24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Dũng Bùi
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Việt Nam cần làm gì để ứng phó với mác “thao túng tiền tệ”?

Việt Nam cũng cần có sự chủ động và đưa ra các giải pháp ứng phó cần thiết.

Trước thông tin Hoa Kỳ cáo buộc Việt Nam “thao túng tiền tệ”, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cáo buộc này là chưa thực sự khách quan và chưa xét tới các yếu tố đặc thù của kinh tế Việt Nam cũng như mối quan hệ thương mại có tính chất bổ sung lẫn nhau giữa hai nước. Trong ngắn hạn,  mác “quốc gia thao túng tiền tiền tệ” được dự đoán sẽ không ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và mối quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ.

Tại sao Việt Nam không thao túng tiền tệ?

Ngày 16/12 vừa qua, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã ban hành Báo cáo về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ”. Trên cơ sở 3 tiêu chí: Thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Hoa Kỳ ít nhất 20 tỷ USD; thặng dư cán cân vãng lai tương đương ít nhất 2% GDP; can thiệp một chiều và kéo dài trên thị trường ngoại tệ, thể hiện qua việc mua ròng ngoại tệ trong ít nhất 6 tháng trên giai đoạn 12 tháng với tổng lượng ngoại tệ mua ròng tương đương ít nhất 2% GDP trong giai đoạn 12 tháng, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã đưa Việt Nam cùng với Thuỵ Sỹ vào danh sách các nước thao túng tiền tệ theo Đạo luật Cạnh tranh và Thương mại quốc tế Omnibus năm 1988.

Việt Nam không có động lực phá giá tiền tệ nhằm tạo lợi thế xuất khẩu, bởi xuất khẩu và xuất siêu chủ yếu do các công ty FDI ở Việt Nam là động lực và hưởng lợi chính, trong khi cộng đồng doanh nghiệp trong nước thường nhập siêu. Hơn nữa, Việt Nam cũng không có lợi khi phá giá đồng tiền do phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên liệu đầu vào và nợ chính phủ cao.

Tuy nhiên, tại cuộc họp chiều 18/12, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quan điểm điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam là nhằm ổn định kinh tế vĩ mô chứ không phải để tạo lợi thế thương mại. Trước đó, ngay sau thông tin này được phát ra, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã có thông báo khẳng định việc điều hành tỷ giá những năm qua của NHNN là trong khuôn khổ chính sách tiền tệ chung - nhằm thực hiện mục tiêu nhất quán là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, Việt Nam đang nỗ lực xây dựng một môi trường đầu tư và kinh doanh hiện đại, ổn định, minh bạch, là điểm đến của nguồn nhân lực và dòng vốn quốc tế, hiển nhiên việc Việt Nam “phá giá đồng tiền” là một điều bất hợp lý. Do không nguồn vốn hay quyết định đầu tư khôn ngoan nào muốn lựa chọn một điểm đến đầy rủi ro khi đồng tiền bị chủ động phá giá. TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, Việt Nam không có động lực phá giá tiền tệ nhằm tạo lợi thế xuất khẩu, bởi xuất khẩu và xuất siêu chủ yếu do các công ty FDI ở Việt Nam là động lực và hưởng lợi chính, trong khi cộng đồng doanh nghiệp trong nước thường nhập siêu. Hơn nữa, Việt Nam cũng không có lợi khi phá giá đồng tiền do phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên liệu đầu vào và nợ chính phủ cao.

Trong Báo cáo “Đánh giá tác động của việc Mỹ cáo buộc Việt Nam “thao túng tiền tệ” của Khối Phân tích, Công ty Công ty Chứng khoán VNDIRECT cũng nhận định rằng, việc Hoa Kỳ cáo buộc Việt Nam “thao túng tiền tệ” là chưa thực sự khách quan và chưa xét tới mối quan hệ thương mại có tính chất bổ sung lẫn nhau giữa hai nước… Các chuyên gia của VNDIRECT đưa ra 4 lý do, gồm:

Thứ nhất, thặng dư thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong 4 quý tính đến tháng 6/2020 là 58 tỷ USD, đứng thứ 4 trong số các nước thặng dư thương mại lớn nhất so với Mỹ. Tuy nhiên, thặng dư thương mại chủ yếu đến từ nhóm doanh nghiệp FDI. Phần giá trị thặng dư mà Việt Nam nhận được nhờ gia công các mặt hàng xuất khẩu chính vào Hoa Kỳ như: May mặc, giày dép, điện thoại, máy tính và linh kiện điện tử tương đối thấp. Do đó, Việt Nam không được hưởng lợi nhiều từ phần thặng dư thương mại lớn với Mỹ mà thực tế công ty mẹ và những doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu đầu vào chiếm phần lớn thặng dư, bao gồm cả các doanh nghiệp Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… Bên cạnh đó, người tiêu dùng Hoa Kỳ cũng hưởng lợi nhờ được sử dụng các sản phẩm xuất khẩu giá rẻ của Việt Nam.
Thứ hai, thặng dư cán cân vãng lai trong kỳ đạt 4,6% GDP. Tuy nhiên, thặng dư cán cân vãng lai có sự đóng góp rất lớn từ lượng kiều hồi gửi về Việt Nam. Theo World Bank, lượng kiều hối gửi về Việt Nam năm 2019 đạt khoảng 17 tỷ USD, chiếm tới 6,4% GDP. Theo quan sát của VNDIRECT, kiều hối gửi về Việt Nam với mục đích chính là trợ giúp gia đình, người thân và có xu hướng tăng trưởng ổn định qua các năm do đó ít chịu tác động bởi những biến động nhỏ của tỷ giá.
Thứ ba, việc NHNN mua ròng ngoại tệ là nhu cầu thực tế trong bối cảnh lượng kiều hối, vốn FDI đều đặn đổ vào Việt Nam với số lượng khá lớn (gần 40 tỷ USD/năm). Pháp luật Việt Nam hiện tại không cho phép sử dụng ngoại tệ làm phương tiện thanh toán trong nước. Do vậy, nhà đầu tư khi chuyển tiền vào Việt Nam kinh doanh thì phải đổi sang tiền đồng để giải ngân. Tiền thu từ hoạt động xuất khẩu cũng như kiều hối khi chuyển về Việt Nam cũng phải đổi sang tiền đồng để sử dụng. Trong bối cảnh đó, NHNN Việt Nam với tư cách là người mua cuối cùng trên thị trường, cần thiết phải thực hiện mua vào ngoại tệ để đáp ứng quyền và lợi ích chính đáng của nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân cũng như ổn định thị trường tài chính - tiền tệ - ngoại hối. Bên cạnh đó, hiện dự trữ ngoại hối của Việt Nam vẫn thấp hơn mức bình quân của các nước có cùng trình độ phát triển với Việt Nam (nhóm nước có thu nhập trung bình thấp) là 7 tháng nhập khẩu, cũng như thấp hơn so với khuyến cáo và thông lệ chung trên thế giới (khoảng trên 5 tháng nhập khẩu). Do đó, việc gia tăng dự trữ ngoại hối trong thời gian tới vẫn là công việc cần thiết của NHNN nhằm củng cố an ninh tài chính quốc gia.
Thứ tư, theo lý thuyết ngang giá sức mua, biến động tỷ giá hối đoái phản ánh mức chênh lệch về lạm phát giữa các nước có quan hệ thương mại với nhau. Trong những năm gần đây, lạm phát của Việt Nam bình quân khoảng 3,1%/năm trong khi lạm phát của Mỹ khoảng 1,5%/năm. Do đó, việc điều chỉnh tăng tỷ giá USD/VND khoảng 1,5%/năm trong những năm gần đây là hoàn toàn có cơ sở.

Cần ổn định tâm lý nhà đầu tư

Theo phân tích của Công ty Chứng khoán VNDIRECT, trong ngắn hạn, việc Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách thao túng tiền tệ chưa có nhiều tác động trong ngắn hạn tới hoạt động xuất khẩu và nền kinh tế Việt Nam do hiện tại vẫn đang trong giai đoạn đàm phán giữa hai nước để giải quyết các bất đồng liên quan đến vấn đề thương mại và điều hành tỷ giá hối đoái.

Tuy nhiên, về trung - dài hạn, tác động đối với hoạt động thương mại và nền kinh tế Việt Nam sẽ phụ thuộc lớn vào quyết định của Mỹ liên quan đến thuế quan đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, với kịch bản tiêu cực (xác suất kịch bản này là 20%), nếu Mỹ và Việt Nam không đạt được thỏa thuận trên bàn đàm phán, Mỹ có thể áp thuế trừng phạt lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Việc Mỹ đánh thuế lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể làm chậm lại xu hướng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam và làm suy yếu dòng vốn FDI cũng như ảnh hưởng đến tăng trưởng của ngành sản xuất chế biến chế tạo vốn được dẫn dắt bởi các doanh nghiệp FDI.

Trong bối cảnh đó, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng, hiện nay đang là thời điểm để Việt Nam và Mỹ thực hiện đàm phán giải quyết vấn đề. Đến nay vẫn chưa thấy có biện pháp trừng phạt nào từ phía Mỹ được đưa ra. “Nhà đầu tư không nên quá lo lắng nhưng phải rất quan tâm tới vấn đề này vì Tổng thống Trump rất khó đoán và chưa biết Mỹ sẽ xử lý thế nào ở thời điểm hiện tại”, chuyên gia này khuyến cáo.

Theo TS. Nguyễn Xuân Hải (Đại học Johns Hopkins, Mỹ), ThS. Lê Quỳnh Trang và nhóm chính sách Hathaway, trong suốt hai năm 2019-2020, tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam, luôn bị đe dọa bởi bóng ma khủng hoảng tài chính và kinh tế khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung luôn có dấu hiệu leo thang và dịch Covid-19 kéo dài, không có dấu hiệu suy giảm. Bài học từ các cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính trước đó cho thấy, các quốc gia đang phát triển, các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam đều cần một lượng dự trữ ngoại hối đủ lớn để tránh hoặc xử lý được các cú sốc về tài chính và kinh tế.

Đặc biệt, trong điều kiện thực tế của Việt Nam là một nước thu hút được FDI khá lớn trong thời gian qua, và vì vậy, cũng chịu khá nhiều rủi ro nếu các nhà đầu tư nước ngoài đột ngột rút vốn trong trường hợp khủng hoảng, việc gia tăng tích lũy ngoại tệ là một điều tất yếu Việt Nam cần phải làm để phòng ngừa rủi ro, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì đà tăng trưởng trong những năm tới. Do vậy, theo TS. Nguyễn Xuân Hải và nhóm nghiên cứu, nhiệm vụ trước mắt của Việt Nam là hiểu đúng bản chất sự việc, ổn định tâm lý nền kinh tế nội địa, củng cố niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài và tiếp tục tập trung cho các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội dài hạn.

Việt Nam cần làm gì?

Theo nghiên cứu của TS. Nguyễn Xuân Hải, ThS. Lê Quỳnh Trang và nhóm chính sách Hathaway, trong giai đoạn tiếp theo, mác “quốc gia thao túng tiền tiền tệ” được dự đoán sẽ không ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam cũng như mối quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ.

Theo đó, sau khi kết quả Báo cáo của Bộ Tài chính được công bố, hai nước sẽ phải căn cứ vào kết quả này để thực hiện các đàm phán thương mại và phi thương mại kéo dài trong vòng một năm trước khi bất kỳ biện pháp trừng phạt nào của Mỹ được áp dụng. Quá trình đàm phán sẽ giúp hai nước hiểu nhau hơn và là cơ sở để đề xuất và thống nhất các giải pháp hợp lý cho cả hai bên. Đồng thời, khi dịch được kiểm soát với sự xuất hiện rộng rãi của vaccine chống Covid-19 trên thị trường, nền kinh tế thế giới sẽ dần khôi phục trạng thái bình thường, đưa môi trường thương mại quốc tế quay lại điểm cân bằng dài hạn. Khi đó, các biện pháp tích lũy để phòng ngừa rủi ro kinh tế, tài chính cũng sẽ không còn là ưu tiên và được giảm bớt. Như vậy, các chỉ số của Việt Nam trong ba tiêu chí của Mỹ cũng sẽ quay lại trạng thái bình thường, phản ánh trung thực mối quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Việt Nam trong các báo cáo tiếp theo. Từ đó, kỳ vọng Mỹ sẽ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách “nước thao túng tiền tệ”.

Trong khi đó, để ứng phó với vấn đề trên, trong báo cáo nghiên cứu mới đây, TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo Nghiên cứu BIDV cho rằng, các cơ quan chức năng Việt Nam cần bình tĩnh, thận trọng, phối hợp tốt, chủ động và tích cực trao đổi thông tin với phía Mỹ. Theo đó, NHNN đã lên tiếng và sẽ phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan để trao đổi, làm việc về các vấn đề mà phía Mỹ quan tâm trên tinh thần hợp tác, hai bên cùng có lợi, tiến đến quan hệ thương mại hài hòa, công bằng theo Kế hoạch hành động hợp tác giữa hai nước.

Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ cân bằng hơn cán cân thương mại với Mỹ do vấn đề cốt lõi mà Mỹ quan tâm là vấn đề giảm thâm hụt thương mại với các nước (trong đó có Việt Nam) hơn chỉ là vấn đề tiền tệ thuần túy. Theo đó, Việt Nam cần tăng cường nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ từ Mỹ, đặc biệt là nông sản, sản phẩm năng lượng, vận tải, máy móc, thiết bị công nghệ cao, thiết bị y tế, vaccine phòng chống Covid-19...

Các cơ quan chức năng, địa phương cần tăng cường, quyết liệt, phối hợp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi đội lốt thương mại, đội lốt đầu tư để lợi dụng những ưu đãi từ hợp tác Việt - Mỹ và các Hiệp định FTA khác cũng như hành vi trốn thuế. Chú trọng phối hợp chặt chẽ, đẩy nhanh tiến độ, giải quyết hiệu quả các vấn đề khác mà phía Mỹ quan tâm (như sở hữu trí tuệ, an ninh mạng, thanh toán điện tử…). Chủ động xây dựng kịch bản ứng phó với các tình huống có thể xảy ra nhằm có giải pháp chủ động, linh hoạt và kịp thời, giảm thiểu tác động tiêu cực cũng như duy trì mối quan hệ kinh tế-thương mại ổn định và bền vững với Mỹ.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả