Việt Nam chưa có khu đô thị xanh
Công trình xanh hiện mới chỉ dừng ở quy mô các dự án đơn lẻ, chứ chưa thể áp dụng trên diện rộng, ở quy mô khu đô thị.
Chưa có khu đô thị xanh đúng nghĩa
Theo Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam (VGCB), cho đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã có khoảng 100 công trình xanh. Trong đó, có 24 công trình áp dụng theo bộ tiêu chuẩn LOTUS, trên 90 công trình theo bộ tiêu chuẩn LEED. Tuy nhiên, công trình xanh mới chỉ dừng ở cấp độ các dự án đơn lẻ, chưa có khu đô thị nào được công nhận là khu đô thị xanh.
Ở phía Bắc, những khu đô thị như Ecopark (Hưng Yên), Sunny Garden City (Hà Nội) đang phần nào giải tỏa được cơn khát về một khu đô thị với nhiều không gian xanh, là điểm đến yêu thích của người dân Thủ đô mỗi dịp cuối tuần.
Điểm chung của những khu đô thị như trên là phát triển đồng bộ được các hạng mục hạ tầng cơ sở, hạ tầng xã hội, đáp ứng tốt nhu cầu sống, tiện ích nội khu cho các cư dân. Tuy nhiên, nếu nói đây là các khu đô thị xanh thì vẫn chưa đúng.
Trên thực tế, hai khu đô thị này chưa áp dụng các bộ tiêu chí xanh cụ thể, mà xanh ở các dự án này mới chỉ được hiểu và nhìn nhận nhiều hơn theo hướng xanh cây, xanh về mặt không gian (cảnh quan, hồ nước, cây cối). Nói cách khác, các khu đô thị mới chỉ xanh trong mắt người nhìn, chứ chưa dựa trên các bộ tiêu chí về công trình xanh, kể cả với các hạng mục tòa nhà. Dẫu vậy, đây vẫn đang được xem là những khu đô thị tiêu biểu, tiên phong cho việc kiến tạo nên các không gian sống tốt hơn, gần gũi với thiên nhiên hơn, được nhiều người mong đợi hơn so với các khu đô thị hiện hữu.
“Ở Việt Nam, chúng ta mới chỉ có các công trình xanh đơn lẻ và chủ yếu thuộc các phân khúc khác ngoài nhà ở”, ông Đặng Thành Long, Giám đốc điều hành VGCB đánh giá.
Nhà ở xanh chưa nhiều
Giai đoạn 2015 - 2018, xu thế xây dựng công trình xanh được nhiều chủ đầu tư tại Việt Nam coi trọng, đặc biệt là áp dụng tiêu chuẩn LEED khi có hơn 20 dự án đăng ký/năm, trong khi 8 năm trước, chỉ khoảng 10 dự án/năm. Dự báo trong 1 - 2 năm tới, số dự án mới đăng ký LEED tại Việt Nam sẽ dao động trong ngưỡng 40 - 50 dự án, tổng diện tích sàn xây dựng đăng ký mới khoảng 300.000 m2.
Tuy nhiên, trong tổng số 135 dự án đăng ký áp dụng tiêu chuẩn LEED tại Việt Nam giai đoạn 2015 - 2018, riêng 2 phân khúc công nghiệp và văn phòng đã chiếm 75% số lượng dự án và 80% tổng diện tích sàn. Các dự án văn phòng cao cấp hoặc nhà máy có yêu cầu cao, bởi các đối tác phương Tây thường lựa chọn LEED để phát triển.
Không gian xanh tại Ecopark
Trong khi đó, với LOTUS có sự phân bổ cân bằng hơn giữa các phân khúc (giáo dục, văn phòng, công nghiệp, chung cư…). Các dự án lựa chọn LOTUS thường hướng tới sự cân bằng giữa chi phí và các lợi ích thực tế từ công trình xanh, đồng thời đáp ứng trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường của doanh nghiệp, tổ chức. Dẫu vậy, số lượng các công trình xanh là dự án nhà ở cũng còn rất hạn chế
Theo đại diện VGCB, sở dĩ việc có nhiều công trình xanh ở phân khúc công nghiệp (các nhà máy), vì việc xây dựng nhanh, dễ, giải pháp cũng dễ hơn. Đặc biệt, nếu nhà máy sản xuất hàng xuất khẩu, thì thường được khuyến khích hoặc có yêu cầu từ đối tác mua hàng là phải áp dụng công trình xanh. Nói cách khác, nhà máy là công trình xanh có khả năng cải thiện kết quả kinh doanh, nên cũng dễ thuyết phục các chủ đầu tư.
Một chuyên gia trong lĩnh vực công trình xanh lý giải rằng, với nhà máy, việc tiết kiệm điện, nước luôn giữ một vai trò quan trọng, không chỉ tiết kiệm chi phí năng lượng, mà cả chi phí xử lý nước thải, giảm tiết giảm chi phí hoạt động, tăng hiệu quả kinh doanh.
Với phân khúc văn phòng, việc áp dụng tiêu chuẩn xanh trong công trình trước tiên là phục vụ cho chính nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp, lúc đó chi phí tăng thêm khi đầu tư công trình xanh 1 - 2% không coi là chi phí, mà doanh nghiệp coi như khoản đầu tư cho bản thân. Vì vậy, cũng được các chủ đầu tư coi trọng.
Trong khi đó, với phân khúc chung cư, đây là phân khúc đi sau về công trình xanh và hiện còn ít doanh nghiệp, cũng như khách hàng coi trọng. Nguyên nhân quan trọng nhất là ở phân khúc này, hoạt động đầu tư chiếm tỷ lệ lớn, nên khách hàng không quan tâm nhiều đến công trình xanh, tiết kiệm năng lượng. Còn với dự án đã đi vào vận hành, thì trách nhiệm vận hành dự án thuộc về ban quản lý, chủ đầu phải bỏ tiền ra đầu tư, nhưng sau đó phải bàn giao và không được lợi gì nhiều, nên mức độ hào hứng cũng còn thấp.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản về xu hướng phát triển khu đô thị xanh ở Việt Nam thời gian tới, đại diện VGCB cho rằng, bản thân việc phát triển các khu đô thị xanh (theo các bộ tiêu chí có sẵn, tương tự như bộ tiêu chí LOTUS, LEED với công trình xanh) trên thế giới chưa có tiền lệ. Bởi các công trình xanh hiện mới chỉ dừng ở việc đưa ra bộ tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá cho các tòa nhà, công trình. Các hội đồng công trình xanh chưa đưa ra bộ tiêu chí cụ thể cho cả khu đô thị. Đây chính là khó khăn lớn với các doanh nghiệp khi muốn triển khai dự án khu đô thị xanh không chỉ ở trong nước, mà kể cả các nước phát triển.
Chia sẻ với phóng viên, ông Trịnh Tùng Bách, Giám đốc Ban Nghiên cứu và Phát triển công trình xanh Capital House cho biết, khác biệt giữa công trình xanh của khu đô thị và dự án là sự khác biệt lớn trong quy hoạch.
“Đơn giản như chuyện bố trí hồ chứa nước. Về mặt quy hoạch và logic, hồ chứa nước phải được đặt ở điểm thấp nhất để thu nước và tái sử dụng. Tuy nhiên, trên thực tế, có những dự án mà khi chúng tôi tiếp nhận, thì hồ này được đặt ở vị trí cao nhất. Nếu muốn triển khai hiệu quả dự án, thì phải thay đổi nhiều, nhưng hồ chứa nước đã được thi công, hoàn thiện, nên gần như chẳng thể làm gì”, ông Bách cho biết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận