menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Thúy Quỳnh

Vì sao vé máy bay nội địa đắt đỏ và khan hiếm?

Thiếu tàu bay, tải cung ứng giảm khiến vé máy bay nội địa các chặng từ Bắc vào Nam tiếp tục "cháy hàng".

Thông thường mọi năm, vé máy bay các chặng từ Nam ra Bắc, cũng như chiều ngược lại trong giai đoạn 2 tuần trước và sau cao điểm Tết Âm lịch đều được đẩy lên cao nhất do nhu cầu đi lại lớn. Sau đó, giá vé sẽ dần hạ nhiệt.

Nhưng năm nay, theo anh Ngọc Tuấn, chủ một đại lý vé máy bay cấp 1 ở Hà Nội, gần một tuần sau Rằm tháng Giêng, vé máy bay các chặng từ Bắc vào Nam vẫn tiếp tục neo cao.

Theo ghi nhận của VnExpress, các đường bay từ Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa đi TP HCM tuần cuối tháng 2, nhiều chặng vẫn trong tình trạng hết vé từ nay đến Chủ nhật. Chặng Hà Nội - TP HCM ngày 1/3 chỉ còn vé hạng thương gia trên 7 triệu đồng, ngày 2/3 vẫn có vé hạng phổ thông nhưng giá thấp nhất từ 3,1 triệu đồng bay giờ đêm.

Do giá vé quá cao, chị Ngọc Hà, ở Nam Từ Liêm đã phải chuyển kế hoạch di chuyển vào TP HCM sang tuần sau để chi phí rẻ hơn. Tuy nhiên, theo chị, giá vé một chiều tuần đầu tháng 3 cũng chỉ giảm khoảng 1 triệu đồng so với mức thấp nhất của cuối tuần này.

Vì sao vé máy bay nội địa đắt đỏ và khan hiếm?
Máy bay đỗ tại Nhà ga quốc tế Nội Bài. Ảnh: Giang Huy

Một trong những lý do chính khiến tình trạng vé máy bay nội địa căng thẳng như hiện nay là thiếu tàu bay, khiến tải cung ứng của các hãng hàng không Việt Nam giảm mạnh. Do vấn đề liên quan đến động cơ Pratt&Whitney sử dụng trên A321, Vietnam Airlines phải dừng khai thác 12 tàu bay, tương đương khoảng 20% đội bay thân hẹp để đưa vào bảo dưỡng động cơ. Đây cũng là dòng tàu bay chủ lực của các hãng trên mạng đường bay nội địa. Vietjet cũng bị ảnh hưởng vì vấn đề này, nhưng chưa công bố số liệu chi tiết.

Còn Bamboo Airways vì các khó khăn nội tại và định hướng tái cấu trúc, đội bay của hãng này hiện cũng chỉ còn 8 chiếc, giảm hơn 20 tàu so với đầu năm ngoái. Tương tự, đội bay của Pacific Airlines gần đây cũng giảm.

Để bù đắp thiếu hụt nguồn lực trong giai đoạn cao điểm, ngay từ một tháng trước Tết, Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways liên tục thuê ướt tàu bay (gồm cả máy bay và phi hành đoàn). Tổng cộng, ba hãng thuê 12 tàu bay, nhưng vẫn chưa đủ để phục vụ nhu cầu của hành khách dịp Tết.

Số liệu thống kê của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, giai đoạn 29 tháng Chạp đến mùng 5 Tết, các sân bay phục vụ hơn 1,5 triệu khách tăng 11% so với cùng kỳ 2023. Thế nhưng, lượng khách nội địa chỉ khoảng 762.000, giảm hơn 13%.

Bên cạnh đó, theo chủ một phòng vé máy bay ở Hà Nội, tình trạng khan hiếm vé máy bay cục bộ ở một số chặng nội địa "hot" cũng có thể do một số đại lý đã "ôm series" vé đoàn. Ông dẫn chứng, chỉ vài tuần trước, trên hệ thống chặng Hà Nội đi TP HCM hết sạch vé phổ thông, còn vé thương gia từ 9 triệu đồng. Tuy nhiên, một số đại lý vẫn đăng bán vé phổ thông cho hành trình này với giá có thể từ 5 triệu đồng.

Sau 3 năm bị đại dịch gây ảnh hưởng nghiêm trọng, các hãng hàng không cũng đang phải co kéo nguồn lực để cân đối hiệu quả giữa đường bay nội địa và quốc tế. Từ quý cuối năm 2023 đến nay, một số hãng cũng đã và đang giảm tần suất hoặc cắt các đường bay nội địa ít khách để dồn lực bay quốc tế.

Đại diện một hãng bay thông tin vẫn đang phải cân đối nguồn lực đội bay cho các đường bay thường lệ từ Hà Nội, TP HCM đến các địa phương như Nha Trang, Quy Nhơn với các chuyến charter phục vụ du khách quốc tế. Còn Giám đốc một cảng không trong nước cho rằng hiện nay một chuyến bay quốc tế có thể hiệu quả bằng 5-7 chuyến bay nội địa (không tính đường bay vàng Hà Nội - TP HCM). Theo Cục Hàng không, từ 29 tháng Chạp đến 5 Tết, vận chuyển hành khách quốc tế đạt gần 750.000 lượt, tăng trên 50% so với năm ngoái.

Không chỉ cao điểm hè hay Tết, nhiều hành khách cũng cho biết cảm nhận mặt bằng vé máy bay trong nước từ năm ngoái đã cao hơn, ít dải vé giá rẻ như những năm trước.

Giải thích về việc này, lãnh đạo một hãng hàng không trong nước khẳng định không phải vì thua lỗ sau đại dịch mà bán vé giá cao để bù đắp lại. Ông cho biết, các hãng hàng không đã phải đối mặt với mọi chi phí đầu vào tăng vọt, trong khi đó, vé máy bay nội địa lại bị khống chế bởi giá trần.

Với một hãng hàng không truyền thống, trước dịch, chi phí nhiên liệu bay trên giá vé chỉ chiếm khoảng 25% thì hiện có lúc lên đến gần 40%. Tỷ lệ này với các hãng hàng không chi phí thấp thậm chí còn có thể cao hơn. Phần lớn chi phí của các hãng phải trả bằng đồng USD nhưng đến nay tỷ giá cũng tăng mạnh.

Cùng với đó, đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu hụt máy bay trên toàn cầu cũng khiến giá thuê một tàu bay thân hẹp năm nay có thể tăng đến 100.000 USD mỗi tháng. "Để giảm giá vé máy bay nội địa, chắc chắn cần các chi phí đầu vào phải đi xuống. Thực tế, nhiều chặng bay nội địa cũng không có hiệu quả", ông nói.

Những yếu tố đầu vào này cũng phần nào khiến một số hãng hiện nay rất muốn có thêm tàu bay để tăng lực khai thác, nhưng vẫn chưa thực hiện vì còn phải cân đối khả năng, bố trí nguồn tài chính.

Dựa trên năng lực cung ứng của các hãng, Cục Hàng không Việt Nam cũng đã dự báo lượng khách bay nội địa cả năm nay có thể giảm đến 3,5 triệu lượt. Trong khi đó, sản lượng vận chuyển khách đi quốc tế có thể tăng hơn 30% lên 41,8 triệu lượt.

Hôm 28/2, chia sẻ với báo chí bên lề một hội thảo về hàng không, CEO Vietnam Airlines Lê Hồng Hà nói rằng mặt bằng giá máy bay năm nay có thể vẫn tương tự năm 2023 bởi chưa có nhiều sự thay đổi lớn. Tuy nhiên, hãng sẽ cố gắng để có các chính sách giá vé tốt cho dịp cao điểm hè năm nay.

Từ 1/3, trần giá vé máy bay nội địa trên phần lớn chặng bay tăng thêm khoảng 5%. Trong đó, mức cao nhất cho hành trình dài trên 1.280 km như Hà Nội - Phú Quốc là 4 triệu, cao hơn tăng 250.000 đồng. Việc này cũng có thể khiến giá vé nội địa tăng thêm trong những dịp người dân có nhu cầu đi lại lớn.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại