Vì sao OCB 'từ chối' 1.000 tỷ vốn giá rẻ?
Ở chiều ngược lại, nhà băng của ông Trịnh Văn Tuấn lại phải huy động 3.000 tỷ đồng cũng qua kênh trái phiếu với lãi suất cao hơn.
Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) vừa công bố mua lại 1.000 tỷ đồng trái phiếu trước hạn. Ngày mua là 31/1/2020, tức là tròn 1 năm sau phát hành, và trước 1 năm đáo hạn.
Lô trái phiếu kỳ hạn 2 năm được phát hành vào ngày 31/1/2019 với lãi suất cố định 6,5%/năm. OCB đã thanh toán 1.000 tỷ đồng nợ gốc cùng 65 tỷ đồng tiền lãi cho trái chủ là Vietcombank.
Trước diễn biến mua lại này, OCB từ tháng 9-12/2019 đã phát hành 5 đợt trái phiếu, thu về 3.000 tỷ đồng với lãi suất tăng dần, từ 6,6%-6,8%/năm.
Ở diễn biến đáng chú ý, như Nhadautu.vn đã lưu ý trong bài viết gần đây, lãi suất trái phiếu của các ngân hàng có xu hướng tăng khá mạnh thời gian qua, từ dưới 7%/năm vọt lên trên 8%, thậm chí chạm ngưỡng 9,5%. Ví dụ, ACB ngày 27/12/2019 và 7/1/2020 phát hành 230 tỷ đồng với lãi suất 8,5%/năm, TPBank ngày 16/1/2020 phát hành 254,8 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 7 năm với lãi suất lên tới 9,5% cho năm đầu, hay như BIDV ngày 25/12/2019 phát hành 3.060 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 6 năm với lãi suất năm đầu 8,2%/năm...
Vậy thì vì sao OCB lại có động thái khá khó hiểu là mua lại 1.000 tỷ đồng trái phiếu giá rẻ? Câu trả lời có thể không nằm ở OCB, mà ở chủ nợ Vietcombank, bởi hợp đồng trái phiếu có quy định Người sở hữu trái phiếu có quyền mua lại trước hạn toàn bộ hoặc một phần trái phiếu vào đúng ngày 31/1/2020.
Trái phiếu đang là kênh huy động vốn được OCB đẩy khá mạnh. Trong năm 2019, nhà băng này phát hành 8 đợt trái phiếu, thu về 3.700 tỷ đồng. Số dư phát hành giấy tờ có giá tới cuối năm ngoái là 11.765 tỷ đồng, chiếm khoảng 10% tổng nguồn vốn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận