Vị thế mới của kinh tế Việt Nam 2020 từ góc nhìn Nguyên Bộ trưởng Trương Đình Tuyển
Hôm 18/12/2019, tại tòa nhà báo Nông thôn Ngày nay đã diễn ra sự kiện “Bình chọn 10 sự kiện kinh tế 2019” và “Tọa đàm Kinh tế 2020: triển vọng từ cộng đồng ASEAN”. Phát biểu tại sự kiện, Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, Trưởng đoàn Đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế - ông Trương Đình Tuyển đã chỉ ra vị thế mới, triển vọng mới của Việt Nam trong khối kinh tế ASEAN năm 2020.
Trong khuôn khổ sự kiện, Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển chỉ ra rằng 2020 sẽ là năm quan trọng để Việt Nam khẳng định vị thế mới trên trường quốc tế khi vừa giữ cương vị Chủ tịch ASEAN vừa đảm nhận vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Đây cũng là năm đánh dấu mốc son 25 năm đồng hành cùng ASEAN của nước ta.
Theo ông Tuyển, gắn bó với khối thương mại ASEAN là cơ hội lớn cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020. Thị trường 642 triệu dân với tổng diện tích hơn 1,7 triệu km2, ASEAN được dự báo sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới vào năm 2030, chỉ sau Mỹ, Trung Quốc và Liên minh Châu Âu.
Trong những năm gần đây, tăng trưởng GDP bình quân của cả khu vực đạt trung bình 5,4%, cao hơn mức bình quân toàn cầu 3% và được kỳ vọng sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng quanh mức này trong khoảng 5 năm tiếp theo.
Chỉ tính riêng năm 2019, quy mô GDP ASEAN ước đạt khoảng 3.000 tỷ USD với tăng trưởng GDP của khối ước đạt 4,9%, cao hơn mức bình quân toàn cầu ước tính.
“Sắp bước sang năm thứ 5 năm thành lập, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) cho đến nay được đánh giá là cộng đồng liên kết kinh tế thành công bậc nhất thế giới chỉ sau liên minh Châu Âu EU, với nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương cùng hàng loạt nỗ lực hợp tác kinh tế nội khối”, Nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển nhấn mạnh.
Ông Tuyển chỉ ra rằng Việt Nam đã và đang ngày càng đóng góp vai trò quan trọng trong khối ASEAN, đồng thời đã sẵn sàng cho vị thế Chủ tịch ASEAN năm 2020. Đây không chỉ là một trách nhiệm to lớn mà còn mang đến những cơ hội đầy triển vọng cho tăng trưởng kinh tế và hội nhập trên cơ sở kế thừa thành tựu của các nước Chủ tịch ASEAN tiền nhiệm; phát huy kinh nghiệm phát triển kinh tế xã hội, đăng cai các sự kiện chính trị - kinh tế lớn trong khối và quốc tế… Qua đó, xây dựng một cộng đồng ASEAN trên cơ sở gắn kết chặt chẽ và phát triển bền vững.
Song song với những triển vọng, Nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển cũng nhấn mạnh nhiều hạn chế, bất cập từ cộng đồng kinh tế ASEAN.
Đầu tiên là trình độ phát triển kinh tế thấp so với thế giới, trình độ sản xuất công nghiệp và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất còn yếu kém, mức thu nhập bình quân đầu người của đa số các quốc gia chỉ nằm ở ngưỡng trung bình. Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 chỉ ra bình quân đầu người của Việt Nam chỉ đạt 2.587 USD, kém mức bình quân thế giới 8.400 USD.
Thứ hai, hệ thống phân phối và đầu tư vào mạng lưới phân phối tại ASEAN còn hạn chế, gây khó khăn cho vấn đề đầu ra, nhất là đầu ra các mặt hàng nông sản vốn có tính cạnh tranh cao trong chính khối kinh tế.
Cuối cùng, liên quan đến cơ chế hoạt động của nội bộ khối ASEAN, mỗi quyết định được đưa ra trên cơ sở đồng thuận. Do đó trong nhiều trường hợp, khó đưa ra được tuyên bố chung khi các quốc gia không đạt tới mức độ đồng thuận nhất định, làm trì hoãn các quyết sách kinh tế kịp thời.
2020 là một năm nhiều ý nghĩa với cộng đồng ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng. Với ASEAN, đây là năm bản lề quan trọng để nhìn lại chặng đường 5 năm trong tiến trình Kế hoạch Tổng thể xây dựng Cộng đồng ASEAN 2015 - 2025. Với Việt Nam, vị thế Chủ tịch ASEAN sẽ đem đến cho đất nước nhiều tiềm năng mới, luồng gió mới cho môi trường đầu tư kinh doanh cũng như triển vọng kinh tế. Do đó, làm thế nào để "đón gió", tận dụng những tiềm lực từ ASEAN để phát triển kinh tế sẽ là bài toán mà các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp phải giải trong năm kinh tế tiếp theo.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận