Vì sao VNI vẫn mãi "trồi sụt" quanh mức 1.200 điểm?
Nền kinh tế Việt Nam luôn được đánh giá là điểm sáng của khu vực và thế giới, nhưng VnIndex cứ lên rồi lại xuống, mãi vẫn trồi sụt quanh mức 1.200 điểm.
Dưới đây là một số nguyên nhân khiến VNI vẫn mãi trồi sụt quanh mốc 1.200 điểm
Thứ nhất: Thiếu hàng hóa chất lượng mới
Động lực quan trọng thúc đẩy TTCK tăng trưởng bền vững là chất lượng hàng hóa lại gần như dậm chân tại chỗ. Năm 2022, tổng giá trị cổ phần bán được thông qua đấu giá cổ phần trên HSX chỉ đạt 939 tỷ đồng, giảm 43% so với năm trước và là mức thấp nhất kể từ năm 2013.
Năm 2022 cũng chỉ có 8 cổ phiếu được niêm yết mới trên HSX. Trong nửa đầu năm 2023, con số này giảm chỉ còn duy nhất 1 cổ phiếu mới.
Việc thiếu hàng hóa mới chất lượng khiến NĐT không có nhiều lựa chọn. Số tài khoản mở mới liên tục tăng lên nhưng giao dịch gần như chỉ tập trung vào một số mã quen thuộc. Quy mô vốn hóa tăng trưởng chủ yếu đến từ sự xoay vòng của dòng tiền đầu cơ giá lên. Điều này về cơ bản là khó duy trì trong dài hạn nếu chỉ trông chờ vào chu kỳ tiền rẻ.
Thứ hai: Cơ cấu thị trường mất cân bằng
Thiếu vắng bom tấn niêm yết mới, cơ cấu TTCK trong nhiều năm gần như đóng khung với nhóm cổ phiếu có tính chu kỳ chiếm tỷ trọng lớn, thậm chí áp đảo. Điển hình là nhóm nhóm cổ phiếu tài chính (ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm) hiện chiếm tỷ trọng lớn nhất (khoảng 40% vốn hoá HoSE), theo sau là bất động sản, hàng hoá cơ bản,
Riêng nhóm 30 cổ phiếu lớn nhất thị trường (VN30) đã có đến 13 cổ phiếu ngân hàng, 3 cổ phiếu bất động sản (VHM, VRE, BCM), 2 cổ phiếu hàng hóa (HPG, GAS) và 2 cổ phiếu tài chính (BVH, SSI). Đây là những cổ phiếu có tính chu kỳ, lợi nhuận thường biến động mạnh theo “hình sin” phụ thuộc vào chu kỳ của nền kinh tế. Vì thế, cổ phiếu thuộc các nhóm ngành kể trên ở một góc độ nào đó cũng mang tính chất đầu cơ khá cao.
Thứ ba: Dòng vốn ngoại trồi sụt thất thường
Sau giai đoạn bất ngờ mua ròng vội vã cuối năm 2022 đến đầu năm 2023, NĐT nước ngoài đã đảo chiều bán ròng 6 tháng liên tiếp từ đầu quý 2. Tổng giá bán ròng lũy kế từ đầu năm trên HSX lên đến hơn 7.700 tỷ đồng. Trước đó, trong 2 năm là 2020 và 2021, khối ngoại đã bán ròng gần 80.000 tỷ đồng trên HSX.
Việc thiếu các yếu tố hấp dẫn dòng vốn dài hạn, TTCK Việt những năm qua gần như chỉ phù hợp với trường phái đầu cơ theo xu hướng chính sách tiền tệ. Hàng hóa chất lượng để đầu tư vốn đã ít lại không được bổ sung thêm khiến lựa chọn ngày càng hạn chế. Điều này là nguyên nhân lý giải tại sao dòng vốn ngoại vẫn mãi trồi sụt trên sàn chứng khoán.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận