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều thách thức như biến đổi khí hậu, dịch bệnh và già hóa dân số. Sự đô thị hóa nhanh cần được kiểm soát tốt nhằm cải thiện môi trường sống ở các khu vực đô thị và nông thôn. Đổi mới sáng tạo công nghệ toàn cầu liên quan đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ tạo ra nhiều cơ hội và rủi ro.

Tăng trưởng năng suất trên quy mô lớn được duy trì sẽ là rất cần thiết cho việc đạt được mức độ thu nhập trung bình của đất nước phát triển. Việc đẩy nhanh tiến bộ trong đào tạo nghề, giáo dục phổ thông, cơ hội học tập suốt đời… sẽ rất quan trọng đối với việc đẩy mạnh tăng trưởng trong năng suất lao động.

Việc thu hẹp khoảng cách năng suất giữa việc làm chính thức và phi chính thức, giữa phụ nữ và đàn ông, giữa các vùng đô thị và nông thôn và giữa các khu vực kinh tế khác nhau trong nền kinh tế cũng có thể đẩy mạnh tăng trưởng, tạo ra nhiều lợi ích hơn đối với những nhóm người dễ bị tổn thương và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế công bằng hơn.

Việc duy trì những nỗ lực tăng cường sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước cũng rất cần thiết. Các nhà hoạch định chính sách nên tiếp tục phối hợp với cộng đồng doanh nghiệp, người lao động, các nhà giáo dục và các cộng đồng dân cư nhằm nhận diện và giải quyết các điểm nghẽn. Việc đổi mới nỗ lực là cần thiết nhằm giảm thiểu tham nhũng hơn nữa.

Việc so sánh sự phát triển của Việt Nam với các nước lân cận được coi là công cụ tốt đối với các cơ quan của Chính phủ trong việc chịu trách nhiệm tạo ra những thay đổi tích cực. Cách tiếp cận này cần được mở rộng đến các lĩnh vực chính sách ưu tiên khác.

Sự gia tăng mạnh về dân số sẽ đòi hỏi quản lý môi trường tốt hơn, với việc kiểm soát ô nhiễm, giảm thiểu suy thoái môi trường, cải thiện vệ sinh và quản lý chất thải, cũng như mở rộng những không gian xanh. Việc này sẽ giúp thu hút và giữ chân nhân tài - điều kiện lớn cho việc xây dựng nền kinh tế tri thức, sáng tạo. Ngoài ra, cần cải thiện hiệu quả đầu tư công và phân bổ nguồn lực trong xã hội.

Mặc dù còn nhiều khó khăn và thách thức, vẫn có nhiều lý do để lạc quan rằng, Việt Nam sẽ có thể đạt được các mục tiêu lớn và đầy hoài bão của mình trong thời gian tới.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả