24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Anh Giang
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Vì sao phải giảm thuế phí "giải cứu" ngành hàng không?

Để tháo gỡ, giải cứu ngành hàng không thoát khỏi những khó khăn, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam đã đề xuất tới Thủ tướng Chính phủ một số chính sách đặc thù hỗ trợ ngành hàng không nhanh chóng phục hồi.

Hàng không ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế

Cụ thể, nhanh chóng ban hành các quy định về quy trình, thủ tục thực hiện các chuyến bay trong nước và quốc tế; giảm sâu hơn thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu hàng không (ít nhất là giảm 70% so với mức 30% hiện nay) và kéo dài thời gian áp dụng (tới hết năm 2021).

Đặc biệt, kéo dài thời gian giảm giá dịch vụ đối với các hãng hàng không và nghĩa vụ tài chính của các doanh nghiệp trực tiếp phục vụ hoạt động bay (các cảng hàng không, các doanh nghiệp quản lý/ điều hành bay, …) tới giữa năm hoặc cuối năm 2021 tuỳ tình hình dịch bệnh.

Theo Hiệp hội, các hãng hàng không kiến nghị gói hỗ trợ tài chính trị giá 25.000 tỷ đồng, bao gồm cả tín dụng ngắn hạn và tín dụng dài hạn theo phương án bảo lãnh tín dụng, với lãi suất vay ưu đãi giúp các hãng sớm phục hồi. Hiệp hội cũng đề xuất cần nghiên cứu hình thành các nhóm công tác liên ngành của Chính phủ, chịu trách nhiệm hình thành chính sách đồng bộ về hỗ trợ cho ngành hàng không.

Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, trong 10 năm qua, cùng với sự phát triển của đất nước, thúc đẩy hội nhập văn hóa, phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, ngành hàng không Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, với tốc độ tăng trưởng liên tục đạt mức 2 con số, trung bình đạt 15,8%/năm.

Giai đoạn từ 2008 - 2019, hàng không Việt tăng trưởng 17,1% về hành khách và 13,8% về hàng hoá; đội tàu bay so với năm 2008 tăng 3,5 lần, mạng đường bay nội địa tăng 2,4 lần, đường bay quốc tế tăng 2,4 lần; vận chuyển của hãng hàng không so với năm 2008 tăng 5,2 lần về hành khách và 3,2 lần về hàng hoá.

Tuy nhiên, do dịch Covid-19 bùng phát từ năm 2020 đến nay, ngành hàng không đang phải đối diện với nhiều khó khăn, đứng trước nguy cơ suy thoái sụt giảm thị trường theo phương thẳng đứng.

Tính riêng 10 tháng năm 2020, khách quốc tế đến Việt Nam ước tính đạt hơn 3,8 triệu lượt, giảm 73,8% so với cùng kỳ năm trước). Thiệt hại của ngành hàng không là rất nghiêm trọng, số lượng khách hàng và chuyến bay khai thác sụt giảm rất nghiêm trọng.

Riêng Vietnam Airlines tính đến hết năm 2020, số chuyến bay toàn mạng giảm 32.700 chuyến (giảm 88,2% so với kế hoạch). Khách vận chuyển giảm khoảng 5,67 triệu khách (giảm 89,3% so với kế hoạch).

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp hàng không cũng phải gia tăng chi phí cố định để duy trì hoạt động của doanh nghiệp (bao gồm chi phí thuê máy bay, chi phí đậu đỗ và các chi phí chi thường xuyên khác).

Vì sao phải giảm thuế phí "giải cứu" ngành hàng không?
Cần có gói hỗ trợ tài chính giúp đỡ các ngành hàng không.

Theo báo cáo của các hãng hàng không trong nước, ước tính chi phí thuê máy bay mỗi tháng của Vietnam Airlines là 30 triệu USD, với Vietjet là 20 triệu USD. Chi phí đậu đỗ sân bay mỗi tháng của Vietnam Airlines là 6 tỉ đồng; Vietjet khoảng 3,6 tỉ đồng; Bamboo Airways khoảng 1,24 tỉ đồng.

Nếu nhà nước không có những chính sách phù hợp, hỗ trợ thì khó có thể "giải cứu" được ngành hàng không này. Vì sao phải "giải cứu" ngành hàng không? bởi nếu ngành hàng không bị phá sản sẽ kéo theo đó là hàng loạt lĩnh vực khác cũng đứng trước nguy cơ phá sản theo như: Du lịch, nghỉ dưỡng, vận chuyển hàng hoá quốc tế...

Năm 2021, được các chuyên gia kinh tế và các cơ quan quản lý nhà nước dự báo ngành hàng không sẽ phục hồi từng bước, nhưng để phục hồi từng bước thì các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airays sẽ phải làm gì để tự cứu lấy mình thoát ra khỏi những khó khăn của năm 2020.

Đây cũng là câu hỏi được đặt ra với các cơ quan quản lý Nhà nước. Do đó, các hãng hàng không đang rất cần Nhà nước hỗ trợ, giảm các loại thuế phí để "giải cứu" ngành hàng không và nền kinh tế của đất nước.

Vì sao phải "giải cứu"?

Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao các Bộ Giao thông Vận tải, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Công Thương và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, giải quyết theo thẩm quyền các kiến nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam để phát triển bền vững ngành hàng không Việt Nam, trước mắt là tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Bộ Giao thông Vận tải cho biết, trong thời gian tới Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu tham mưu cho Chính phủ ban hành những chính sách để giúp ngành hàng không phục hồi. Tuy nhiên, dự báo sắp tới ngành hàng không vẫn đứng trước khó khăn to lớn, khi dịch Covid-19 trên thế giới vẫn chưa được kiểm soát kéo theo hoạt động vận tải hàng không quốc tế tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, các doanh nghiệp và các nhà quản lý cần cùng nhau đưa ra những giải pháp thích hợp.

Vì sao phải giảm thuế phí "giải cứu" ngành hàng không?
Ngành hàng không cần được hỗ trở để phát triển bền vững.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, Chính phủ giao Bộ KH&ĐT phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nghiên cứu các giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị tác động bởi dịch Covid-19. Hiện, Bộ KH&ĐT đã có những báo cáo sơ bộ trước khi trình Chính phủ.

Năm 2021, các giải pháp về phòng chống Covid-19 đã có sự thay đổi, cập nhật và tiến bộ hơn. Đặc biệt là Việt Nam đã có những điều chỉnh rất phù hợp với tình hình, gắn với mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Đối tượng bị tác động trong xã hội cũng có sự thay đổi so với thời điểm trước đây, thị trường trong nước dần được khôi phục.

"Các đối tượng bị ảnh hưởng nặng đã thu hẹp lại (gồm ngành du lịch và các dịch vụ phục vụ du lịch như lữ hành, khách sạn, lưu trú, ăn uống… Ngoài ra có một số doanh nghiệp vận tải, trong đó có vận tải hàng không)", ông Phương khẳng định.

Theo ông Phương, Bộ KH&ĐT đã phát hành công văn gửi các bộ, ngành liên quan để nghiên cứu, trong đó có lưu ý một số nội dung, nhất là đánh giá tác động của dịch Covid-19 đối với các hoạt động thuộc từng lĩnh vực. Đặc biệt là ngành hàng không, Việc "giải cứu" ngành này có vai trò rất quan trọng đối với việc phát triển du lịch, vận chuyển hàng hoá quốc tế, kinh tế xã hội.

Bộ đang chờ các đơn vị đánh giá các giải pháp sao cho đúng, cho trúng và rà soát các đối tượng để chính sách đi đúng chỗ, khả thi, nguồn lực ở đâu và thực hiện như thế nào. Trên cơ sở ý kiến của các bộ, ngành liên quan, Bộ KH&ĐT sẽ tổng hợp, nghiên cứu, có tham khảo ý kiến các chuyên gia kinh tế trước khi báo cáo Chính phủ.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả