Vì sao Tân Hoàng Minh ‘hồi sinh’ Tổng Bách Hoá?
CTCP Tổng Bách Hoá đang nuôi tham vọng triển khai 3 dự án tại các khu đất đắc địa tại Hà Nội. Doanh nghiệp này vừa được ‘tiếp sức’ bởi nhóm Tân Hoàng Minh sau đợt tăng vốn 900 tỉ đồng.
Tổng Bách Hoá tiền thân là doanh nghiệp nhà nước, trực thuộc Bộ thương mại. Năm 2004, công ty này tiến hành cổ phần hoá, với vốn điều lệ 14 tỉ đồng. Tới năm 2008, thông qua phát hành cổ phiếu ra công chúng, Tổng Bách Hoá tăng vốn điều lệ lên 31,78 tỉ đồng.
Hành trình về tay Tân Hoàng Minh
Tháng 11/2014, nhóm nhà đầu tư gồm Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh và một số cá nhân đã gửi thông báo, tiến hành gom mua lượng lớn cổ phần của Tổng Bách Hoá. Nhóm này cam kết sẽ cho Tổng Bách Hoá vay vốn để tái cơ cấu, giúp công ty vượt qua giai đoạn khó khăn.
Tới tháng 3/2015, nhóm Tân Hoàng Minh tiếp tục mua đấu giá thành công toàn bộ số cổ phần Nhà nước tại công ty do Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) nắm giữ. Từ đó, nhóm Tân Hoàng Minh đã trở thành cổ đông chi phối của Tổng Bách Hoá.
Tại ngày 22/9/2020, Tổng Bách Hoá có 115 cổ đông, song gần 68% cổ phần đã tập trung vào 3 cổ đông lớn, đó là Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Thái Sơn (24,7%), Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh (13,6%) và ông Mạnh Hoàng Thao (29,6%).
Tỉ lệ sở hữu của nhóm Tân Hoàng Minh còn cao hơn thế, bởi trong một báo cáo công bố vào năm 2020, Tổng Bách Hoá cho biết nhóm này đã sở hữu trên 76% vốn điều lệ của công ty.
Đến tháng 10/2020, thượng tầng của Tổng Bách Hoá được thay mới, khi ông Mạnh Hoàng Thao giữ chức Chủ tịch HĐQT thay bà Lê Thị Hợp, ông Nguyễn Mạnh Hùng là Tổng giám đốc thay ông Đinh Ngọc Khanh. Được biết, ông Mạnh Hoàng Thao là Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc của Tân Hoàng Minh, còn ông Nguyễn Mạnh Hùng là Phó tổng giám đốc của Tân Hoàng Minh.
Quá trình thâu tóm Tổng Bách Hoá của Tân Hoàng Minh từng vấp phải sự phản đối có phần gay gắt từ một số cổ đông.
Trong suốt 6 năm (từ 2014 – 2019), Tổng Bách Hoá không tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ), phía nhóm cổ đông chi phối cũng tỏ ý ‘tránh’ việc tổ chức họp với lý do công ty ‘đang trong giai đoạn tái cơ cấu’. Đây cũng là giai đoạn mà Tổng Bách Hoá gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh, thua lỗ triền miên, âm sâu vốn chủ sở hữu. Tính đến cuối năm 2019, công ty này vẫn ngập trong khó khăn, vốn chủ sở hữu âm 264 tỉ đồng.
Nỗ lực ‘hồi sinh’ Tổng Bách Hoá
Cuối năm 2020, ĐHĐCĐ của Tổng Bách Hóa bất ngờ được tổ chức với nhiều nội dung đáng chú ý.
Chi phối bởi nhóm Tân Hoàng Minh, Tổng Bách Hoá chuyển trọng tâm hoạt động sang lĩnh vực bất động sản khi trình cổ đông thông qua việc triển khai 3 dự án địa ốc đầy tham vọng, có tổng vốn đầu tư lên tới 2.740 tỉ đồng.
Trong đó, có 2 dự án tại Hà Nội là Dự án đầu tư khu nhà ở tại 486 Ngọc Hồi (2.100,9 tỉ đồng) và Tổ hợp trung tâm thương mại, dịch vụ tại 15 Bích Câu (231,3 tỉ đồng), 1 dự án tại Hải Phòng là Tổ hợp trung tâm thương mại, dịch vụ và nhà ở tại 23 Điện Biên Phủ, quận Ngô Quyền (407,6 tỉ đồng).
Bên cạnh đó, HĐQT Tổng Bách Hoá còn trình cổ đông thông qua việc phát hành 90 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược CTCP Đầu tư xây dựng Phú Thanh (Phú Thanh), nhằm thu về 900 tỉ đồng.
Phú Thanh, nên biết, chính là thành viên của Tân Hoàng Minh đóng vai trò là đơn vị triển khai dự án D’. El Dorado II tại Tây Hồ. Thương vụ phát hành cổ phiếu được hoàn tất ngày 24/2/2021.
Với số tiền thu về, Tổng Bách Hoá sẽ dùng 653 tỉ đồng để thực hiện dự án 486 Ngọc Hồi; 247 tỉ đồng còn lại dùng để tăng vốn tất toán các khoản công nợ phải trả.
Không những vậy, việc tăng vốn còn giúp Tổng Bách Hoá thoát khỏi tình trạng âm vốn chủ sở hữu. Nên biết, kể từ năm 2008, đã hơn 12 năm công ty này mới thực hiện tăng mạnh vốn điều lệ.
Mặt khác, Tổng Bách Hoá cũng đặt mục tiêu xử lý xong các quản nợ quá hạn tại ngân hàng để đủ điều kiện xin cấp tín dụng mới.
Khơi thông nguồn vốn tín dụng, ‘làm đẹp’ tình hình tài chính, và gần nhất là đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn (dù từng bị UBCKNN xử phạt 350 triệu đồng do chưa hoàn tất đăng ký giao dịch chứng khoán theo quy định), Tổng Bách Hoá đang mở ra cơ hội tiếp cận với dòng vốn từ thị trường chứng khoán, nếu giới chủ của doanh nghiệp này - cụ thể là Tân Hoàng Minh – thực sự quyết tâm và nghiêm túc.
Tân Hoàng Minh ‘chia tay’ dự án 22 – 24 Hàng Bài?
Ngày 29/1/2021, dữ liệu của VietTimes cho thấy, CTCP Thời đại mới T&T (New Times) – chủ đầu tư dự án Công trình hỗn hợp trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở bán tại số 22-24 phố Hàng Bài, Hà Nội – bất ngờ thay đổi lãnh đạo, với sự xuất hiện của hai sếp nữ, cùng sinh năm 1984.
Cụ thể, bà Nguyễn Thanh Trúc làm Chủ tịch HĐQT và bà Nguyễn Thị Vân Anh là Tổng Giám đốc mới của New Times.
Bà Nguyễn Thị Thanh Trúc cổ đông sáng lập của CTCP Đầu tư Moutain Land. Đơn vị này đang hợp tác đầu tư với CTCP Đầu tư Bất động sản Elegance – doanh nghiệp sở hữu nhiều lô đất tại Khu phức hợp Sài Gòn - Ba Son. Hiện tại, các dự án ở khu phức hợp này được phát triển dưới thương hiệu Masterise Homes.
Song song với việc thay đổi lãnh đạo tại New Times, dự án tại 22 – 24 Hàng Bài cũng có những chuyển động mới với sự xuất hiện của nhà thầu Delta, khu vực cổng vào dự án cũng được làm mới sau nhiều năm bỏ hoang.
Dự án trên khu đất rộng 4.000 m2 được biết đến với tên thương mại là D’ San Raffles, mang đậm dấu ấn của Tập đoàn Tân Hoàng Minh.
Tuy nhiên, sau hơn 1 thập kỷ phát triển, hồi tháng 6/2020, ông Đỗ Anh Dũng – Chủ tịch Tân Hoàng Minh – cho biết dự án này không thể triển khai do chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý, trong đó có việc tính toán tiền sử dụng đất. Ngoài ra, dự án nằm trong khu phố cổ của thành phố Hà Nội nên phải trải qua nhiều thủ tục xin cấp phép và phê duyệt kéo dài./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận