Vì sao việc Mỹ mua TikTok là 'nói dễ hơn làm'?
Công ty ByteDance cho biết họ buộc phải rao bán TikTok trong vòng 90 ngày, nếu muốn ứng dụng này tiếp tục có đất sống tại Mỹ.
Tuy nhiên, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) dẫn lời giới phân tích, cho rằng thương vụ này là “nói dễ hơn làm”, không chỉ bởi Mỹ là thị trường hàng đầu cho tham vọng toàn cầu của ByteDance, mà còn do những trình tự pháp lý phức tạp và các trở ngại về kỹ thuật.
Thế khó của TikTok
Nhiều nguồn tin phỏng đoán một số tập đoàn như Microsoft và Twitter… đang là ứng viên hàng đầu trong cuộc đua sở hữu TikTok. Nhưng cuối tuần trước, SCMP nhận định cơ hội của Microsoft rất nhỏ, Twitter còn nhỏ hơn.
Dù Microsoft xác nhận đang theo đuổi một số thỏa thuận nhằm sở hữu thị phần của TikTok ở Mỹ, Canada, Australia và New Zealand, nhưng tỷ phú Bill Gates, người đồng sáng lập Microsoft, lại ví các thỏa thuận này như “một liều thuốc độc”.
Trên diễn đàn đầu tư Seeking Alpha, Joe Albano, Giám đốc dịch vụ phân tích dữ liệu Tech Cache, cho rằng TikTok đang bị đẩy vào thế khó. Ứng dụng này hoặc sẽ bị mua lại hoặc bị cấm cửa hoàn toàn. Cả 2 viễn cảnh này đều khó duy trì tầm ảnh hưởng của TikTok như trước.
Tuy nhiên, theo SCMP, còn hướng giải quyết khác cho ByteDance là kiện những sắc lệnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Công ty cho biết đang cân nhắc phương án này, nhưng đến nay chưa có đơn kiện nào được đệ trình và ByteDance cũng không có phản hồi nào về vấn đề này.
Nguy cơ với an ninh quốc gia vẫn hiện hữu
Các chuyên gia cho rằng, việc bán TikTok có nguy cơ gây ra những xáo trộn phức tạp về công nghệ, và việc kiểm tra, sửa chữa các thành phần mã và máy chủ có thể mất vài tháng, thậm chí tới vài năm.
Một nguồn tin thân cận với ByteDance nói, việc xử lý mã chỉ mang tính bước đầu. Hệ thống của công ty còn yêu cầu việc đào tạo lại liên tục khả năng xử lý dữ liệu người dùng, lĩnh vực có sự cộng tác giữa các kỹ sư, nhân viên chiến lược và nhân viên điều hành. Vì vậy, các thuật toán đề xuất thường khác nhau ở từng thị trường.
Tuần trước, Reuters dẫn lời các nguồn tin giấu tên cho biết TikTok có chia sẻ các tài nguyên kỹ thuật với Douyin và các ứng dụng khác thuộc sở hữu của ByteDance, và mã máy chủ của ứng dụng này cũng được chia sẻ một phần với các sản phẩm khác của ByteDance.
“Microsoft, hoặc bất kỳ đơn vị nào sở hữu được TikTok, sẽ cần phải kiểm tra tất cả các đoạn mã, máy chủ, hợp đồng kinh doanh, quy trình hoạt động và thậm chí là nhân viên, trước khi có thể thực hiện bất kỳ thay đổi quan trọng nào”, Patrick Jackson, nguyên là chuyên gia nghiên cứu thuộc Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ, cho biết.
Theo Joe Albano, “quản lý mật mã của TikTok, hoặc thậm chí tiêu hủy chúng nếu cần, không phải là một điều dễ dàng. Những nguy cơ về an ninh quốc gia vẫn còn hiện hữu. Và điều này xảy ra với bất kỳ công ty nào có khả năng mua lại ứng dụng này, không chỉ riêng Microsoft”.
Tầm quan trọng của thị trường Mỹ
Bên cạnh những khó khăn về công nghệ, các nhà phân tích cho rằng triển vọng để TikTok có thể hoạt động tự do như trước đây ở Mỹ hiện rất thấp. Điều này có thể gây thêm rắc rối cho tham vọng của ứng dụng này ở các thị trường lớn khác như Ấn Độ và châu Âu.
Theo dữ liệu của công ty Sensor Tower, TikTok đã vượt mức 49 triệu lượt tải xuống ở Mỹ trong nửa đầu năm 2020, đạt doanh thu 28,6 triệu USD, chiếm gần 60% tổng doanh thu của ứng dụng trên toàn thế giới.
Dù Ấn Độ có số người dùng TikTok nhiều hơn Mỹ, nhưng tỷ trọng doanh thu ở nước này lại nhỏ hơn. Nhà phân tích Nan Lu tại Sensor Tower cho rằng, việc kiếm tiền tại Ấn Độ của TikTok vẫn rất xa vời, do sự phát triển kinh tế của Ấn Độ không thể sánh bằng Trung Quốc.
Về quảng cáo, chi tiêu trên mạng xã hội ở Mỹ được Forrester Analytics dự đoán sẽ đạt 37,4 tỷ USD, so với chỉ 1,7 tỷ USD ở Ấn Độ. Bên cạnh đó, về tài chính, thị trường Mỹ quan trọng hơn đáng kể so với Ấn Độ.
Hệ sinh thái của TikTok sẽ khó có thể hoạt động nếu không có Mỹ. Đánh mất thị trường Mỹ sẽ là một bước lùi, và ByteDance chắc chắn không muốn điều đó xảy ra.
Nhà phân tích từ Sensor Tower cho rằng, thị trường Mỹ bao giờ cũng đi đầu xu hướng so với những nơi khác, thói quen của người dùng Mỹ cũng được những nơi khác học hỏi. Nếu không có TikTok tại Mỹ, nhiều nhân vật gây ảnh hưởng từ nó sẽ chuyển sang các nền tảng khác.
Khó lật ngược thế cờ
Cuối cùng, các chuyên gia đánh giá, cơ hội thách thức pháp lý của ByteDance đối với các động thái của Chính phủ Mỹ cũng khó mang lại kết quả khả quan.
ByteDance cho biết, sắc lệnh hôm 6/8 của ông Trump “được ban hành mà không thông qua bất kỳ quy trình hợp lệ nào”. Theo Wade Weems, cựu công tố viên thuộc Bộ Tư pháp Mỹ, điều này cho thấy công ty chưa có cái nhìn cặn kẽ về các tiến trình xử lý của Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ, hay các động thái dựa trên Đạo luật Quyền hạn kinh tế khẩn cấp quốc tế của ông Trump.
Nhưng ông Weems cho rằng, ByteDance vẫn có thể lợi dụng Tu chính án thứ I tại Mỹ. Nội quy của TikTok coi ứng dụng này như một diễn đàn tự do trong việc nêu quan điểm, nên hành động của ông Trump sẽ vi phạm Tu chính án thứ I và quyền tự do ngôn luận trong Hiến pháp Mỹ.
Theo Joe Albano, ByteDance cũng có thể chờ đến khi kết thúc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới, nhưng việc lãng phí thời gian sẽ khiến thị phần của Tik Tok tại Mỹ khó khôi phục như trước.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận