Vì sao phải 'giải cứu' Vietnam Airlines?
Quốc hội vừa thông qua nghị quyết về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - VNA) do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước thực hiện tái cấp vốn và gia hạn không quá 2 lần cho tổ chức tín dụng (không bao gồm các tổ chức tín dụng đang được kiểm soát đặc biệt) để cho VNA vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Cho phép VNA chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ và Chính phủ giao Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phiếu tại VNA thuộc quyền mua cổ phần của cổ đông nhà nước theo phương thức chuyển giao quyền mua.
Vay và sẽ trả chứ không phải xin
Gói hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam với tư cách chủ sở hữu 86% vốn nhà nước tại VNA dù muộn hơn so với các hãng hàng không quốc tế nhưng được đánh giá là cần thiết để VNA có thể "sống sót" vượt qua đại dịch.
Theo ông Trần Thanh Hiền - trưởng ban tài chính kế toán của VNA, để sống được từ khi xảy ra đại dịch COVID-19 đến nay, VNA đã xoay xở nhiều cách từ giảm lương, dùng máy bay chở khách đi chở hàng, tận dụng từng chuyến bay hồi hương, đàm phán giãn nợ... để có doanh thu, không để lâm vào tình thế phá sản.
Cụ thể, VNA thực hiện triệt để tiết kiệm giảm các chi phí, tiền lương với tổng số cắt giảm 5.335 tỉ đồng, hiện nay 20% nhân lực đi làm thường xuyên, 80% đi làm luân phiên.
Đồng thời, VNA tăng cường khai thác nội địa và chuẩn bị khai thác ngay các đường bay quốc tế theo kế hoạch mở lại các chuyến bay quốc tế của Chính phủ nhằm tăng nguồn thu sản xuất kinh doanh.
Ngoài các chuyến bay nội địa, trong 9 tháng đầu năm, hãng đã thực hiện 101 chuyến bay hồi hương (29.200 khách), 64 chuyến bay chở chuyên gia (hơn 10.000 khách), 2.660 chuyến bay chở hàng (doanh thu 1.924 tỉ đồng).
Ông Hiền cho biết sở dĩ VNA vẫn còn tiền hoạt động đến nay, ngoài sự hồi phục của thị trường nội địa trong tháng 7 và tháng 9-2020, hãng này tiếp tục vay ngắn hạn, giãn thanh toán với các đối tác nên có 8.000 tỉ đồng.
Bên cạnh đó còn có cả sự hỗ trợ của đối tác, bạn hàng và chính sách về thuế, phí của Quốc hội, Chính phủ trong thời gian cho các hãng hàng không.
Riêng gói hỗ trợ mà VNA đề xuất Chính phủ là để hãng này vượt qua và phát triển sau dịch COVID-19. Việc Nhà nước hỗ trợ VNA chính là hỗ trợ đứa con của mình khi Nhà nước nắm giữ 86% cổ phần của VNA.
Tuy nhiên, VNA đề xuất vay và hỗ trợ chứ không xin ngân sách, hãng sẽ trả trong 3 năm. Bởi vì tổng tài sản của VNA hiện nay là trên 70.000 tỉ đồng nhưng bán vào thời điểm này không hợp lý nên hãng chưa bán tài sản để sống sót qua dịch như nhiều hãng hàng không trên thế giới.
"Theo tính toán của VNA, trong 3 năm sẽ cân đối, thừa khả năng để trả chứ không phải là tay không bắt giặc" - ông Hiền khẳng định.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo VNA cho biết sẽ cần một vài thủ tục, hướng dẫn từ Chính phủ để triển khai nghị quyết của Quốc hội về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho VNA.
Gói này trước mắt sẽ giúp VNA đỡ thiếu hụt dòng tiền của năm 2020 (dự kiến thiếu hụt khoảng 15.000 - 16.000 tỉ đồng), làm tăng khả năng thanh khoản và cơ sở để đàm phán với các tổ chức tín dụng, đối tác cung cấp dịch vụ, cho thuê máy bay... thuận lợi hơn. Khi chính thức nhận được gói hỗ trợ, VNA sẽ công bố kế hoạch sử dụng gói hỗ trợ này.
Doanh nghiệp gặp khó, chủ sở hữu phải cứu
Ông Nguyễn Đức Kiên - phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, tổ trưởng tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng - cho biết việc Quốc hội ban hành nghị quyết cho VNA được vay 4.000 tỉ đồng, lãi suất ưu đãi 4%/năm theo chính sách tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước, thông qua một tổ chức tín dụng của Nhà nước và đồng ý để VNA phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn thêm 8.000 tỉ đồng, giao Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) mua cổ phần thuộc quyền mua của Nhà nước là cơ chế bình thường. Đây là doanh nghiệp nhà nước nên việc Nhà nước cho vay với lãi suất này là bình thường.
"Quyết định này được đưa ra dựa trên tính chất Nhà nước là chủ sở hữu của VNA, trong khoản cho vay này, VNA vẫn phải trả lãi 4%, cả lãi và nợ gốc đều tính vào phần vốn góp nhà nước.
Các cổ đông khác cũng phải đóng góp để tăng vốn vào VNA, nếu họ không đóng góp thì tỉ lệ sở hữu vốn nhà nước tại VNA sẽ tăng lên, tỉ lệ vốn góp các cổ đông khác sẽ giảm đi" - ông Kiên nói.
Theo ông Kiên, các chính sách đưa ra trong nghị quyết với VNA là chính sách của chủ sở hữu với doanh nghiệp của mình. Các chính phủ Đức, Pháp cũng thực hiện chính sách cho vay ưu đãi tương tự như vậy với hãng hàng không lớn của họ.
VNA có 86% vốn nhà nước, tài sản là của toàn dân, Chính phủ có trách nhiệm quản lý và sử dụng tài sản có hiệu quả. Bất kỳ một doanh nghiệp nào gặp khó khăn thì chủ sở hữu cũng phải cứu doanh nghiệp của mình, nó khác với các chính sách hỗ trợ chung cho toàn ngành.
Tương tự, bà Phạm Thị Phú Hà - phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp - cho rằng thực ra không có ưu đãi gì cho VNA, Chính phủ chỉ giải quyết cơ chế chính sách do doanh nghiệp gặp phải những khó khăn do dịch bệnh. Đây là chính sách đặc biệt trong tình hình đặc thù, Nhà nước đưa ra một số cơ chế huy động vốn cho VNA.
"Trên thực tế, VNA vẫn phải tự lực hết, doanh nghiệp không được cho không gì cả, vay cũng phải tự đi vay, tài sản cũng phải mang ra thế chấp, chỉ mỗi điều kiện được phát hành cổ phiếu là SCIC đứng ra mua chứ Nhà nước không bỏ đồng nào.
Phần tiền vay, lãi suất vay đều tính là phần vốn nhà nước góp vào doanh nghiệp, Chính phủ không bỏ tiền, chỉ ban hành chính sách tháo gỡ khó khăn. Nếu để VNA phá sản thì Nhà nước sẽ mất nhiều hơn" - bà Hà phân tích.
Dự kiến lãi suất tái cấp vốn là 0%/năm
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 18-11, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết sau khi Quốc hội có nghị quyết thì Thủ tướng sẽ có quyết định triển khai các giải pháp hỗ trợ VNA.
Quyết định của Thủ tướng sẽ quy định cụ thể về lãi suất và thời hạn cho VNA vay là bao nhiêu. Sau khi có quyết định của Thủ tướng, các ngân hàng thương mại sẽ cho VNA vay, VNA vay của các ngân hàng thương mại bao nhiêu thì Ngân hàng Nhà nước sẽ cho các ngân hàng thương mại vay tái cấp vốn bấy nhiêu.
"Ngân hàng Nhà nước sẽ tái cấp vốn với lãi suất rất thấp để các ngân hàng thương mại cho VNA vay mức ưu đãi nhất.
Theo nghị quyết của Chính phủ đưa ra ban đầu, lãi suất tái cấp vốn mà Ngân hàng Nhà nước cho các ngân hàng thương mại để cho VNA vay là 0%/năm.
Ngân hàng thương mại có thể đưa ra lãi suất cho VNA vay rất hợp lý, tuy nhiên trên tinh thần hỗ trợ, có thể khoản vay này được ngân hàng thương mại chỉ lấy phí thôi" - ông Tú thông tin.
Cũng theo ông Tú, trừ một số ngân hàng yếu kém, các ngân hàng thương mại đều có thể cho VNA vay và được Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn.
Về quy mô khoản vay tái cấp vốn như dự kiến trước đây là 4.000 tỉ đồng trong thời hạn 3 năm và gia hạn không quá 2 lần. Các ngân hàng thương mại nếu có tiềm lực thì có thể kéo dài thời gian cho vay ưu đãi đối với VNA.
L.THANH
Nhiều nước cứu ngành hàng không do tác động của COVID-19
Do hệ lụy từ các quy định hạn chế đi lại, đóng cửa biên giới và giãn cách xã hội suốt nhiều tháng qua để phòng đại dịch COVID-19, một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nhất ở các nước là hàng không.
Nhiều hãng bay tuyên bố phá sản, một số hãng tạm dừng hoạt động, số khác nữa chứng kiến mức sụt giảm số chuyến bay kỷ lục trong lịch sử kinh doanh, nhiều phi công, tiếp viên hoặc bị mất việc hoặc phải chấp nhận giảm lương.
Theo Đài CNBC, tính tới 8-10-2020 trên toàn thế giới đã có 43 hãng bay thương mại phá sản và nhiều hãng khác đang trong xu hướng này.
Trong bối cảnh đó, chưa nói tới các hãng bay tư nhân, nhiều quốc gia đã phải dành một phần ngân sách đáng kể cứu hãng bay quốc gia trong cuộc khủng hoảng dịch bệnh chưa từng có tiền lệ.
Theo Hãng tin Reuters, cuối tháng 3 năm nay Hãng hàng không quốc gia Singapore Airlines thông báo đã nhận được gói cứu trợ 19 tỉ SGD (13 tỉ USD) ngân sách để chèo chống qua COVID-19. Đó cũng là gói ngân sách cứu trợ lớn nhất cấp một lần cho một hãng hàng không quốc gia bị ảnh hưởng vì đại dịch tính tới thời điểm ấy.
Cùng giai đoạn đó, American Airlines, một hãng bay Mỹ lớn hơn nhiều so với Singapore Airlines, cũng thông báo họ đủ điều kiện để nhận gói cứu trợ 12 tỉ USD từ chính phủ.
Đó chỉ là một phần trong tổng gói cứu trợ 58 tỉ USD gồm cả tiền hỗ trợ và tiền cho vay ưu đãi của Chính phủ Mỹ nhằm giúp ngành công nghiệp hàng không nước này vượt qua khủng hoảng.
Cuối tháng 4 năm nay, các ngân hàng nhà nước của Hàn Quốc là Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc đã cung cấp khoản vay ưu đãi khoảng 2,35 tỉ USD cho hai hãng bay Korean Air và Asiana Airlines.
Ngoài các khoản hỗ trợ này, Chính phủ Hàn Quốc cũng đã chi tổng cộng 40.000 tỉ won (36 triệu USD) để giải cứu 7 ngành công nghiệp chủ chốt, trong đó có hàng không.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận