24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Phạm Đình Đạt
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Việt Nam có lo gia tăng nhập siêu khi ký kết RCEP?

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vừa ký kết ngày 15/11 và dự kiến có hiệu lực trong khoảng 1 năm tới. Trước thông tin Việt Nam là nước nhập siêu lớn từ Trung Quốc, với Hiệp định RCEP, mức độ phụ thuộc liệu có gia tăng, Bộ Công Thương khẳng định, FTA lớn nhất thế giới này sẽ không tạo ra “cú sốc” nhập siêu từ các thị trường.

Tạo nhiều cơ hội phát triển chuỗi cung ứng mới trong khu vực

Chia sẻ tại buổi sinh hoạt báo chí chuyên đề về “Hiệp định RCEP: Cơ hội và thách thức” diễn ra ngày 19/11 tại Hà Nội, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, trong bối cảnh của đại dịch COVID-19 bùng phát làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực, gây ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu cùng với xu hướng bảo hộ mậu dịch đang nổi lên, việc ký kết Hiệp định RCEP đánh dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế của Việt Nam và mang lại các lợi ích cả trong ngắn hạn, dài hạn.

Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện năm 2018, việc thực thi Hiệp định RCEP có thể giúp tổng sản phảm quốc dân (GDP) của Việt Nam tăng thêm 0,4% đến năm 2030 nếu xét lợi ích trực tiếp, có thể lên đến 1% nếu có tính đến lợi ích gián tiếp từ cải cách thể chế.

Việt Nam có lo gia tăng nhập siêu khi ký kết RCEP?
​​Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) chủ trì cuộc họp.

​Đây là hiệp định khi được 15 thành viên thực thi, sẽ tạo ra thị trường vô cùng lớn, với quy mô khoảng 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới. Với các cam kết về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và hài hòa hóa quy tắc xuất xứ giữa tất cả các bên tham gia, cũng như tăng cường các biện pháp tạo thuận lợi thương mại, việc thiết lập Hiệp định này sẽ tạo cơ hội để phát triển các chuỗi cung ứng mới trong khu vực mà doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tham gia.

“Hiệp định RCEP sẽ giúp thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định lâu dài. Trước tình hình thế giới đầy biến động, gây ra những xáo trộn về chuỗi cung ứng trong những năm gần đây, việc hình thành một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới theo Hiệp định RCEP sẽ tạo ra thị trường xuất khẩu ổn định, dài hạn cho Việt Nam, qua đó góp phần thực hiện chính sách xây dựng nền sản xuất định hướng xuất khẩu. Cùng với đó, việc thực hiện Hiệp định RCEP sẽ tạo nên khuôn khổ ràng buộc pháp lý trong khu vực về chính sách thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, giải quyết tranh chấp..., góp phần tạo nên môi trường thương mại công bằng trong khu vực”, ông Lương Hoàng Thái khẳng định.

Bên cạnh đó, Hiệp định RCEP có tính chất khác xa so với các Hiệp định thương mại (FTA) thế hệ mới Việt Nam tham gia gần đây như Hiệp định Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay FTA Việt Nam – EU (EVFTA). Nếu như CPTPP hay EVFTA hướng đến mở cửa thị trường, thì RCEP hướng đến vai trò trung tâm của ASEAN, cụ thể là tạo ra một khuôn khổ để thuận lợi hóa thương mại và tạo không giản kết nối chung sản xuất trong toàn ASEAN. Vì thế, lợi ích mang lại cũng khác biệt.

Đại diện Bộ Công Thương cho biết thêm, việc kết thúc đàm phán và ký kết Hiệp định RCEP góp phần nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Không tạo áp lực cạnh tranh mới với Trung Quốc

Trong câu chuyện ký kết Hiệp định RCEP, bên cạnh những cơ hội mở ra, không ít ý kiến bày tỏ lo ngại Việt Nam luôn là nước nhập siêu lớn từ Trung Quốc, RCEP có thể khiến mức độ phụ thuộc vào Trung Quốc gia tăng.

Ở khía cạnh này, ông Lương Hoàng Thái nêu rõ, Việt Nam đã tham gia cùng các nước ASEAN để mở cửa thị trường với Trung Quốc thông qua Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) vào năm 2010. Với tỷ lệ tự do hóa thuế quan mà Việt Nam cam kết với Trung Quốc theo Hiệp định RCEP không cao hơn so với Hiệp định ACFTA, việc thực thi Hiệp định RCEP về cơ bản sẽ không tạo ra áp lực cạnh tranh mới và gia tăng cam kết mở cửa thị trường với Việt Nam.

Ngoài ra, với lợi thế về việc hài hòa quy tắc xuất xứ trong Hiệp định RCEP, Việt Nam sẽ có cơ hội sử dụng nguyên liệu đầu vào tối ưu hơn để sản xuất hàng hóa xuất khẩu sang thị trường các nước thành viên RCEP bao gồm Trung Quốc với sức cạnh tranh cao hơn khi chỉ khai thác Hiệp định ACFTA, do đó có cơ hội thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường này.

“Hiệp định RCEP về cơ bản có thể coi là việc các nước ASEAN “đa phương hóa” quan hệ thương mại song phương trước đây đã có với Trung Quốc dựa trên các quy định của WTO. Do vậy, không thể nói với Hiệp định RCEP là ASEAN phụ thuộc hơn vào bất cứ thị trường nào, có phụ thuộc ở đây thì là phụ thuộc vào các quy định mang tính đa phương, minh bạch và đã được quốc tế công nhận trong nhiều năm qua”, ông Lương Hoàng Thái khẳng định.

Đại diện Bộ Công Thương cho biết thêm, vấn đề nhập siêu hay không là một yếu tố cần xem xét nhưng không phải là yếu tố duy nhất khi cân nhắc lợi ích của các FTA. Đơn cử như Việt Nam đã có FTA song phương và khu vực với Hàn Quốc, nay thêm quan hệ FTA thông qua Hiệp định RCEP. Mặc dù còn nhập siêu lớn, nhưng không thể phủ nhận giá trị của các Hiệp định RCEP trong việc giúp gắn kết hai nền kinh tế, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài và đem lại nhiều giá trị cụ thể cho người dân và doanh nghiệp hai bên.

“Khi chúng ta gia nhập WTO thì nhập siêu cũng rất lớn, nhưng từ việc chấp nhận hội nhập để tự vươn lên, doanh nghiệp Việt Nam cũng đã có những bước phát triển vượt bậc, khả năng cạnh tranh của nền kinh tế và doanh nghiệp không bị giảm đi, mà còn tăng lên đáng kể”, đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả