Vì sao Quảng Trị chuyển đổi hơn 1.631 ha đất, rừng phòng hộ đầu nguồn sang quy hoạch phát triển rừng sản xuất?
UBND tỉnh Quảng Trị vừa phê duyệt phương án chi tiết chuyển đổi hơn 1.600 ha đất, rừng phòng hộ đầu nguồn ít xung yếu sang quy hoạch phát triển trồng rừng sản xuất của Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Quảng Trị.
Tại quyết định 1711, UBND tỉnh Quảng Trị đã đồng ý phê duyệt Phương án chi tiết chuyển đổi 1. 631 ha đất, rừng phòng hộ đầu nguồn ít xung yếu sang quy hoạch phát triển trồng rừng sản xuất do Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị quản lý bàn giao cho địa phương quản lý.
Trong đó, đất có thiết kế trồng rừng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước là 434,6 ha (chương trình 661: 362,1 ha; chương trình bảo vệ và phát triển rừng 72,5 ha); đất có rừng trồng nguồn vốn tự có (người dân tự trồng): 54,1 ha ; Đất trồng, đất nông nghiệp và đất khác: 1.143 ha (DT1: 568,7 ha; DT2: 296,3 ha; DNN: 219,7 ha; DKH: 58,3 ha)
Vị trí diện tích đất, rừng được chuyển đổi và bàn giao gồm: Tại các tiểu khu 759A, 761A thuộc xã A Ngo; tiểu khu 740, 742, 755, 756A, 756B thuộc xã A Vao; 718B, 719A xã Tà Long; 707A, 707B, 717A, 717B xã Ba Nang, huyện ĐăKrong, nằm trong ranh giới do Bộ chỉ huy 12 (Đồn Biên phòng tỉnh Quảng Trị quản lý).
UBND tỉnh Quảng Trị chuyển đổi, bàn giao toàn bộ diện tích 1.631 ha cho các xã thuộc huyện Dakrong quản lý theo địa giới hành chính gồm xã A Ngo (240,7 ha), A Vao (901,9 ha), Ta Long (100 ha), Ba Nang (389,1 ha).
Theo quyết định, hơn 1.631 ha đất, rừng phòng hộ đầu nguồn ít xung yếu tại Quảng Trị được chuyển sang quy hoạch phát triển rừng sản xuất với mục tiêu nhằm phát triển kinh doanh trên diện tích đất được chuyển đổi, phát huy tổng hợp nguồn lợi của rừng mang lại hiệu quả kinh tế, kết hợp phòng hộ, bảo vệ môi trường sinh thái.
Cùng với đó, bàn giao quỹ đất cho địa phương quản lý để phát triển sản xuất, tăng thu nhập xóa đói giảm nghèo cho người dân góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới của các địa phương, hạn chế áp lực nhu cầu đất sản xuất lên các khu rừng phòng hộ.
Được biết, giá trị đầu tư rừng trồng thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước (chương trình 661; chương trình bảo vệ và phát triển rừng) đến thời điểm chuyển đổi là hơn 3,7 tỷ đồng. Trong đó, giá trị đầu tư từ nguồn vốn tự có 661 hơn 2,9 tỷ; giá trị đầu tư từ nguồn bảo vệ và phát triển rừng là hơn 789 triệu đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận