24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Thạch Thảo
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Vì sao Trung Quốc muốn “bẻ gãy đôi cánh” của tỷ phú Jack Ma?

Kế hoạch IPO đổ vỡ và giấc mơ 35 tỷ USD tan tành, Ant Group của tỷ phú Jack Ma cũng như ngành công nghệ màu mỡ ở Trung Quốc đối mặt với một tương lai không dễ dàng.

Theo Bloomberg, trong nhiều năm, các quy định quản lý lỏng lẻo ở Trung Quốc giúp startup Ant Group của tỷ phú Jack Ma trở thành tập đoàn tài chính khổng lồ với các mảng kinh doanh gồm thanh toán, ngân hàng, quản lý tài sản và bảo hiểm.

Tuy nhiên, các quy định mới mà chính quyền Trung Quốc đột ngột áp dụng với mảng cho vay tiêu dùng báo hiệu rằng đã đến lúc ngành công nghệ tài chính màu mỡ ở thị trường 1,4 tỷ dân phải thay đổi.

"Nạn nhân" đầu tiên của những thay đổi này là kế hoạch phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) của Ant Group tại thị trường chứng khoán Thượng Hải và Hong Kong. Ban đầu, startup của Jack Ma đặt mục tiêu huy động 35 tỷ USD tiền đầu tư và đạt định giá 320 tỷ USD.

Tất cả bắt nguồn từ việc chính quyền Trung Quốc đang soạn thảo các quy định để siết chặt quản lý hơn 200 công ty cho vay trực tuyến nhỏ trên toàn quốc. Đó là những công ty cung cấp các khoản vay quy mô nhỏ, không có bảo đảm qua Internet và bị cấm nhận tiền gửi.

Vì sao Trung Quốc muốn “bẻ gãy đôi cánh” của tỷ phú Jack Ma?
Ant Group của Jack Ma từng kỳ vọng lập kỷ lục quy mô IPO lớn nhất thế giới. Ảnh: Reuters.

Quy định mới

Khi cùng cho vay với ngân hàng, các công ty tài chính trực tuyến này phải đóng góp ít nhất 30% tổng số tiền cho vay. Các khoản vay cá nhân bị giới hạn ở mức 300.000 NDT (45.000 USD), hoặc không quá 1/3 thu nhập trung bình của người vay trong 3 năm. Đối với doanh nghiệp, mức giới hạn cho vay là 1 triệu NDT (151.000 USD).

Những tổ chức cho vay trực tuyến nhỏ bị cấm hoạt động bên ngoài cơ sở cấp tỉnh, trừ khi chúng nhận được sự chấp thuận đặc biệt của Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc (CBIRC) và có vốn đăng ký tối thiểu 5 tỷ NDT (754 triệu USD).

Một cổ đông cũng không thể kiểm soát nhiều hơn một tổ chức cho vay nhỏ hoạt động trên toàn quốc. Dự thảo này được công bố ngày 2/11 bởi Ủy ban Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc.

Trên thực tế, nhà chức trách Trung Quốc đã cân nhắc các quy định này trong ít nhất một năm. Hồi tháng 9, Ant Group và nhiều công ty khác gặp khó khăn khi chính quyền áp dụng quy định về cấp phép và vốn mới, cũng như giới hạn về việc sử dụng chứng khoán được đảm bảo bằng tài sản để rót tiền cho vay tiêu dùng nhanh.

Tại một hội nghị cấp cao hồi cuối tháng 10, tỷ phú Jack Ma chỉ trích dữ dội hệ thống tài chính Trung Quốc và gọi các ngân hàng là "tiệm cầm đồ", bởi nhà băng đòi tài sản thế chấp thay vì sử dụng dữ liệu và công cụ công nghệ cao để đánh giá rủi ro tín dụng.

"Sự đổi mới không sợ quy định, mà sợ quy định lỗi thời", người đồng sáng lập Alibaba nhấn mạnh. Ông cho rằng Trung Quốc không nên "quản lý tương lai bằng phương pháp của ngày hôm qua".

Sau đó, Ủy ban Phát triển và Ổn định Tài chính của Trung Quốc tổ chức một cuộc họp ngày 31/10. Phó thủ tướng Lưu Hạc tuyên bố chính quyền cần giám sát các công ty fintech và nhóm doanh nghiệp này phải tuân thủ những yêu cầu pháp lý như công ty truyền thống để đề phòng rủi ro.

Ngày 2/11, tỷ phú Jack Ma được triệu tập đến một cuộc họp với Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và ba tổ chức quản lý tài chính hàng đầu Trung Quốc. Vào ngày 3/11, sàn giao dịch Thượng Hải đình chỉ IPO của Ant Group với lý do "những thay đổi về quy định".

Cú đòn đau

Sự thay đổi về quy định có tác động gì đối với Ant Group? Theo Bloomberg, đây là cú đòn nặng nề giáng vào startup đình đám của Jack Ma. Đơn vị CreditTech của Ant Group, bao gồm hai tổ chức cho vay nhỏ, là cỗ máy in tiền của công ty. Trong 6 tháng đầu năm, doanh thu mảng này tăng 59% lên 29 tỷ NDT (4,38 tỷ USD), đóng góp 40% vào tổng doanh thu công ty.

Trong 12 tháng tính đến ngày 30/6, Ant đã giúp cung cấp các khoản vay nhỏ, không bảo đảm cho 500 triệu người thông qua Huabei (Just Spend) và Jiebei (Just Lend). Trong số khoản vay tiêu dùng 1.700 tỷ NDT (256,69 tỷ USD) mà Ant Group bảo lãnh, chỉ có khoảng 2% giữ trên bảng cân đối của công ty.

Phần còn lại được góp vốn bởi bên thứ ba hoặc được chứng khoán hóa rồi bán. Theo ước tính của Bernstein, nếu làm theo yêu cầu đóng góp 30% tổng số tiền cho vay, Ant Group cần tự bảo lãnh đến 520 tỷ NDT (78,52 tỷ USD).

Các nhà phân tích dự đoán nếu thực hiện được đợt IPO, Ant Group sẽ có mức định giá thấp hơn nhiều. Và những rủi ro pháp lý cho thấy phần "fin" (tài chính) lấn át hoàn toàn phần "tech" (công nghệ) trong công ty này.

Bloomberg cho biết các công ty công nghệ tài chính khác tại Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng. Có 249 công ty cho vay trực tuyến nhỏ tại Trung Quốc, và đa phần tiến hành những hoạt động kinh doanh cho vay tiêu dùng tương tự Ant Group. Các gã khổng lồ fintech khác như JD.com và Tencent Holdings cũng nằm trong nhóm này.

Vì sao Trung Quốc muốn “bẻ gãy đôi cánh” của tỷ phú Jack Ma?
Mã QR của Alipay - dịch vụ thanh toán của Ant Group - tại một cửa hàng ở Bắc Kinh. Ảnh: Bloomberg.

Vấn đề lớn hơn là ngành công nghiệp fintech đã đặt ra thách thức chưa từng có đối với các nhà quản lý. Lý do nằm ở cơ sở khách hàng khổng lồ và vai trò ngày càng gia tăng đối với hệ thống tài chính Trung Quốc. Nhóm doanh nghiệp này làm các dịch vụ tài chính trở nên thuận tiện và dễ dàng tiếp cận với hàng trăm triệu người dùng.

Những khoản vay từ sinh viên đại học và người có thu nhập thấp gia tăng, khiến nợ hộ gia đình Trung Quốc tăng kỷ lục. Theo chuyên gia Guo Wuping tại CBIRC, dịch vụ Huabei của Ant không khác gì thẻ tín dụng nhưng tính phí cao hơn.

Tuy nhiên, mọi người vẫn đổ xô sử dụng vì thuận tiện cho việc mua sắm trực tuyến và không cần kiểm tra tín dụng. Mối lo ngại lớn nhất là các bên cho vay trực tuyến cung cấp dịch vụ ngân hàng, nhưng không đáp ứng yêu cầu về vốn và nợ như ngân hàng truyền thống.

Giới quan sát nhận định các ngân hàng lớn của Trung Quốc chắc chắn sẽ hoan ngênh những quy định mới này. Nhà băng đang tranh giành khách hàng với Ant Group và liên tục mất ưu thế. Đây cũng là chiến thắng đối với chính quyền Trung Quốc trong việc ưu tiên ổn định tài chính và chính trị.

Còn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, cú ngã đau của Ant Group đặt ra những câu hỏi về việc Hong Kong và Thượng Hải có thể trở thành trung tâm tài chính cao cấp hay không, cũng như cam kết minh bạch của Trung Quốc trong một thị trường vốn mở và hiện đại.

Trong kế hoạch 5 năm mới, Trung Quốc đã hứa hẹn về khả năng tiếp cận của nước ngoài lớn hơn, cũng như nới lỏng kiểm soát đối với đồng NDT và dòng vốn.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả